Phó Thủ tướng Lê Minh Khái:
Tăng trưởng GDP quý I cao nhất trong giai đoạn 2020-2023
(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, tăng trưởng GDP quý I vừa qua đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023.
Sáng nay (20/5), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, những tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Tăng trưởng GDP quý I vừa qua đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ.
Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, mặt bằng lãi suất được giảm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong 4 tháng, thu ngân sách Nhà nước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỷ USD (khoảng 213.830 tỷ đồng).
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Cụ thể, đến ngày 30/4 vừa qua, giải ngân vốn đầu tư công là gần 115.907 tỷ đồng, đạt 17,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ (15,65%). Đến ngày 31/3 năm nay, giải ngân của 9 dự án quan trọng quốc gia ngành giao thông vận tải là gần 11.340 tỷ đồng, đạt 12,3% kế hoạch được giao (92.152 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, trong 4 tháng, tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỷ USD (khoảng 234.195 tỷ đồng), tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD (khoảng 180.738 tỷ đồng), tăng 73,2%. FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD (khoảng 159.863 tỷ đồng), tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…
Kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế; xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khả quan.
Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và cung ứng điện, xăng dầu được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt.
Thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển khá. Hoạt động dịch vụ vận tải được cải thiện, nhất là vận tải đường sắt có nhiều đổi mới.
Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh với gần 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó, nhiệm vụ được xác định là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Các động lực tăng trưởng truyền thống cần được làm mới. Các động lực tăng trưởng mới cần được thúc đẩy. Chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất tiếp tục được thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp và người dân tiếp tục được tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để tiếp cận vốn tín dụng; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Mục tiêu là phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 15% và giảm lãi suất cho vay 1-2%. Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ tiếp tục được đẩy mạnh.
Giải ngân vốn đầu tư công được quyết liệt đẩy mạnh. Bên cạnh đó, các khó khăn, vướng mắc sẽ được xử lý kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia và các Chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.