“Đại dự án”: Nơi bất ngờ huỷ đấu thầu quốc tế, nơi “gây sốc” với nợ và thua lỗ
(Dân trí) - Thông tin gây chú ý nhất trong tuần là Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã quyết định hủy đấu thầu quốc tế, điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước nhằm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Bộ Giao thông hủy đấu thầu quốc tế với “đại dự án” cao tốc Bắc - Nam
Sau khi đánh giá trách nhiệm pháp lý quy định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành và Luật đấu thầu, trên cơ sở thống nhất của các cơ quan liên quan, Bộ GTVT đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương rà soát, hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để triển khai dự án. Mọi thông tin về các bước thực hiện tiếp theo sẽ được Bộ GTVT kịp thời cung cấp để toàn thể nhân dân được biết và giám sát.
Bộ GTVT nhấn mạnh quan điểm phát huy nội lực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư Dự án và phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng.
Trước đó, với hình thức đấu thầu quốc tế, sau 2 tháng kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, các Ban Quản lý dự án của Bộ GTVT đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển.
“Có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có từ 2 nhà đầu tư và 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển. Như vậy, số lượng nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển không nhiều, tính cạnh tranh không cao.” - Bộ GTVT cho biết.
Thủ tướng: “Đừng làm dối, làm hỏng, đừng ăn cắp định mức, rút ruột công trình”
Thủ tướng Chính phủ Nguyên Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị sáng 26/9 (ảnh: VGP)
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, sáng 26/9. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu nhiều ý kiến chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án.
Lên án sự chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, Thủ tướng cho rằng quy trình, thủ tục phải làm đầy đủ, chặt chẽ, bỏ qua khâu này là nguy hiểm đối với sự phát triển. Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ thì cần quan tâm chất lượng công trình, dự án. “ Đừng làm dối, làm hỏng, đừng ăn cắp định mức, rút ruột công trình! ” - Thủ tướng nói.
Nói về nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công bị chậm, Thủ tướng nhấn mạnh đó là căn bệnh trầm kha, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính.
Thủ tướng yêu cầu: “Phải kỷ luật kịp thời nghiêm minh đối với những vi phạm, làm chậm, kém hiệu quả, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không biết làm việc, hoặc cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ được giao.”
Giao việc dễ chỉ “vẽ đường” cho con ông, cháu cha vào Nhà nước
TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM)
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đã đến lúc thay đổi tư duy quản lý doanh nghiệp Nhà nước, nếu cứ như hiện nay chỉ loay hoay, lẩn quẩn, giống như “con nhộng mới chỉ lột xác một nửa”. Điều này khiến nền kinh tế đổi sang mô hình kinh tế thị trường theo kiểu dùng dằng, không dứt khoát.
Tiến sĩ Cung cho rằng, nếu giao việc thì điều quan trọng là phải giao cho doanh nghiệp Nhà nước những nhiệm vụ cụ thể, khó khăn xứng đáng với vai trò. Cứ yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước phải bảo toàn vốn trong đầu tư kinh doanh, doanh thu năm sau cao hơn năm trước... là nhiệm vụ quá sơ sài, chung chung. Nhiều khi chỉ cần 1 đồng lợi nhuận là có bảo toàn vốn, thậm chí chỉ cần hoạch toán lại đã có lợi nhuận, có bảo toàn vốn.
"Tôi thích cách đề cập như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ là: Phải giao nhiệm vụ đủ cao cho doanh nghiệp Nhà nước mà chỉ có người tài mới làm được. Nếu giao nhiệm vụ thấp, người trình độ thấp cũng làm được thì chỉ tạo điều kiện cho con ông cháu cha vào doanh nghiệp Nhà nước", ông Cung nói.
Vinalines: Mua 3 tàu gần 230 tỷ đồng thì giá trị “bốc hơi” đến 135 tỷ!
(Ảnh minh hoạ)
Nêu ý kiến tại báo cáo bán niên 2019 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty TNHH MTV ( Vinalines - MVN ), kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY đã nhấn mạnh đến Nghị quyết số 513 ký ngày 6/3/2015 của Hội đồng Thành viên Vinalines về việc dừng triển khai dự án đóng 2 tàu 47.500 DWT (HB-02/03) của tổng công ty này tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long.
Đồng thời, ngày 2/7/2014, Vinalines cũng có nghị quyết số 2328 của Hội đồng thành viên dừng triển khai các dự án đóng tàu thuộc chương trình tiếp nhận 20 tàu biển đang đóng dở dang tại Vinashin và chương trình dừng đóng mới 32 tàu biển của tổng công ty trong đó có tàu 22.500 DWT (BV-12).
Tổng giá trị đầu tư của 3 tàu nêu trên đang được Vinalines theo dõi trên khoản mục “hàng tồn kho” với giá trị trên 227,6 tỷ đồng. Giá trị tài sản được định giá theo chứng thư thẩm định giá ngày 11/3/2019 do Công ty Cổ phần Thẩm định giá Vinacontrol phát hành có giá trị là hơn 92,5 tỷ đồng. Vinalines đang thực hiện các thủ tục thành lý các tài sản này theo Thông báo đấu giá số 21 ngày 24/7/2019.
Tuy nhiên, tại ngày 30/6/2019, tổng công ty này lại không thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cho phần giá trị tàu biển bị suy giảm là hơn 135,1 tỷ đồng.
Có “đại gia” ứng cứu, dự án hơn 7.000 tỷ đồng PVTex vẫn khó “sống sót”?
Đơn vị kiểm toán thừa nhận không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khả năng tiếp tục hoạt động của PVTex trong vòng ít nhất 12 tháng sắp tới kể từ ngày kiểm toán.
Một chi tiết đáng chú ý trong báo cáo tài chính bán niên của Tập đoàn PVN đó là tại ngày 31/12/2018, tài sản ngắn hạn của Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex - công ty con của PVN) nhỏ hơn nợ phải trả ngắn hạn khoảng 2.616 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ luỹ kế của PVTex lên tới 4.749 tỷ đồng, lỗ luỹ kế của PVTex đã vượt quá vốn góp của chủ sở hữu.
Cũng tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của PVTex là khoảng 5.237 tỷ đồng nhưng nợ phải trả đã lên tới 7.727 tỷ đồng, trong đó, số dư khoản vay dài hạn của PVTex tại BIDV được PVN bảo lãnh với số dư gốc vay khoảng 5.125 tỷ đồng.
Số dư các khoản vay và nợ đã quá hạn, chưa được thanh toán tại ngày 31/12/2018 của PVTex khoảng trên 1.399 tỷ đồng.
PVTex đang làm việc với các nhà thầu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định giá trị quyết toán công trình Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ.
“Các yếu tố này dẫn tới nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của PVTex” - kiểm toán viên của Deloitte nêu ý kiến. Đơn vị kiểm toán thừa nhận không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về khả năng tiếp tục hoạt động của PVTex trong vòng ít nhất 12 tháng sắp tới.
Asanzo bị tố “làm giả tài liệu, con dấu” hợp tác với Công ty Sharp
Liên quan đến Asanzo - một doanh nghiệp “dậy sóng” dư luận thời gian qua về nghi án “đội lốt” made in Vietnam, mới đây, Công ty điện tử Sharp (Nhật Bản) chi nhánh tại Việt Nam đã gửi đơn tố cáo Asanzo lên Bộ Công an vì cho rằng Asanzo làm giả con dấu, tài liệu sở hữu công nghệ và hợp tác với công ty con của Sharp ở Hồng Kông.
Sharp Việt Nam khẳng định: Asanzo có hành vi cố tình tạo ra tài liệu giả mạo với mục đích đánh lừa người tiêu dùng về các mặt hàng có nguồn gốc từ Sharp. Hành vi của Asanzo không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của tập đoàn.
Sharp Việt Nam đề nghị cơ quan an ninh, Bộ Công an xác minh, điều tra làm rõ các tài liệu mà Asanzo công bố và xem xét hành vi làm giả hồ sơ tài liệu của đơn vị khác theo quy định của pháp luật.
Mai Chi (tổng hợp)