Cường Đôla lại có thể cười vui
Các đại gia bất động sản, xây dựng và mía đường lại vui trong khi ngành chăn nuôi và khoáng sản vẫn gặp khó. Nhà Cường Đôla có thêm hàng trăm tỷ. Ông trùm mía đường Đặng Văn Thành tiếp tục khẳng định vị thế.
Sau cú sốc tin đồn về ông Trần Bắc Hà tuần đầu tháng 8, thị trường chứng khoán đã bước sang một giai đoạn khác, chấm dứt chuỗi ngày tăng kéo dài từ đầu năm. Thị trường chuyển sang thời kỳ giằng co dữ dội, phiên tăng mạnh rồi giảm nhanh, nhưng chung cuộc là giảm dần đều.
Đây là dấu hiệu của một đợt điều chỉnh sau hơn 7 tháng tăng giá.
Thị trường hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào các cổ phiếu trụ cột trên sàn. Trong nhiều phiên, biến động thất thường của cổ phiếu Sabeco (SAB) có tác động gần như quyết định tới xu hướng tăng hay giảm của chỉ số VN-Index.
Mặc dù vậy, một số nhóm cổ phiếu vẫn đang trụ khá vững, trong đó có nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng đầu ngành. Nhóm cổ phiếu mía đường cũng đang khá vững trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán tốp đầu duy trì được phong độ.
Cổ phiếu VPBank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng ghi nhận các phiên tăng điểm trở lại và đang tìm về mức giá chào sàn ấn tượng: 39.000 đồng/lượng. Ngân hàng của ông Ngô Chí Dũng vừa báo lãi cao chưa từng có nhờ vào hoạt động rất mạnh trong mảng cho vay tiêu dùng.
Một số ngân hàng khác cũng đang hướng tới một năm lợi nhuận cao chưa từng có trong nhiều năm nhờ nợ xấu giảm bớt và tăng trưởng tín dụng cao theo định hướng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng của Chính phủ.
Những cổ phiếu hàng đầu như VCB vẫn đang đứng ở quanh mức cao mọi thời đại. Cổ phiếu BID của BIDV sau cú sốc tin đồn Trần Bắc Hà cũng đang lấy lại phong độ với giao dịch trên sàn rất lớn.
Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng vẫn đang là nhóm hưởng lợi lớn từ sự sôi động trên thị trường địa ốc tại Hà Nội và TP.HCM. Nhiều cổ phiếu hàng đầu như VIC, NVL… vẫn đang giữ giá.
Trong khi đó, nhiều mã bất động sản và xây dựng khác cũng đang tìm đường tăng trở lại như Vinaconex (VCG), DXG, HUT…
Thị trường gần đây ghi nhận sự nổi sóng của cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT của tập đoàn này đã mua thành công hàng chục triệu cổ phiếu đã nâng tỷ lệ nắm giữ lên 22,6% vào đúng thời điểm cổ phiếu này tăng giá và cùng với sự hồi phục của một cổ phiếu khác là ROS giúp ông Quyết lấy lại vị trí giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Trong phiên 23/8, thanh khoản cổ phiếu FLC chiếm tới 20-25% về số lượng giao dịch trên sàn HOSE.
Một cổ phiếu từng gây bão trên TTCK trong nửa đầu 2017 là QCG của Quốc Cường Gia Lai đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Cổ phiếu của nhà doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) đã tăng trần 2 phiên liên tiếp sau khoảng 2 tuần giảm nhanh. Trước đó, QCG đã có một cú bứt phá tăng 6-7 lần trong vòng 2 tháng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán như SSI, HCM, VDS, AGR, SHS… diễn biến tich cực trở lại cho dù thanh khoản thị trường vẫn đang trên chiều hướng đi xuống.
Khối ngoại hiện vẫn mua vào mỗi khi thị trường giảm. Nhóm cổ phiếu đầu ngành, nhất là trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, mía đường, hàng không và thực phẩm như: Vinamilk (VNM), VietJetAir (VJC), Hoa Sen (HSG), SBT… vẫn là các món “khoái khẩu”.
Mảng thức ăn chăn nuôi chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá thịt lợn giảm. Nhiều đại gia trong ngành chăn nuôi điêu đứng vì hàng trăm tỷ lợi nhuận "bốc hơi" theo giá thịt lợn.
Một số cổ phiếu nóng vẫn đang chao đảo mạnh. HAI và HAR sau chuỗi tăng trần vẫn đang giảm sàn.
Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, xu hướng điều chỉnh giảm trong ngắn hạn vẫn chưa dứt và khá rõ ràng với thanh khoản thấp và độ rộng nghiêng về số mã giảm điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/8, VN-index tăng 4,72 điểm lên 765,98 điểm; HNX-Index tăng 0,41 điểm lên 101,28 điểm. Upcom-Index giảm 0,05 điểm xuống 54,08 điểm. Thanh khoản đạt 195 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt hơn 3,2 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.
Theo: H. Tú
Vietnamet