DNews

Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ lại về nền kinh tế thế giới?

Phương Liên

(Dân trí) - Kinh tế thế giới đã bộc lộ loạt hạn chế sau những khó khăn của đại dịch Covid-19, xung đột, cạnh tranh giữa các quốc gia. Phải chăng đã đến lúc chúng ta nên nghĩ lại về nền kinh tế thế giới?

Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ lại về nền kinh tế thế giới?

Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dần mờ nhạt

Đại dịch Covid-19 cho thấy điểm yếu của nền sản xuất toàn cầu hóa khi nhân viên y tế thiếu khẩu trang, doanh nghiệp ô tô thiếu chip còn người tiêu dùng thiếu các hàng hóa thông dụng.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine cho thấy thương mại không thể đảm bảo hòa bình. Biến đổi khí hậu cũng cho thấy "bàn tay vô hình" của thị trường không thể bảo vệ Trái Đất.

"Gần như mọi động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 3 thập kỷ qua đều đã dần mờ nhạt. Kết quả có thể sự phát triển trong suốt một thập kỷ qua đang dần biến mất, không phải chỉ với một số quốc gia hay khu vực như trong quá khứ, mà là với cả thế giới", Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo trong báo cáo mới đây.

Giờ đây, ngay cả Mỹ và châu Âu, những quốc gia từng đi đầu cổ vũ thị trường mở, tự do thương mại, cũng đã phải dần thay đổi các chính sách để đảm bảo lợi ích. Tuy vậy, chưa ai có thể dự đoán được tương lai của hệ thống kinh tế thế giới sẽ ra sao.

Thực tế, những tranh luận về phương hướng phát triển của nền kinh tế thế giới đã âm ỉ trong thời gian dài.

Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ lại về nền kinh tế thế giới? - 1

Container chở hàng tại cảng Seattle, Mỹ (Ảnh: Unsplash).

"Từ trước đại dịch, chúng ta đã thấy các nước giàu có nhất thất vọng về thương mại toàn cầu. Họ tin rằng điều này gây hại cho việc làm và tiêu chuẩn sống của họ", bà Betsey Stevenson, cựu thành viên hội đồng cố vấn kinh tế Mỹ chia sẻ với The New York Times.

Bắt đầu với đại dịch Covid-19, hàng loạt cuộc khủng hoảng liên tiếp đã bộc lộ những "lỗ hổng" lớn của nền kinh tế. Tuy vậy, phải đến khi cạnh tranh địa chính trị tăng nhiệt, với đỉnh điểm là cuộc xung đột Nga - Ukraine, các nước phương Tây mới đồng loạt nhìn lại chính sách của mình.

Hạn chế dần được bộc lộ

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, một số triết gia phương Tây đã cho rằng trật tự kinh tế thế giới thị trường tự do sẽ là tương lai của kinh tế thế giới.

Khi ấy, các thị trường sẽ rộng mở, ít có sự can thiệp từ chính phủ và hướng đến mục tiêu cao nhất là hiệu quả của nền kinh tế.

Giới hoạch định chính sách các nước hoàn toàn có lý do để lạc quan như vậy. Bởi năm 1990, lạm phát ở mức tương đối thấp, trong khi tỷ lệ lao động có việc và mức lương của họ đồng loạt tăng cao. Giá trị thương mại toàn cầu tăng gần gấp đôi và thị trường chứng khoán cũng ngập tràn sắc xanh.

Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ lại về nền kinh tế thế giới? - 2

Công nhân nhà máy tại một công ty Trung Quốc ở Mexico (Ảnh: NYT).

Ở những quốc gia đang phát triển, những người nông dân dần trở thành công nhân trong các nhà máy. Đồ nội thất, thiết bị điện tử, đồ chơi mà họ sản xuất ra đã được bán rộng rãi trên thế giới. Sự phát triển thần kỳ này đã giúp hàng triệu người dân đã thoát khỏi cảnh nghèo đói và thúc đẩy những tiến bộ công nghệ kỳ diệu.

Tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác, nhiều việc làm được dịch chuyển sang các nước có mức lương thấp hơn, khiến những người có thu nhập thấp mất cơ hội tiến lên tầng lớp trung lưu.

Tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của Trung Quốc đã biến nước này thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu.

Cái giá phải trả của các nước nghèo

Các nước đang phát triển cũng hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới. Tuy vậy, tác động không phải lúc nào cũng tích cực.

Đại dịch Covid-19 cùng với cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá nhiên liệu, lương thực tăng vọt và tàn phá kinh tế toàn cầu. Lãi suất tăng mạnh càng khiến cuộc khủng hoảng nợ công trở nên trầm trọng hơn.

Kinh tế thị trường tự do buộc các nước nghèo dỡ bỏ các hạn chế với dòng lưu chuyển vốn vào nền kinh tế. Không chỉ vậy, tiền cũng được lưu chuyển tự do hơn giữa các quốc gia và cho phép các nước nghèo đi vay để phát triển công nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ lại về nền kinh tế thế giới? - 3

Người dân Nam Phi nhận trợ cấp thực phẩm trong đại dịch Covid-19 (Ảnh: NYT).

Trả lời The New York Times, bà Jayati Ghosh, chuyên gia kinh tế tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), cho biết: "Toàn cầu hóa được kỳ vọng rằng có thể mở ra một kỷ nguyên tăng trưởng tài chính mạnh mẽ và ổn định tại các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, kết quả lại không hoàn toàn như vậy".

Nhiều khoản vay không tạo ra đủ lợi nhuận để trả nợ. Số khác thì rơi vào những dự án đầu cơ thiếu hiệu quả, những đề xuất nửa vời hay các quan chức tham nhũng đã khiến rất nhiều quốc gia ngập trong nợ nần.

Bên cạnh đó, toàn cầu hóa cũng đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu và làm gia tăng bất bình đẳng. Nhu cầu tăng nhanh trên khắp thế giới đã gây ra tình trạng đánh bắt cá quá mức ở Đông Nam Á hay chặt phá rừng trái phép tại Brazil. Bên cạnh đó, quá trình vận chuyển hàng hóa toàn cầu cũng gây ra lượng phát thải khí nhà kính lớn.

Tự lực thay thế

Châu Âu đã quá quen với nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga và hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, nhưng giờ đây việc này lại trở nên khó khăn hơn do những căng thẳng chính trị. "Chúng ta đã tách rời những gì giúp chúng ta thịnh vượng và an toàn", Josep Borrell , Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, nhấn mạnh trong nhận định với The New York Times.

Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng bắt nguồn từ đại dịch và sự phục hồi sau đó đã giúp ta thấy rõ hơn sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu. Khi cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa tìm ra giải pháp, nhiều quốc gia đang ngày càng quan tâm đến mục tiêu an toàn và tự chủ, bên cạnh tăng trưởng kinh tế.

Ông Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đánh giá rằng chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đang thiếu linh hoạt và không bền vững. Người đứng đầu ngành tài chính nước này khẳng định mạng lưới thương mại nên được xây dựng giữa các đối tác tin cậy, dù chi phí cao hơn và mức độ hiệu quả thấp hơn.

Thời gian qua, các cường quốc cũng liên tục tìm cách thể hiện quyền lực của mình trong nền kinh tế thế giới.

Nga, quốc gia cung cấp 40% lượng khí đốt tự nhiên cho Liên minh châu Âu, đã cố gắng tận dụng lợi thế về năng lượng của mình để gây áp lực lên các nước châu Âu ủng hộ Ukraine. Ở chiều ngược lại, Mỹ và các đồng minh cũng tìm cách loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế. Trung Quốc thì dùng thương mại để trả đũa các đối thủ.

Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ lại về nền kinh tế thế giới? - 4

Một trang trại năng lượng mặt trời ở Trung Quốc, nơi sản xuất hơn 80% tấm pin mặt trời trên thế giới (Ảnh: NYT).

Nhiều quốc gia cũng đang tiến hành thay đổi các chính sách kinh tế và thương mại của mình. Giờ đây, Mỹ không còn hứng thú với các hiệp định thương mại lớn, thậm chí còn từ chối tuân theo các quyết định của WTO.

Do lo ngại về an ninh, nền kinh tế lớn nhất thế giới này đã cố gắng ngăn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào doanh nghiệp nước mình nhằm kiềm chế sự phát triển công nghệ. Mỹ cũng tiến hành đẩy mạnh các khoản trợ cấp cho các lĩnh vực mới như xe điện, pin, điện gió hay điện mặt trời trong nước nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

"Việc ngó lơ sự phụ thuộc kinh tế vốn đã hình thành trong nhiều thập kỷ có thể trở nên vô cùng nguy hiểm", ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh Mỹ tuyên bố với The New York Times rằng sẽ là sai lầm nếu "đơn giản hóa quá mức sự hiệu quả thị trường".

Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cũng chưa biết chính xác đâu sẽ là phương án thay thế hữu hiệu nhất và các quốc gia sẽ cần rất cố gắng để tìm ra con đường mới cho riêng mình.