Đã “thay máu” toàn bộ bộ máy lãnh đạo cao cấp của Agribank
(Dân trí) - Thực hiện đề án về tái cơ cấu, toàn bộ bộ máy quản trị, hội đồng thành viên, ban điều hành, ban kiểm soát của Agribank đã được thay đổi để tạo ra năng lực điều hành mới.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Cần phân tích vì sao ILO đánh giá năng suất lao động của VN rất thấp |
Theo thừa nhận của Thống đốc Nguyễn Văn Bình, có nhiều vấn đề nan giải trong giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Thời gian qua, sự chú ý trên thị trường vẫn có cảm giác là chỉ tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém; nhưng quá trình tái cơ cấu là có trên diện rộng, bao gồm toàn bộ các tổ chức tín dụng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đề án tái cơ cấu ngân hàng Việt Nam được thông qua tháng 3/2012 với nhiều nội dung và nhiều giai đoạn, trong đó tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém chỉ là giai đoạn đầu, còn tái cơ cấu đầy đủ là bao gồm cả ngân hàng thương mại Nhà nước, Quỹ tín dụng... Với mục tiêu là tái cơ cấu nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Đến nay, tất cả các ngân hàng thương mại đều đã xây dựng đề án tái cấu trúc của mình để NHNN thẩm định.
Đối với các NHTM Nhà nước: NHNN đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, đang hoàn thiện để phê duyệt phương án cơ cấu lại của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà đồng bằng Sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, NHNN đang tiến hành thẩm định Phương án cơ cấu lại của các công ty cho thuê tài chính của các NHTM nhà nước, thực hiện thẩm định và xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án tổng thể nâng cao năng lực tài chính từ nay đến năm 2015 của 5/5 ngân hàng thương mại Nhà nước.
“Mặc dù trong giai đoạn kinh tế khó khăn, việc cổ phần hóa các ngân hàng TMNN diễn ra ngoài sự mong đợi, trong lúc khó khăn nhất phát hành cổ phiếu ngân hàng thương mại Nhà nước đều được giá cao, thể hiện tiềm năng của các ngân hàng thương mại Nhà nước”, Thống đốc nhấn mạnh.
Và dù tiến độ chậm, nhưng theo thông tin do ông Bình cung cấp, khối ngân hàng quốc doanh cũng đã thực hiện được một bước quan trọng là tiến hành cổ phần hóa với 4 thành viên gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và MHB.
Riêng Agribank, theo Thống đốc NHNN là ngân hàng có rất nhiều yếu kém trước đây, để lại hậu quả nặng nề. Theo đó, việc tái cơ cấu ngân hàng này có hẳn một đề án lớn, tách ra 8 đề án nhỏ để dễ triển khai, hiện đã được Chính phủ phê duyệt.
Thực hiện đề án về tái cơ cấu, toàn bộ bộ máy quản trị, hội đồng thành viên, ban điều hành, ban kiểm soát của Agribank đã được thay đổi soát để tạo ra năng lực điều hành mới, theo cách gọi của Thống đốc là “thay máu” lãnh đạo.
Qua đó, NHNN đã thành lập ban chỉ đạo do 1 Phó Thống đốc NHNN chỉ đạo quá trình tái cơ cấu Agribank. Tính đến nay, hoạt động của Agribank đã có tiến bộ rõ rệt. Năm nay, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này có thể tăng 7 - 8%, chủ yếu tập trung cho nông nghiệp nông thôn. Trước đây, do hoạt động đa năng, nhiều ngành nghề, đặc biệt tập trung tại Hà Nội và TPHCM dẫn đến nợ xấu Agribank cao.
Hiện tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank đã được nâng lên trên 70%. Trong 1-2 năm tới, yêu cầu đặt ra đối với ngân hàng này là tiếp tục nâng tỷ trọng này lên trên 80%.
Thống đốc cũng cho biết, qua thực tế tại các địa phương, các chi nhánh Agrinbank là chỗ dựa lớn của nông dân trong phát triển. Do vậy, việc khẩn trương tái cấu trúc Agribank có ý nghĩa quan trọng.
Thông tin tới các đại biểu, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Trong tuần này, Chính phủ sẽ thông qua giai đoạn 2 của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Trong đó, việc tái cơ cấu ngân hàng thương mại quốc doanh là chủ đạo, nòng cốt.