Đại biểu Quốc hội: "Sức nóng TPP đang phả vào gáy"
(Dân trí) - Đây là đề xuất của đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) với Quốc hội, bởi theo vị đại biểu này, chỉ cần “một sự chậm trễ, vòi vĩnh của công chức hành chính cũng tước đoạt cơ hội làm ăn của doanh nghiệp, người dân”.
"Đã nhiều phen chúng ta lao đao"
Phát biểu trước Quốc hội sáng 2/11, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đã có những góp ý khá thẳng thắn và tâm huyết về tình hình kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay.
Vị đại biểu nhắc lại, 9 năm trước, khi Việt Nam gia nhập WTO, đã có nhiều phát biểu rất lạc quan. Có người cho rằng, sau khi gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng từ 8 - 9% trong 10 năm liên tiếp, Việt Nam có thể sớm “hóa rồng, hóa hổ”.
Thế nhưng, trên thực tế, dưới những tác động bất lợi của kinh tế bên ngoài và yếu kém bên trong, “đã nhiều phen làm chúng ta lao đao”. Sau khi gia nhập WTO, có những khoảng trống lớn về thể chế pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung.
“Chúng ta cũng nhận ra đội quân hội nhập quá non nớt về cả tri thức kinh tế, thương mại toàn cầu, đến ngoại ngữ là một công cụ giao tiếp cũng thấp kém”, đại biểu Tâm nhận định.
Ông Tâm chỉ rõ, có những lĩnh vực trước đó tưởng là thế mạnh như sản xuất nông nghiệp thì cũng gặp không ít thăng trầm, “phải nghe hoài điệp khúc được mùa mất giá, được giá mất mùa, con tôm, con cá tra bị áp đặt nhiều hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật bất bình đẳ
Đáng chú ý, theo đại biểu Trần Khắc Tâm, hội nhập, đàm phán các hiệp định thương mại tự do vẫn như chỉ là việc của riêng Chính phủ chứ không phải là việc của doanh nghiệp, người dân mà phần lớn là bộ máy công chức.
“Thật bất ngờ là cộng đồng doanh nghiệp - đội quân được cho là tiên phong trong hội nhập thì một điều tra gần đây cho thấy có đến 76% doanh nghiệp không biết gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), và 60% cho rằng, AEC không ảnh hưởng gì tới mình”.
"Vẫn có cán bộ vô cảm"
Theo đại biểu Tâm, để hội nhập thành công, đồng thời phải có thể chế hội nhập và con người hội nhập. Hiến pháp năm 2013 và xem xét thông qua 18 Luật và Bộ Luật sau kỳ họp này đã đặt một nền tảng quan trọng về mặt thể chế. Tuy nhiên, “điều đáng buồn là chúng ta chưa có con người hội nhập”.
Vị đại biểu này khẳng định, quy định pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi “hàng tá những lệ làng”, thói quen, sự quan liêu, cửa quyền, sự thờ ơ và vô cảm.
“Một cái lắc đầu của ông chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, một cái xua tay của ông giám đốc sở, thậm chí sự chậm trễ, vòi vĩnh của anh công chức hành chính bình thường cũng có thể tước đoạt đi cơ hội làm ăn của doanh nghiệp, người dân”, ông Tâm nói.
Ông Tâm cũng phản đối những chỉ thị miệng và tình trạng yêu cầu các doanh nghiệp phải sử dụng các sản phẩm “tỉnh nhà” mà điển hình là gần đây có địa phương còn ký cả văn bản hành chính yêu cầu phải uống bia tỉnh nhà.
Điều đáng lo ngại và “xót xa”, theo ông Tâm là trong khi các nhà lãnh đạo bày tỏ quyết tâm, các đoàn đàm phán hăng say trên bàn đàm phán còn cộng đồng doanh nghiệp đứng ngoài, người dân thờ ơ còn bộ máy công chức, đặc biệt tại các cấp cơ sở thì vô cảm.
Với “sức nóng TPP đang phả vào gáy”, nếu không nhận biết định lượng về những cơ hội và thách thức, không tận dụng được cơ hội để cải thiện, đại biểu Tâm lo ngại, nền kinh tế Việt Nam sẽ là là nền kinh tế nhỏ và yếu nhất trong 12 nền kinh tế TPP, trở thành những người làm thuê trên mảnh đất màu mỡ của mình.
Để thành công trong TPP, ông Tâm cho rằng, giải pháp quan trọng nhất hiện nay của Việt Nam là đột phá về con người.
“Chỉ có sự đồng lòng từ trên xuống dưới, sự cần cù của mỗi người dân, sự nhẫn nại và sáng tạo của mỗi doanh nghiệp, sự tận tụy của từng công chức thì chúng ta mới vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn hội nhập này! Việc cần làm trước mắt trong năm 2016 là phải loại bỏ được những cán bộ nhũng nhiễu, yếu kém ra khỏi bộ máy”, vị đại biểu cho hay.
Đề xuất giảm lãi suất trung và dài hạn xuống 7%
Theo đánh giá của đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hoà Bình): Việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương(TPP) là cơ hội cho Việt Nam tham gia sân chơi chung với các nền kinh tế lớn trên Thế giới. Song cũng là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Do đó, theo đại biểu, để giúp các doanh nghiệp vững vàng, chủ động hội nhập sâu rộng, tham gia vào thực hiện Hiệp định TPP, Chính phủ cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận đầy đủ thông tin về hiệp định, chuẩn bị các điều kiện và có cơ chế, chính sách phù hợp giúp cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia hội nhập có thể phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng và hiện đại hóa quy trình sản xuất, xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu hàng Việt Nam, tạo thế vững chắc trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Cùng với đó là đẩy mạnh rà soát hệ thống chính sách, pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, chặt chẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cần xem xét điều chỉnh, loại bỏ các quy định không còn phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đề nghị Bộ Xây dựng xem xét điều chỉnh Thông tư 01 ban hành ngày 20/03/2015 và có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn.
Thực tế Thông tư 01 không xem xét đến phụ cấp khu vực là không phù hợp, dẫn đến thu nhập của người lao động không đáp ứng yêu cầu chi trả một số khoản phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định như: (BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và một số khoản phải trả khác) làm giảm thu nhập của người lao động, khó khăn cho việc tuyển dụng lao động của doanh nghiệp nhất là ở các khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh nhằm phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Trước mắt cần tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt có cơ chế ưu đãi về lãi suất đối với các dự án đầu tư ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Nghiên cứu giảm lãi suất tín dụng trung và dài hạn xuống dưới 7%/năm; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu để khơi thông dòng vốn.
Bích Diệp