1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Đại biểu Quốc hội nói thẳng về Temu, giá đất hàng trăm triệu đồng/m2

Bạch Huy Thanh Hoa Lê

(Dân trí) - Theo đại biểu Quốc hội, khó có thể dùng mệnh lệnh hành chính để cấm, cản nhưng cần có giải pháp để quản lý các sàn như Temu. Bà cũng nêu chưa hiểu những người mua đất vài trăm triệu đồng/m2 để làm gì.

"Nói nhiều mà không có giải pháp khác gì quảng bá cho Temu"

Ngày 25/10, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) cho biết, nền kinh tế Việt Nam, khu vực sản xuất, chuỗi bán lẻ của chúng ta đang bị cạnh tranh rất mạnh từ hàng giá rẻ của nước ngoài.

Theo bà, sự phát triển nhảy vọt của thương mại điện tử đến từ các nước khác ngày càng hiện rõ nhưng chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát.

Đại biểu Quốc hội nói thẳng về Temu, giá đất hàng trăm triệu đồng/m2 - 1

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (Ảnh: CTV).

Bà Lan cho hay, những ngày qua, báo chí và mạng xã hội nhắc nhiều đến Temu. "Chúng ta nhắc đến sàn này quá nhiều mà không có giải pháp gì thì không khác gì chúng ta quảng bá cho thương hiệu này phổ biến đến công chúng. Nói nhiều nhưng cơ quan Nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương có trách nhiệm phải đưa ra giải pháp. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có giải pháp nào hiệu quả", bà Lan nói.

Bà Lan cho rằng, trong thế giới phẳng hiện nay, chúng ta khó có thể dùng mệnh lệnh hành chính để cấm, cản mà phải dùng đồng bộ các giải pháp. Thương mại điện tử là xu hướng của thế giới nhưng phải được đặt trong quy định về quản lý thuế, cạnh tranh lành mạnh, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng.

Theo bà, các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như quần áo, đồ gia dụng nhỏ lẻ trên thị trường truyền thống đã bị thương mại điện tử chiếm thị phần lớn. Điều này rất khó cho doanh nghiệp sản xuất, khi đầu ra là bán hàng khó khăn thì cả nền kinh tế chỉ mỗi bất động sản tăng giá, phát triển thì không ổn.

Nêu quan điểm có nhiều sản phẩm trên không gian mạng đang vi phạm về hàng giả nhãn mác, không chất lượng và không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bà Lan cho biết trong lĩnh vực y tế bản thân bà cũng không biết phải nói thế nào. Bà nói "rất đau đầu" khi nói đến thực phẩm sức khỏe, bán thuốc online.

"Không những vấn đề chất lượng mà còn bán phá giá, hạ giá rẻ kinh khủng", bà Lan nêu thực tế.

Theo bà, bán lẻ trên thương mại điện tử có thể "giết chết" bán lẻ truyền thống, nhưng hình thức này có thể làm thay đổi chuỗi phân phối và kinh tế xã hội nếu hướng vào đúng mục tiêu, quản lý tốt.

"Hiện nay, ở TPHCM, thuê mặt bằng bán lẻ để bán hàng có chi phí hàng chục triệu đồng/tháng, nhưng khi bán hàng online trên các sàn thì không phải chịu chi phí, sẽ giúp giảm giá bán sản phẩm đến tay người dân.

Khi thương mại điện tử phát triển thì giá thuê mặt bằng giảm, cũng có thể kéo giá bất động sản giảm xuống. Bởi khi bán không có người mua, người ta sao có thể thuê và mua mặt bằng được nữa", bà Lan nêu.

"Có người chẳng làm gì, chỉ đi buôn bán bất động sản mà giàu"

Thời gian qua, giá đất ở nhiều nơi tăng cao, có những vị trí lên đến vài trăm triệu đồng/m2. Bà Lan cho biết khi nhìn bảng giá vài trăm triệu/m2, bà "không hiểu những người mua đất đấy thì họ làm gì để bù lại, lấy lại số tiền đó".

Theo bà Lan, giá nhà đất đương nhiên phải đi theo thị trường nếu không người dân sẽ rất thiệt thòi, nếu không đền bù theo giá thị trường thì người dân sẽ không sẵn sàng hiến đất, hiến nhà để Nhà nước làm những công trình chung. Tuy nhiên, nếu giá cao và chung như vậy thì vô hình chung tự chúng ta dẫn dắt thị trường ngày càng tăng giá hơn.

Theo đại biểu Quốc hội này, cần phải xem lại vấn đề đầu cơ. "Có những người chẳng làm gì cả, chỉ đi buôn bán bất động sản thôi mà giàu. Người này truyền tai người kia và cuối cùng đẩy giá nhà đất lên cao", đại biểu nói.

Theo bà, các công trình, dự án khi thu hồi đất để làm dự án không có chủ đầu tư nào mong muốn giá nhà đất nào mong muốn giá nhà đất cứ "tăng vù vù" như vậy, vì giá tăng cao sẽ dẫn đến tăng suất đầu tư, sau này sẽ rất khó bán, khó có lợi nhuận. Chỉ có những người đầu cơ là vui mừng.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải xem lại chính sách thuế, với những người có 2-3 bất động sản trở lên và mua đi bán lại như vậy liệu có phù hợp hay không. Bà Lan khẳng định phải đánh thuế để hạn chế tình trạng này.

Bên cạnh đó, bà cho rằng cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu về chính sách thuế đất.

"Chúng ta chưa thể thay đổi quan niệm của người dân là "sống phải có nhà, chết phải có mồ. Nhiều khi nhìn rất tội, lương thì thấp nhưng có khi nghe nói chỗ này chỗ kia đất rẻ là đi vay mượn, cố để mua rồi còng lưng đi trả nợ. Tính ra mỗi tháng số tiền trả nợ còn vượt xa nhiều so với số tiền thuê nhà", bà Lan nói.

Bà cho rằng nhiều người không nghĩ vậy và họ cố gắng để có bất động sản của riêng mình, từ đó tạo sức ép lớn cho lực lượng lao động trẻ.

Theo bà, Nhà nước phải nghiên cứu để có những nguồn vốn để hỗ trợ nhằm ổn định xã hội như chính sách nhà ở xã hội.

"Chúng ta giải tỏa những nhà lụp xụp, nhà cấp bốn để xây lên những chung cư thì diện tích sử dụng sẽ tăng lên nhiều. Chúng ta đang tập trung quá lớn vào phân khúc nhà cao cấp cho người trung lưu, cho người có tiền nhưng số này là không có nhiều", bà Lan nhìn nhận.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm