1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Cuộc đua” tích trữ gạo trên toàn cầu: DN xuất khẩu Việt hưởng lợi?

(Dân trí) - Giới phân tích dự báo, nguồn cung gạo phần nào sẽ trở nên “khan hiếm” hơn trong quý 2/2020, giá gạo tăng cao giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục hưởng lợi.

Các quốc gia trên thế giới ồ ạt nhập khẩu gạo

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trong 3 tháng đầu năm, sản lượng gạo xuất khẩu tăng 20%, lên 1,67 triệu tấn. Trong khi, giá gạo xuất khẩu bình quân tăng 5,8% so với cùng kỳ, đạt 463,5 USD/tấn. Giá trị xuất khẩu gạo đạt 774 triệu USD, tăng mạnh 27,8% so cùng kỳ.

“Cuộc đua” tích trữ gạo trên toàn cầu: DN xuất khẩu Việt hưởng lợi? - 1

Nguồn cung gạo thu hẹp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp

Trước đó, trong giai đoạn 2 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 928.798 tấn, tăng 32% so cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung gạo Thái Lan sụt giảm trong khi hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ bị gián đoạn.

Theo trademap.org, giá trị xuất khẩu gạo của Thái Lan trong tháng 1 và tháng 2 chỉ đạt 305,9 triệu USD (giảm 36%) và 262,4 triệu USD (giảm 30% so cùng kỳ). Trong khi đó, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chính phủ Ấn Độ đã có những chính sách quyết liệt trong việc cách ly xã hội ở quốc gia này. Chính sách này đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động và gián đoạn trong chuỗi cung ứng làm tê liệt phần nào nền nông nghiệp Ấn Độ. Hệ quả, các thương nhân gạo Ấn Độ đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới khi không nắm chắc được nguồn cung gạo.

Chính những diễn biến tiêu cực trong khả năng xuất khẩu gạo của Thái Lan và Ấn Độ đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường.

Trung Quốc là một trong những quốc gia tăng nhập khẩu gạo Việt Nam mạnh nhất. Dựa theo số liệu 2 tháng đầu năm nay của Tổng cục Hải Quan, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu gạo Việt Nam tới 595% so cùng kỳ, đạt 66.222 tấn.

Báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, sau 2 năm liên tiếp “lạnh nhạt” với gạo Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng mạnh do 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, trong báo cáo tháng 3/2020, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự kiến sản lượng gạo trong năm 2020 của Trung Quốc sụt giảm 1,8 triệu tấn, xuống còn 146,7 triệu tấn.

Thứ hai, trong năm 2019/2020, lượng gạo dự trữ của Trung Quốc được duy trì ở mức 117,7 triệu tấn, chiếm 70% lượng gạo tồn kho toàn cầu. Việc mức gạo dự trữ tương đối cao trong khi người dân thích ăn gạo mới hơn gạo tồn kho, do đó, Trung Quốc buộc phải nhập khẩu tầm 2,7 triệu tấn (tăng 29% so cùng kỳ) và xuất khẩu 3,3 triệu tấn (tăng 32% so cùng kỳ).

Thứ ba, diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 làm việc lưu thông hàng hóa giữa các nước trở nên khó khăn, vì vậy người dân có tâm lý tích trữ lương thực cho thời gian tới.

Bên cạnh đó, Philippines và Malaysia là hai đối tác quan trọng nhất của ngành lương thực Việt Nam khi đã lần lượt nhập khẩu 357.055 tấn (tăng 16%) và 94.413 tấn (tăng 149% so cùng kỳ) trong 2 tháng đầu năm nay.

Hiện Philippines đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam với 38,4% và Malaysia chiếm 10,2%.

Ngoài ra, dù tình hình nông nghiệp được cải thiện ở Iraq nhưng nguồn cung nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu gạo của người dân. Do đó, Iraq đã nhập khẩu 90.000 tấn gạo từ Việt Nam (là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 với tỷ trọng 9,7%), sau khi không nhập gạo từ Việt Nam trong cùng kỳ năm 2019.

Tâm lý dự trữ đẩy giá gạo tăng

VDSC cho hay, giá gạo xuất khẩu của cả Việt Nam và Thái Lan đều đạt đỉnh vào tháng 3 năm nay.

Thực tế, giá gạo Thái Lan đang ở mức cao nhất trong vòng 6 năm qua khi gạo Thái 5% tấm đang được chào bán ở mức giá 518 - 522 USD/tấn, tăng cao so với mức 433 – 437 USD/tấn hồi đầu tháng.

Tương tự, giá gạo xuất khẩu Việt Nam cũng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 16 tháng qua. Cụ thể, giá gạo Việt 5% tấm đang có giá 428 – 432 USD/tấn, tăng từ mức 383 – 387 USD/tấn đầu tháng 3.

“Cuộc đua” tích trữ gạo trên toàn cầu: DN xuất khẩu Việt hưởng lợi? - 2

Diễn biến giá gạo xuất khẩu từ 31/10/2019 (USD/tấn; FOB)

Ngược lại, giá gạo Ấn Độ có phần sụt giảm nhẹ do tỷ giá đồng rupee đi xuống và nguồn cung hiện đang dồi dào do đã giảm giao thương với Iran và Iraq.

Theo nhận định của chuyên gia VDSC, giá gạo xuất khẩu tăng do cung giảm và cầu tăng. Có thể kể ra ảnh hưởng tiêu cực từ thiên nhiên bao gồm hạn hán, hạn mặn và thiếu nguồn nước tưới tiêu cần thiết là những yếu tố làm sụt giảm sản lượng sản xuất của các quốc gia, tiêu biểu là Thái Lan và Việt Nam. Chính phủ Thái Lan cũng e ngại mùa khô ở nước này có thể kéo dài đến tháng 6 năm nay thay vì tháng 4 như mọi năm.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng gạo toàn thế giới ước đạt 496,2 triệu tấn trong năm 2020, giảm 0,6% so với 2019. Trong khi nhu cầu tiêu dùng gạo toàn cầu năm 2020 sẽ đạt xấp xỉ 493 triệu tấn, tăng 1,3% so với năm 2019. Sự sụt giảm độ lệch cung cầu phần nào khiến giá gạo gia tăng.

Việc các nước nỗ lực dự trữ lương thực trong mùa dịch bệnh cũng đẩy giá gạo lên. Do tâm lý lo sợ dịch bệnh leo thang đã thúc đẩy người dân các nước không ngừng tích trữ lương thực. Đồng thời, dịch Covid-19 phần nào đã gây ra những xáo trộn hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo của một số nước khi tiến độ giao nhận và thanh toán giữa các bên bị chậm trễ. Từ đó, đã mở ra nhiều thị trường mới cho gạo Việt Nam.

Quý 2 có nhiều triển vọng

Tình hình sản xuất cũng như khả năng xuất khẩu gạo của các nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang gặp vô vàn khó khăn.

Hiện các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới) đã nhiều ngày không báo giá khi thủ tướng Narendra Modi ra lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày, bắt đầu từ ngày 24/3 để hạn chế sự lây lan của Covid-19. Điều này khiến nhiều nhà xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ buộc phải đóng cửa.

“Cuộc đua” tích trữ gạo trên toàn cầu: DN xuất khẩu Việt hưởng lợi? - 3

Các quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất trong năm thu hoạch 2018/2019 (ngàn tấn)

Bên cạnh đó, ở Campuchia (nước xuất khẩu đứng thứ 8 thế giới), Thủ tướng Hun Sen cũng ra quyết định dừng xuất khẩu gạo trắng và thóc từ 11h59 tối ngày 5/4 để đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Hay mới đây, Myanmar (nước xuất khẩu thứ 6 thế giới) đã tạm ngừng cấp giấy phép xuất khẩu gạo với lý do thay đổi hệ thống. Tuy nhiên, quan chức Myanmar không thể cho biết khi nào hệ thống mới có thể đi vào hoạt động, do đó đây có thể xem như một động thái làm giảm nhịp xuất khẩu gạo của quốc gia này.

Trong bối cảnh đó, sản lượng sản xuất toàn cầu lại sụt giảm. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng năm thu hoạch 2019-2020 của Trung Quốc (thứ 7 thế giới) và Ấn Độ sẽ lần lượt sụt giảm 1,8 triệu tấn (xuống 146,7 triệu tấn) và 1,4 triệu tấn (xuống 115 triệu tấn) do diện tích gieo trồng giảm. Tương tự, sản lượng gạo sản xuất của Mỹ (thứ 5 thế giới) cũng sẽ sụt giảm 1,2 triệu tấn khi diện tích trồng lúa ở miền nam bị thu hẹp.

Do chịu ảnh hưởng nặng nề từ nạn hạn hán, hạn mặn kéo dài cộng hưởng với chi phí sản xuất ngày càng tăng, Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan (thứ 2 thế giới) chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo trong năm 2020, mức thấp nhất trong 7 năm qua. Thực tế, sản lượng gạo sản xuất của Thái Lan dự kiến sụt giảm 2 triệu tấn trong niên vụ 2019-2020.

Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất gạo Việt Nam đón nhận nhiều thông tin tích cực. Cụ thể, sau khi có nhiều lo lắng về thông tin hạn chế xuất khẩu gạo thì vừa qua Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng duy trì hoạt động xuất khẩu gạo nhưng có kiểm soát theo từng tháng. Theo đó, tháng 4 và tháng 5 sẽ được phép xuất tổng cộng khoảng 800.000 tấn.

Xuất khẩu gạo hưởng nhiều lợi thế khi các hiệp định thương mai đi vào hoạt động. Tiêu biểu, Hiệp định EVFTA kỳ vọng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 sẽ mang lại nhiều có hội cho doanh nghiệp gạo Việt Nam tiếp cận với thị trường châu Âu.

VDSC cũng lưu ý, trong khi Thái Lan chịu thiệt hại năng nề từ hạn mặn thì Việt Nam chỉ có 28.000 ha lúa bị ảnh hưởng. Do đó, ước tính sản lượng lúa gạo cả nước năm nay vẫn có thể đạt tầm 43 triệu tấn với 6,5-7 triệu tấn gạo dùng cho xuất khẩu.

“Nhiều nước chưa kịp chuẩn bị nguồn lương thực dự trữ lâu dài nên đây là thời điểm thuận lợi cho gạo Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường mới” - báo cáo đánh giá.

Tóm lại, với việc nhiều quốc gia buộc phải tăng cường dự trữ gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu lúa gạo toàn cầu vẫn còn ở mức cao trong thời gian tới.

Cộng với việc hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu của nhiều quốc gia đang bị ảnh hưởng tiêu cực nên nguồn cung gạo được dự báo phần nào sẽ trở nên “khan hiếm” hơn trước.

Vậy nên, VDSC nhận định, trong quý 2, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục hưởng lợi khi giá gạo sẽ được duy trì ở mức cao do nhu cầu gạo ngày càng tăng trong khu nguồn cung toàn cầu bị sụt giảm.

Mai Chi