1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại biểu tranh luận gay gắt vụ "tăng trưởng phụ thuộc dầu thô"

(Dân trí) - Các đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm trái chiều về việc "tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào dầu thô". Trước đó, báo cáo Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc hội cũng đưa ra nhận định trái ngược về vấn đề này.

Ông Hoàng Quang Hàm, Đại biểu Tỉnh Phú Thọ.
Ông Hoàng Quang Hàm, Đại biểu Tỉnh Phú Thọ.

Sáng 25/5, phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, đại biểu Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, nền kinh tế vẫn còn "những khoảng lặng của tăng trưởng".

"Khoảng lặng của tăng trưởng"

Đại biểu Hàm đồng ý với báo cáo Chính phủ là tăng trưởng đang giảm dần sự lệ thuộc vào khai thác dầu thô, năm 2017 công nghiệp khai khoáng vượt kế hoạch nhưng chỉ bằng trên 93% năm 2016. Song, cũng trong năm 2017, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì không đạt mục tiêu tăng trưởng.

"Theo tính toán, một triệu tấn dầu góp 0,2-0,3 điểm tăng trưởng. Cho nên, nếu không có yếu tố này, GDP 2017 chỉ đạt 6,4-6,6% (thay vì 6,81%). Như vậy, kết quả GDP vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng từ sản xuất kinh doanh không đạt kỳ vọng, phải bù đắp từ khai thác thêm dầu", ông Hàm nói.

​Theo đó, ông Hàm cho rằng, đây là khoảng lặng trong tăng trưởng 2017 mà chúng ta cần nhìn nhận.

Ông Hàm cũng cho rằng, quy mô GDP 2017 đạt hơn 5 triệu tỷ đồng là còn khiêm tốn, không đạt như kỳ vọng đề ra từ cách đây 2 năm. Tăng trưởng kinh tế quý I/2018 đạt 7,38%, cao nhất 10 năm, nhưng nhân tố tạo bứt phá không được duy trì bền vững nên dự báo quý sau sẽ giảm dần.

Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng tỷ lệ gia công, lắp ráp trong ngành chế biến, chế tạo rất lớn. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế đang chịu sự chi phối của doanh nghiệp FDI; Samsung và Formosa góp hơn 40% tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo; doanh nghiệp FDI chiếm 73% kim ngạch xuất khẩu, 66% nhập khẩu.

​"Tuy nhiên, giá trị gia tăng từ tăng trưởng khi phân chia thường phần hơn thuộc về doanh nghiệp FDI; liên kết giữa doanh nghiệp FDI và trong nước còn yếu, chưa được tận dụng. Rồi, năng suất lao động cải thiện nhưng so với mặt bằng chung rất lớn, thua cả Lào, chỉ bằng 87% của Lào. Cuối cùng, dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ đang hạn hẹp dần", ông Hàm nhấn mạnh.

Vị đại biểu cho rằng, với nguồn lực có hạn thì giải pháp cần có ưu tiên, tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, giảm chi phí logistic, thu hút FDI theo hướng lựa chọn, liên kết với doanh nghiệp trong nước; phân bổ vốn hợp lý theo ngành, vùng và có chính sách tài chính phù hợp...

"Nói kinh tế phụ thuộc dầu thô, than đá có đúng không?"

Ngay sau phần phát biểu của đại biểu Hoàng Quang Hàm, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho biết, bản thân ông thống nhất với báo cáo Chính phủ về việc đã "giảm dần phụ thuộc vào khai thác khoáng sản, dầu thô trong tăng trưởng".

Cụ thể, ông dẫn số liệu từ báo cáo Chính phủ cho biết, khai thác dầu thô năm 2016 là 15,2 triệu tấn, năm 2017 kế hoạch 13,28 triệu tấn và thực hiện 13,55 triệu tấn. Như vậy, riêng năm 2017 khai thác nhiều hơn kế hoạch khoảng 200.000 tấn; còn nếu so với năm 2016 thì năm 2017 khai thác ít hơn 1,643 triệu tấn.

Về than, năm 2016 khai thác 38,73 triệu tấn than, kế hoạch năm 2017 là 40,2 triệu tấn nhưng thực khai thác chỉ 38,2 triệu tấn.

"Đây là số liệu Chính phủ gửi, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho hay năm 2017 khai thác vượt 1,2 triệu tấn dầu thô để bù đắp tăng trưởng thì số liệu ở đâu tôi không rõ. Quan điểm của tôi là tôi ấn tượng với năm 2017 khi đây là năm đầu tiên tăng trưởng không dựa vào khai thác tài nguyên, khai khoáng", ông nhấn mạnh.

Về số liệu đại biểu Chiểu nói "không biết lấy từ đâu ra", ông Hàm cho biết, tại báo cáo số 193 của Chính phủ ngày 16/5 có nêu, sản lượng khai thác dầu cả năm 2017 đạt 13,57 triệu tấn, tăng 1,29 triệu tấn.

"Nghĩa là chúng ta đã khai thác và thanh toán vượt 1,29 triệu tấn, thực ra thanh toán này mới ảnh hưởng GDP. Tôi đánh giá cao Chính phủ vì chúng ta đã thoát dần tăng trưởng phụ thuộc dầu thô vì đây là của để dành, song bức tranh tăng trưởng cần nhìn nhận thực chất", ông Hàm nói thêm.

Trước đó, chiều 21/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã đọc báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Báo cáo đề cập đến 5 nhóm vấn đề còn băn khoăn về nền kinh tế và yêu cầu Chính phủ đánh giá cụ thể hơn. Các nhóm vấn đề được nêu ra như quy mô GDP còn thấp, phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, ngân sách thất thu…

Ngay sau đó, ại phiên thảo luận tổ sáng 22/5, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh)cho rằng báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế chưa nhìn nhận đúng và khách quan về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.

Ông Vương Đình Huệ dẫn lại phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 7. Năm 2017 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đất nước đã đạt được kết quả toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Kinh tế xã hội lần đầu tiên sau nhiều năm đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, không chỉ vượt kế hoạch mà cũng là mức cao nhất so với nhiều nước trong khu vực và toàn thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.

Phó thủ tướng đặt câu hỏi: “Kết quả như vậy mà ta nói phụ thuộc dầu thô than đá thì có đúng không? Mấy năm nay (2016-2017) công nghiệp than đá và dầu tăng trưởng âm”.

Phương Dung

Đại biểu tranh luận gay gắt vụ "tăng trưởng phụ thuộc dầu thô" - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm