1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trách nhiệm của lãnh đạo Vinalines: Không chỉ dừng ở kiểm điểm

Các sai phạm ở Vinalines theo kết luận thanh tra không khác những sai phạm của Vinashin là bao. Nhưng sự việc này nếu chỉ dừng lại ở việc kiểm điểm trách nhiệm Hội đồng quản trị Vinalines từ năm 2005-2010 như kết luận của Thanh tra Chính phủ là chưa đủ.

Người đứng đầu tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) và một số lãnh đạo công ty con đã phải ra tòa vì tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và phải chịu một mức án từ 3-20 năm tù. Họ đã mua tàu cũ khi không được Chính phủ cho phép, phê duyệt đầu tư dự án không có trong quy hoạch (dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng) và cấu kết, thông đồng giải ngân vốn trái phiếu quốc tế khi không thẩm định hồ sơ vay vốn, không thu hồi được vốn (dự án tàu Bình Định Star).
 
Trách nhiệm của lãnh đạo Vinalines: Không chỉ dừng ở kiểm điểm
Nhiều sai phạm nghiêm trọng được thanh tra phát hiện tại Vinalines (Ảnh minh họa)

Tương tự, các sai phạm theo kết luận thanh tra ở Vinalines không khác những sai phạm của Vinashin là bao.

“Các dự án mua tàu đều được lập sơ sài, nội dung và thực tế thực hiện không thống nhất”, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết. Dự án nào cũng nêu hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hồi vốn nhanh nhưng thực tế 34/73 tàu mua về trong giai đoạn 2005-2010 bị lỗ, thậm chí có tàu bị lỗ nặng phải bán. Có những tàu như Lively Falcon đã sử dụng 30 năm. Hay nhiều tàu mua gần 1.000 tỉ đồng như Galaxy kinh doanh thua lỗ… Trường hợp này có khác gì Vinashin mua tàu Hoa Sen hoặc Tổng công ty Nam Triệu mua tàu Bạch Đằng Giang. Và điểm chung của hai sự việc này đều là cố ý làm trái quy định nhà nước.

Do Việt Nam chỉ chấp nhận đăng kiểm cho các tàu tối đa 15 tuổi nên 17 tàu Vinalines mua về phải treo cờ nước ngoài vì không đáp ứng quy định này. Ngoài ra, theo Nghị định 42/CP về “Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng”, quyết định mua sắm có trị giá 200 tỉ đồng trở lên (như dự án mua tàu) thuộc dự án nhóm A, phải được sự chấp thuận của Chính phủ và phải qua đấu thầu. Trong số 73 tàu cũ mà Vinalines mua lại để kinh doanh với tổng vốn đầu tư lên đến gần 23.000 tỉ đồng, liệu có tàu nào được mua theo đúng quy định của Nghị định 42 không? Kết luận của Thanh tra Chính phủ không nêu rõ điểm này. Và trách nhiệm của các cơ quan chức năng là phải tiếp tục làm rõ con số thua lỗ thực tế ở từng dự án mua tàu là bao nhiêu, dự án nào thua lỗ từ việc vi phạm các quy định của Nghị định 42? Những ai ở Vinalines phải chịu trách nhiệm về việc cố ý làm trái gây thua lỗ?

Chưa hết, cả ba dự án sửa chữa tàu biển mà Vinalines góp vốn đầu tư ở Công ty TNHH Vinalines - Đông Đô (Hải Phòng), Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam (Vũng Tàu) và Công ty cổ phần Sửa chữa tàu biển Nosco Vinalines (Quảng Ninh) đều là những dự án không có trong kế hoạch phát triển đã phê duyệt của Vinalines và càng không có trong quy hoạch phát triển tổng thể ngành công nghiệp tàu thủy.
 
Trường hợp này cũng không khác gì Vinashin tự ý đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hồng, không có trong quy hoạch, lại sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu.

Chỉ tính riêng các sai phạm ở dự án sửa chữa và đóng mới tàu biển Nosco - Vinalines (Quảng Ninh) đã gấp nhiều lần những sai phạm tính bằng tiền của Vinashin ở dự án nhiệt điện Sông Hồng (dù dự án của Vinalines chưa được phê duyệt nhưng đã điều chỉnh tổng vốn đầu tư lên 5.399 tỉ đồng, trong đó thực hiện 39 gói thầu trị giá 2616 tỉ đồng).

Còn nếu tính đúng, tính đủ, công luận đòi hỏi Hội đồng quản trị ở Vinalines từ năm 2005 đến nay còn phải chịu trách nhiệm về việc phân bổ vốn trái phiếu không đúng mục đích (423 tỉ trong tổng số 1.000 tỉ đồng) vào việc thành lập các công ty liên doanh, liên kết… hiệu quả đầu tư thấp và gây mất vốn nhà nước.
 
Theo Ngọc Lan
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm