Đại biểu Quốc hội: "Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm củi sau khi lập 3 đặc khu"

(Dân trí) - "Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm nhiều củi vào lò khi đặc khu ra đời. Do đó, chúng ta làm luật rồi mới xem xét nghị quyết lập đặc khu. Tôi đề nghị thông qua luật này trong kỳ họp tới cùng với đề án lập 3 đặc khu như thế cử tri sẽ yên tâm hơn", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa.

Sáng 23/5, sau khi nghe báo cáo dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu) Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu nhiều ý kiến về rà soát và giảm quyền lợi riêng đối với các đơn vị đặc biệt này.

Phải chịu trách nhiệm với tương lai

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, 3 đặc khu là 3 đầu tàu chứ không phải 3 toa tàu cho TP.HCM kéo. Đáng lưu ý, đại biểu cho rằng, việc giao đất đặc khu tới 99 năm cần phải hết sức thận trọng.

"Chúng ta phải hết sức thận trọng, chúng ta sống đương đại có thể đại diện cho những thế hệ sống 100 năm nữa không?", ông nhấn mạnh.

Theo ông Quốc, nói đến đặc khu đừng bỏ qua hai yếu tố, thứ nhất là thử nghiệm, có thể thành công và thất bại không thể phiêu lưu được.

Ông Quốc nói: "Thứ hai là địa chính trị, nhất là Vân Đồn, không cẩn thận có thể sẽ là nơi di dân. Nhà đầu tư trong thời đại công nghệ cao 4.0 họ không cần thời gian thuê đất 99 năm mà chỉ nhà đầu tư bất động sản là cần 99 năm thôi. Chúng ta dự kiến thu được bao nhiêu thuế, thu nhập bình quân đầu người... nó là nguồn lực lớn của chúng ta nhưng lại rất nhỏ so với thế giới, họ sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để mua cảng, mua cả một vùng đất".

"Tôi cho rằng cần có điều khoản này, nhưng cần hết sức thận trọng, tránh làm nơi di dân. Ai đồng ý với 99 năm – chúng ta phải chịu trách nhiệm với tương lai, với chính cử tri của mình", ông Quốc nói thêm.

"Lò đã nóng lắm rồi"

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng, chủ trương thành lập các đặc khu kinh tế đặc biệt nhằm phát triển đất nước, nhưng thực thế nhiều dự án có chủ trương đúng nhưng thất bại, có nhiều tổn thất, thậm chí thảm họa do khâu tổ chức thực hiện.

Ông Nghĩa góp ý, việc lập các đặc khu không chỉ lập các đơn vị hành chính thông thường mà là dự án đầu tư công lớn, chúng ta dành ra nhiều ngàn km đất liền, vùng biển với tài nguyên thiên nhiên giàu đẹp để mời gọi đầu tư. Nhà nước đã đầu tư vào các khu vực này hàng trăm nghìn tỷ đồng vào hạ tầng đường xá, sân bay…

Theo đề án xây dựng 3 đặc khu cần khoản đầu tư 1,5 triệu tỷ đồng vào tiếp 3 đặc khu này, trong đó ngân sách bỏ ra khoản không nhỏ. Sự ưu đãi hào phóng từ thuê đất, mặt nước.. cũng chính là khoản đầu tư cực lớn từ ngân sách. Toàn bộ bộ máy hành chính di dời sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống hàng trăm ngàn dân khu vực trên đều phục vụ cho nhà đầu tư khu vực này.

"Trong 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa tất cả khoản đầu tư này cho ai, đem lại lợi ích gì? Chúng ta hy sinh ưu đãi được gì cho ai? Và mất gì? Câu trả lời tất yếu là phải được nhiều và nhiều hơn so với những gì chúng ta phải gánh chịu, so với chi phí bỏ ra", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Liên quan tới thời hạn cho thuê đất 99 năm, ông Nghĩa thẳng thắn: "Lãnh thổ 3 đặc khu đều liên quan tới biển đảo, chủ quyền trên biển: Vân Đồn tới Hải Nam chỉ cách 200 hải lý, Vịnh Vân Phong rất gần Trường Sa nên phải tuân theo luật biên giới, luật biển và tài nguyên nước. Đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm, không có vòng đời đầu tư nào cần đến 99 năm. Thời hạn này ngang 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhường địa chỉ đất nước nghèo đói hoang sơ cần tới để thu hút nhà đầu tư".

"Có những quốc gia họ đến, đi chỉ quan tâm tới lợi ích kinh tế, nhưng có quốc gia lại cần tài nguyên, lãnh thổ nước khác. Họ di dân tới tìm mọi cách ở lại, chi phối chính trị, an ninh quốc phòng và đã có ví dụ nhãn tiền về điều này. Luật pháp chỉ rước bạn tốt vào nhà chứ không phải rước kẻ cướp vào nhà. Nếu kẻ cướp giả làm bạn tốt thì phải có chế tài", ông nhấn mạnh.

Ông cũng đặt câu hỏi về việc đặc khu có cần casino không nếu chỉ để phục vụ nhu cầu cờ bạc của người nước ngoài. "Chưa có casino mà chúng ta đã phải chịu tổn thất về cán bộ rồi. Tôi đề nghị chỉ cho mở 1 casino và phải cân nhắc thật kỹ", ông nói.

Đại biểu Nghĩa cũng cho rằng, dự luật hiện dành nhiều ưu đãi khá dễ dãi nhiều cho các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó cần rà soát chặt chẽ nhà đầu tư chiến lược, để đặc khu thu hút nhà đầu tư công nghệ cao lựa chọn đặc khu chứ không chỉ thu hút các nhà đầu tư bất động sản, casino. Lộ trình thành lập các đặc khu chỉ nên làm trước 1 đặc khu để rút kinh nghiệm chứ không nên làm đồng loạt.

"Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm nhiều củi vào lò khi đặc khu ra đời. Do đó, chúng ta làm luật rồi mới xem xét nghị quyết lập đặc khu. Tôi đề nghị thông qua luật này trong kỳ họp tới cùng với đề án lập 3 đặc khu như thế cử tri sẽ yên tâm hơn", ông nói.

Liên quan tới nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là chính sách vượt trội và đề nghị giữ nguyên nhưng phải quy định đâu là trường hợp đặc biệt được hưởng quy định 99 năm

"Nhiều nước đã làm tuy nhiên ta vẫn để mở, để điều kiện đặc biệt và phải được Thủ tướng phê duyệt", người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Phương Dung

Đại biểu Quốc hội: "Lò đã nóng lắm rồi, không ai muốn có thêm củi sau khi lập 3 đặc khu" - 2