1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cục chăn nuôi: Buôn chất cấm dùng trong chăn nuôi lãi hơn ma túy

(Dân trí) - "Trong nhóm chất cấm trong chăn nuôi, thì salbutamol được sử dụng nhiều nhất. Buôn bán chất cấm salbutamol thậm chí còn lãi hơn cả buôn ma túy, nên những kẻ làm ăn vô lương tâm đã bất chấp đạo lý, pháp luật, lén lút buôn bán", ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT đánh giá.

Theo thông tin của ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đưa ra tại Hội thảo Quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và các vấn đề đặt ra diễn ra sáng nay (25/4) tại Hà Nội: Năm 2014 - 2015, các công ty dược trong nước đã nhập khẩu hơn 9.000 kg chất cấm, trong đó hơn 6.200 kg đã được bán ra ngoài thị trường không đúng đối tượng, sai mục đích (chiếm 68%)... Hiện trong kho của các Công ty dược còn lại khoảng 1.334 kg và các công ty dược đang thu hồi 2.025 kg đã phối trộn, tỷ lệ Sabultamol thấp, kém chất lượng…

Người tiêu dùng hiện rất hoang mang khi chất cấm đang hoành trong ngành chăn nuôi
Người tiêu dùng hiện rất hoang mang khi chất cấm đang hoành trong ngành chăn nuôi

Theo ông Việt, chất cấm trong chăn nuôi đã được người dân sử dụng nhiều năm trước đây, phổ biến nhất là chất Sabultamol. Đến tháng 7, tháng 8/2015 dư luận rộ lên và Bộ NN&PTNT đã thực sự vào cuộc.

Ông Việt khẳng định, đây là loại chất được dùng nhiều trong lĩnh vực y tế, song chỉ số ít được sản xuất thuốc, hiện cơ quan chức năng không rõ 6 tấn chất cấm trên có bao nhiêu được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.

Thanh tra Bộ đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra lấy 207 mẫu thức ăn chăn nuôi của 32 công ty tại 10 tỉnh để phân tích (59 mẫu phân tích chỉ tiêu Auramine, 148 mẫu phân tích chỉ tiêu Salbutamol). Kết quả phân tích không phát hiện Salbutamol và Auramine trong toàn bộ 207 mẫu.

"Chúng tôi đã thành lập các đoàn thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu vi phạm. Từ đầu năm 2015, các đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra được trên 40 tổ chức, cá nhân; phát hiện và xử lý 18 Công ty có hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 2,6 tỉ đồng", ông Việt cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT: Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại được dư luận quan tâm, được các cấp, các ngành đầu tư nhiều thời gian, kinh phí và các giải pháp để cùng chung tay xóa bỏ vấn nạn “thực phẩm bẩn” như hiện nay.

"Nếu người Việt tiếp tục tự đầu độc đồng loại bằng chất cấm, sẽ làm hỏng cấu trúc gien của giống nòi", Ông Dương quả quyết nói:

Ông Dương chỉ rõ thực tại: Trong nhóm chất cấm trong chăn nuôi, thì salbutamol được sử dụng nhiều nhất. Buôn bán chất cấm salbutamol thậm chí còn lãi hơn cả buôn ma túy, nên những kẻ làm ăn vô lương tâm đã bất chấp đạo lý, pháp luật, lén lút buôn bán. Chất cấm nhóm Beta – Agonist (Nhóm β2-agonist) đã được các hộ chăn nuôi sử dụng để thúc heo “nở nạc bung đùi” trong thời gian cấp tốc 15-20 ngày để kiếm lời, mà không quan tâm đến hậu quả.

Bên cạnh những người chăn nuôi tham lam, vô lương tâm, nhiều hộ chăn nuôi khác lại phải chịu tình trạng bị thương lái “ép” phải sử dụng chất cấm. Thương lái đưa chất cấm cho chủ trang trại trộn vào thức ăn và hứa mua lợn hơi với giá cao hơn, nếu không dùng thì họ sẽ không mua, hoặc chỉ mua với giá bèo bọt.

Gần đây, tại một số địa phương cơ quan chức năng đã phát hiện măng tươi được nhuộm bằng chất vàng ô (auramine) loại chất chỉ dùng nhuộm gỗ và các sản phẩm công nghiệp, cực độc đối với con người. Theo đánh giá của bà Lê Thị Hồng Hảo, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế: "Người tiếp xúc trực tiếp với chất vàng ô qua da, nhẹ thì gây dị ứng, ngứa với da. Nếu tiếp xúc bằng đường hô hấp, sẽ kích ứng dữ dội, gây sặc, lên cơn viêm phế quản, viêm phổi. Ngộ độc cấp, thường xảy ra với người tiếp xúc trực tiếp với chất vàng ô".

“Nghiên cứu trên động vật cho thấy, chất vàng ô gây ung thư cho chuột cống và chuột nhắt", bà Hảo khẳng định.

Theo TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện K (bệnh viện Ung bướu) Trung ương: Việc dùng các thực phẩm có chứa chất cấm hoặc sinh ra trong quá trình bảo quản hoặc sản xuất thực phẩm có thể gây mất an toàn sức khoẻ, ví dụ như ăn phải gạo mốc có chứa chất độc gây ung thư, dưa muối quá khú gây ra nhiều chất độc hại…

Nguyễn Tuyền

Cục chăn nuôi: Buôn chất cấm dùng trong chăn nuôi lãi hơn ma túy - 2