Cựu TGĐ Vinalines nói gì trước khi bị bắt?

Trước khi bị bắt vài tiếng đồng hồ, Vụ phó Vận tải, Bộ GTVT nguyên Tổng GĐ Vinalines Mai Văn Phúc đã trả lời riêng Tiền Phong về một số thông tin liên quan tới một thời điểm cụ thể (2007-2008) của Tổng Cty Hàng hải VN.

Cựu TGĐ Vinalines nói gì trước khi bị bắt?
Vụ phó Vận tải, Bộ GTVT nguyên Tổng GĐ Vinalines Mai Văn Phúc.
 
Chỉ lo “phang” nhau, không chịu làm (!?)

 

Thưa ông, vì sao Vinalines lại mua ụ nổi cũ về bỏ đấy?

 

Quy trình thủ tục đầu tư mua về đều thực hiện kế hoạch đầu tư và dự án phê duyệt tổng mức đầu tư, tiến độ và mục đích khai thác rõ ràng.

 

Theo kế hoạch là cuối năm 2010 phải đưa ụ nổi No83M vào khai thác, nhưng tổng công ty có triển khai đâu. Chả ông nào làm cả, chỉ ngồi phang nhau thôi, nên giờ này dự án vẫn nằm đấy.

 

Bộ máy tham mưu hàng mấy trăm người, bộ máy lãnh đạo vài chục người để thẩm định, phê duyệt một dự án nằm trong kế hoạch phát triển tổng thể của tổng công ty theo chỉ đạo của Thủ tướng, thế rồi lại ngồi chơi.

 

Tình hình Vinalines đến giờ này nó bê bết, nó sập xệ là một chuyện; đã không đoàn kết để mà làm lại còn lôi nhau ra phang nữa thì coi như nát nhè.

 

Phang nhau nên dẫn tới việc chùng chình nằm đấy chả ai làm gì cả, người ta lại “soi” vào là tại sao không làm, lý do này kia. Từ đó dẫn tới việc liên quan đến người tiền nhiệm. Giai đoạn tôi làm TGĐ trong 2 năm 2007, 2008 lãi. Đến khi tôi đi là bắt đầu tụt hậu và đi xuống.

 

Ụ nổi cũ Vinalines mua cách đây gần 5 năm, nhưng nay vẫn chưa hoạt động, gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng.  Ảnh: VNE.

 

Nhưng việc mua ụ nổi quá tuổi là trái quy định của nhà nước?

 

Ụ nổi có đặc thù khác. Riêng thiết kế sản xuất đã có tuổi thọ lên tới 60 năm. Trước khi nhập về, cơ quan Đăng kiểm VN sang tận bên Nga thẩm định, đăng kiểm và xem xét cho phép mới được nhập.

 

Chứ đâu phải mình muốn mang cái gì về nước thì mang đâu, phải cơ quan có thẩm quyền, được Bộ GTVT cho phép.

 

Bộ GTVT phải căn cứ vào kết quả thẩm định và kiểm tra của Đăng kiểm VN. Đăng kiểm VN báo cáo, trình Bộ GTVT, trên cơ sở đấy Bộ GTVT xem xét và quyết định cho nhập.

 

Cái ụ nổi như một xà lan, nó đặc thù chứ không tự nổ máy chạy được, phải kéo. Do đó nó hoàn toàn không nằm trong quy trình đầu tư như tàu biển. Đầu tư tàu biển là đầu tư khai thác vận tải bằng máy, bằng chân vịt nên khác.

 

Ông nói 2 năm đương chức thì Vinalines phát triển, nhưng giai đoạn đó ông cũng quyết định mua ụ nổi về để đấy, nay lãng phí hàng trăm tỷ có trách nhiệm của ông?

 

Cơ quan chức năng cũng nói mặc dù ngày đấy làm ăn có lãi, nhưng cái quyết định đầu tư dự án về để từ năm 2007-2008 tới nay không thực hiện được, vẫn chưa khai thác được, cho nên tổng mức đầu tư ụ nổi lên tới 400-500 tỷ, tới nay chưa khai thác là lãng phí tiền của chừng ấy năm.

 

Thực ra, dự án nào cũng có mục đích đầu tư, kế hoạch đầu tư, tiến độ đầu tư, tổng mức đầu tư.

 

Dự án đó tiến độ đầu tư là đưa vào khai thác cuối năm 2010, nhưng vì nội bộ “chiến” nhau từ năm 2009-2010, nên chả ai chịu làm. Thế cho nên nó chình ình ra, chứ không phải là mua về để chơi.

 

Giờ dự án chưa đưa vào khai thác, cái chính là không có tiền để tiếp tục đầu tư. Nếu có tiền tiếp tục triển khai dự án theo kế hoạch thì vẫn hiệu quả, định hướng của Tổng Cty là đúng đắn.

 

Tới giờ này chưa thực hiện được là trách nhiệm của người tổ chức điều hành, chứ không phải sai lầm của người quyết định đầu tư.

 

Mất mặt với vợ con

 

Hồi mua ụ nổi, ông và nguyên Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng, ai là người quyết định?

 

Hồi đấy, tôi làm TGĐ. Mọi hành động và việc làm của tôi phải căn cứ vào quyết định của HĐQT. Tôi thực ra chỉ là người thực hiện. Về nguyên tắc, nó không giống các doanh nghiệp ở dưới.

 

Chính các doanh nghiệp ở dưới lại rất thoải mái, giám đốc có quyền quyết định tất cả mọi cái. Còn TGĐ tổng công ty 91 và TGĐ tập đoàn nhà nước là chơ vơ, cháo váo, làm gì cũng phải được sự chấp thuận của HĐQT và phải được phê duyệt mới được thực hiện.

 

Hoặc là phải có bổn phận thực thi mọi quyết định, nghị quyết của HĐQT mặc dù ông không thích, dù không phải là quan điểm của ông, nhưng đã là nghị quyết, tôi là số ít buộc phải thực hiện.

 

Còn chuyện đầu tư tàu cũ, phải treo cờ nước ngoài để hoạt động thì sao, thưa ông?

 

Mua tàu cũ không phải là thời của tôi. Thời của tôi đầu tư hoàn toàn tàu trong phạm vi khuôn khổ của Bộ GTVT quy định, dưới 15 tuổi hết, không có cái nào là trên cả.

 

Tất cả quy trình, thủ tục đầu tư phải có ý kiến từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới. Bộ cho phép mới được. Mà ngày đó làm rất cẩn trọng. Và chả dại gì làm sai để trước hết ông Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines) soi, ông ấy tiêu diệt mình trước. Mình phải giữ mình ghê gớm.

 

Giai đoạn của tôi, 2 ông không hợp nhau (ý nói ông Phúc và ông Dũng-PV), nên ông nào cũng phải làm chuẩn, nên không ông nào phá ngang được. Còn sau giai đoạn tôi, anh Dũng làm thế nào tôi không biết.

 

Mấy ngày này, chắc tâm trạng ông nặng nề lắm?

 

Nói thật, giờ đây tôi thậm chí mất mặt với vợ con. Ngày xưa làm, tôi được mọi người khen, dù khổ sở vất vả. Mà nói thật, một xu cũng không có. Rất trong sáng với tư tưởng, lý tưởng là thay da đổi thịt ngành hàng hải.

 

Thậm chí hy sinh mọi cái để làm. Nhưng bây giờ người ta lại quay ra bảo trách nhiệm trước đây của những người từ giai đoạn 2007-2010.

 

Như vậy rơi vào giai đoạn của mình, lại phải giải trình, mệt ghê cơ. Ngay vợ con bây giờ cũng chất vấn anh làm ăn thế nào mà để như thế...

 

Cám ơn ông.

 

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, qua số liệu về vốn, tài sản và kết quả kinh doanh của Vinalines giai đoạn 2007-2010 (không bao gồm 5 đơn vị từ Vinashin chuyển sang), cho thấy: Kết quả kinh doanh tổng hợp năm 2007-2008 có lãi, năm 2009 lỗ 412,325 tỷ đồng; năm 2010 lỗ 1.273,892 tỷ đồng.

 

Tổng tài sản của Vinalines giai đoạn 2007-2010 tăng 22.423,723 tỷ đồng, trong đó tài sản dài hạn tăng 21.722,647 tỷ đồng. Tỷ trọng tài sản dài hạn chiếm 70% (năm 2007) tăng lên 82% (năm 2010).

 

Nguồn vốn chủ yếu đảm bảo hoạt động của Vinalines giai đoạn 2007-2010 là vốn vay tín dụng và phải trả khác. Hiệu quả sử dụng vốn giảm mạnh, tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu từ 14.15% (năm 2007) xuống còn âm 14,8% (năm 2010). (Theo kết luận của TTCP)

 

Theo Đình Thắng

Tiền Phong