Cựu CEO World Bank: Tiền có cứu vãn được thế giới?

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Ông Bertrand Badré - cựu Tổng Giám đốc World Bank - đồng thời là tác giả cuốn sách nổi tiếng "Tài chính có cứu vãn được thế giới" - đã có những chia sẻ thú vị tại hội nghị One Global Việt Nam.

Lời chia sẻ từ cha đẻ cuốn sách "Tài chính có cứu vãn được thế giới"

"Tài chính có cứu vãn được thế giới" từng là tên một cuốn sách nổi tiếng bàn về tài chính dưới góc nhìn của cựu CEO World Bank. 

Sách thể hiện cách nhân vật nhìn nhận, đánh giá và phân tích cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, bài học rút ra và những gì cần làm để tài chính có thể phục vụ tốt nhất cho nhân loại.

"Tài chính có cứu vãn được thế giới" lần nữa lại là chủ đề được quan tâm tại hội nghị One Global Việt Nam vừa được tổ chức tại Paris (Pháp) với sự tham gia của chuyên gia, trí thức Việt Nam và quốc tế tiêu biểu hàng đầu trên thế giới.

Hội nghị kéo dài trong 2 ngày (4/11 và 5/11) với 4 phiên trao đổi tại chỗ và trực tuyến xen kẽ, xoay quay 4 nhóm chủ đề. Trong đó phiên "Tài chính có cứu vãn được thế giới?", ông Bertrand Badré đã có những chia sẻ thú vị.

Theo ông Bertrand Badré, cuộc cách mạng cộng nghiệp 4.0 đang diễn ra một cách nhanh chóng. Chúng ta đang ở giai đoạn đi tìm một giải pháp phát triển tài chính một cách bền vững. Vì lịch sử đã chứng minh những lần khủng hoảng tài chính dưới sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp, công nghệ.

Ông Bertrand Badré cũng cho rằng giai đoạn hiện tại, tài chính đã có những sự thay đổi đáng kể. Không chỉ là giảm tiêu dùng tiền mặt, đây là giai đoạn mà tiền ảo, tiền điện tử... đã và đang có sự phát triển đáng ghi nhận. "Chúng ta ở đây không phải để tìm ra một giải pháp đúng nhất, mà là trao đổi để tìm ra những giải pháp phù hợp nhất, cấp thiết nhất dựa trên những con số, những đo lường như GDP…", ông Bertrand Badré nói.

Ông Bertrand Badré cũng nhấn mạnh thêm, đến cả nước Mỹ cũng gặp phải vấn đề về hệ thống tài chính. Nếu chỉ cơ bản về tiền thì hệ thống tài chính hiện nay vẫn đang làm tốt.

"Nhưng đối với tôi, hệ thống tài chính là giá trị sống của người dân, làm sao để người dân vận dụng tài chính vào đời sống hằng ngày. Từ nhà đầu tư đến người dân, Nhà nước điều chỉnh hệ thống tài chính hướng tới đời sống của mọi người. Từ đó nâng cao giá trị sống", ông Bertrand Badré nói.

Cựu CEO World Bank: Tiền có cứu vãn được thế giới? - 1

Ông Frederik Kristensen nói về những lo ngại đối với dịch bệnh, biến đổi khí hậu... (Ảnh: OGV).

Ông Frederik Kristensen - Phó Giám đốc Liên Minh về Sáng kiến Sẵn sàng Đối phó Đại dịch - cho biết Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tính toán chi phí cho nền kinh tế toàn cầu vào khoảng 28.000 tỷ đồng. Nhưng vấn đề cần được quan tâm là sự nghèo đói.

"Không nghi ngờ gì rằng với những thay đổi, những diễn biến khí hậu toàn cầu đang diễn ra và gây tác động không mong muốn đến con người", ông Frederik Kristensen nhấn mạnh.

Cũng theo ông Frederik Kristensen, Tổ chức Y tế Thế giới đã có một danh sách các bệnh khác nhau đang được nghiên cứu với dự báo về khả năng xảy ra. Các tổ chức toàn cầu rất quan tâm đến vấn đề dịch bệnh và đại dịch đang phát triển, thậm chí kể cả những dịch bệnh đã chấm dứt nhưng chúng ta vẫn chưa kiểm soát để ngăn chúng trở thành mối đe dọa cho nhân loại.

Thay vì chọn công nghệ của Mỹ hay Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm của chính mình

Một chủ đề khác cũng được các chuyên gia thảo luận sôi nổi tại hội nghị, đó là chuyển đổi sổ, đổi mới sáng tạo.

Tại hội nghị, ông Henri Verdier - Đại sứ phụ trách kỹ thuật số của Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh đổi mới là một phần của phát triển kinh tế và nó rất quan trọng đối với Việt Nam.

Cựu CEO World Bank: Tiền có cứu vãn được thế giới? - 2

Hội nghị One Global Việt Nam diễn ra với sự hội tụ của 100 chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu đến từ 15 quốc gia trên thế giới (Ảnh: OGV).

Để đổi mới và trở thành người đổi mới, ông Henri Verdier cho rằng cần có một môi trường đổi mới sáng tạo. Ông kỳ vọng có thể tìm ra những ý tưởng mới nhờ sự hợp tác giữa 2 quốc gia.

Ông Henri Verdier cũng nhấn mạnh, không cần phải đứng trước các lựa chọn sử dụng công nghệ của Mỹ hay Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng các sản phẩm của chính mình.

Thảo luận về chủ đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam - cũng nhấn mạnh, Việt Nam có thể là cái nôi của đổi mới sáng tạo, do nhu cầu cần giải quyết nhiều hơn các nước phát triển.

"Những nước đang phát triển có rất nhiều khó khăn, rất nhiều bài toán cần giải quyết nên cũng là nơi cần rất nhiều đổi mới sáng tạo", ông Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Hùng cũng cho rằng, trong các bài toán Việt Nam đang đối mặt có rất nhiều những bài toán mang tính toàn cầu, ví dụ như làm sao có thể có được bác sĩ giỏi ở vùng sâu vùng xa, làm sao có thể có người giáo viên giỏi để đào tạo ra thế hệ giỏi. "Nếu Việt Nam giải được các bài toán này thì sẽ là đóng góp lớn cho nhân loại", ông Hùng nói.

Bộ trưởng Hùng chia sẻ thêm, Việt Nam là một nước có khát khao, khát vọng phát triển, nhiều năm qua đều nằm trong top 10 những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất. Việt Nam cũng sẽ đưa các giải pháp ra thị trường quốc tế để đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại.

"Một Việt Nam hùng cường, mạnh mẽ luôn là khát khao của bất cứ người Việt Nam nào dù đang ở bất cứ nơi đâu", Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh.