1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vinalines: Mua 3 tàu gần 230 tỷ đồng thì giá trị “bốc hơi” đến 135 tỷ!

(Dân trí) - Với kết quả kinh doanh giảm sút “toàn diện” trong nửa đầu năm, thua lỗ hơn 600 tỷ đồng sau soát xét, Vinalines còn bị kiểm toán nhấn mạnh đến việc tổng công ty này không thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cho phần giá trị tàu biển bị suy giảm là hơn 135,1 tỷ đồng và có gần 22 tỷ đồng chưa rõ có thu hồi được hay không.

Hai điểm “nhấn mạnh” đáng chú ý của kiểm toán

Nêu ý kiến tại báo cáo bán niên 2019 của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty TNHH MTV (Vinalines - MVN), kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY đã nhấn mạnh đến Nghị quyết số 513 ký ngày 6/3/2015 của Hội đồng Thành viên Vinalines về việc dừng triển khai dự án đóng 2 tàu 47.500 DWT (HB-02/03) của tổng công ty này tại Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hạ Long.

Đồng thời, ngày 2/7/2014, Vinalines cũng có nghị quyết số 2328 của Hội đồng thành viên dừng triển khai các dự án đóng tàu thuộc chương trình tiếp nhận 20 tàu biển đang đóng dở dang tại Vinashin và chương trình dừng đóng mới 32 tàu biển của tổng công ty trong đó có tàu 22.500 DWT (BV-12).

Tổng giá trị đầu tư của 3 tàu nêu trên đang được Vinalines theo dõi trên khoản mục “hàng tồn kho” với giá trị trên 227,6 tỷ đồng.

Vinalines: Mua 3 tàu gần 230 tỷ đồng thì giá trị “bốc hơi” đến 135 tỷ! - 1

(Ảnh minh hoạ)

Giá trị tài sản được định giá theo chứng thư thẩm định giá ngày 11/3/2019 do Công ty Cổ phần Thẩm định giá Vinacontrol phát hành có giá trị là hơn 92,5 tỷ đồng. Vinalines đang thực hiện các thủ tục thành lý các tài sản này theo Thông báo đấu giá số 21 ngày 24/7/2019.

Tuy nhiên, tại ngày 30/6/2019, tổng công ty này lại không thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cho phần giá trị tàu biển bị suy giảm là hơn 135,1 tỷ đồng do trong giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, Vinalines áp dụng các văn bản hiện hành quy định về hướng dẫn xử lý hành chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần trong việc lập báo cáo tài chính.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng nhấn mạnh đến dự án Cảng Lạch Huyện tồn đọng nhiều năm liên quan đến chi phí lập hồ sơ thiết kế chi tiết, thẩm tra thiết kế, chi phí lập tư vấn dự án chưa được Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (Tân Cảng) chấp nhận thanh toán cho Vinalines theo hướng dẫn bàn giao tại Quyết định số 3832 ngày 27/11/2013 của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo báo cáo tài chính, vào tháng 6/2018, Vinalines đã có công văn về việc báo cáo công tác bàn giao, hoàn trả chi phí đầu tư dự án gửi Thủ tướng Chính phủ, giá trị chênh lệch còn chưa được Tân Cảng chấp nhận thanh toán là 21,86 tỷ đồng.

Về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ cũng đã có phiếu chuyển số 960 ngày 3/7/2018 gửi Bộ Giao thông Vận tải và bộ Quốc phòng. Ngày 5/7/2018, Vụ Kế hoạch đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải có gửi công văn đến Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cũng thuộc bộ này đề nghị tham gia ý kiến về thanh toán chi phí liên quan đến dự án.

Tuy nhiên, đến thời điểm lập báo cáo tài chính bán niên 2019 thì Vinalines vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi chính thức bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

“Theo đó, việc thu hồi nợ có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền” - kiểm toán cho biết.

Kết quả kinh doanh “sụt giảm toàn diện”

Báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét kỳ 6 tháng đầu năm 2019 do Vinalines vừa công bố đã cho thấy kết quả kinh doanh “sụt giảm toàn diện” so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, doanh thu thuần của Vinalines chỉ đạt 686 tỷ đồng, giảm hơn 5% so với cùng kỳ. Do hoạt động kinh doanh dưới giá vốn nên lãi gộp của Vinalines ghi nhận giá trị ấm hơn 35 tỷ đồng, tăng lỗ gấp 4 lần cùng kỳ.

Thêm vào đó lãi vay vẫn là một áp lực lớn với Vinalines (gần 101 tỷ đồng trong 6 tháng), doanh thu hoạt động tài chính sụt giảm mạnh, chi phí bán hàng tăng nhanh, chi phí quản lý doanh nghiệp không cải thiện là bao so với cùng kỳ… Điều đó dẫn đến Vinalines bị lỗ thuần hơn 186 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay (cùng kỳ có lãi thuần hơn 80 tỷ đồng).

Chưa hết, Vinalines còn có khoản “lỗ khác” gần 431 tỷ đồng (tăng lỗ gấp 11 lần cùng kỳ) nên đã dẫn tới tình trạng thua lỗ nặng trong 6 tháng đầu năm 2019. Lỗ kế toán trước thuế hơn 617 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi hơn 42 tỷ đồng) và lỗ sau thuế cũng 617 tỷ đồng.

Tình trạng thua lỗ nửa đầu năm nay đã xoá sạch những nỗ lực của Vinalines để “vượt khó” thời gian qua và khiến “ông lớn” ngành kinh doanh hàng hải quay trở lại tình trạng lỗ luỹ kế. Lỗ luỹ kế đến thời điểm 30/6/2019 của Vinalines là 288 tỷ đồng.

Theo báo cáo hợp nhất quý II do Vinalines tự lập thì lỗ luỹ kế tại ngày 30/6 của tổng công ty này lên tới 3.641 tỷ đồng.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm