“Cửa” tăng dự trữ bắt buộc vẫn bỏ ngỏ?

Quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn cách đây hai hôm khiến khả năng tăng dự trữ bắt buộc tiếp theo là rất thấp.

“Cửa” tăng dự trữ bắt buộc vẫn bỏ ngỏ?     - 1
“Cửa” tăng dự trữ bắt buộc có còn hay không?
 
Cuối tuần qua, thị trường chứng khoán đón nhận thông tin tăng một số mức lãi suất trên thị trường mở. Tuy nhiên, điều mà giới đầu tư mong đợi là thông tin liên quan đến dự trữ bắt buộc - vốn được đồn thổi nhiều tuần qua - vẫn chưa đến.

 

Các bình luận trước khi có quyết định cuối cùng của Ngân hàng Nhà nước hôm 1/4 vẫn có hai luồng quan điểm trái ngược.

 

Một luồng ý kiến cho rằng rất có thể dự trữ bắt buộc sẽ phải tăng để dập tắt khả năng lạm phát leo thang trước những diễn biến mới về giá đầu vào.

 

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng chính sách thắt chặt tiền tệ đang dần phản ánh vào nền kinh tế và có độ trễ dài hơn một chút. Do đó, các ưu tiên sử dụng “biện pháp mềm” sẽ vẫn được áp dụng, thay vì dùng “liệu pháp sốc”.

 

Quyết định tăng các mức lãi suất thị trường mở lần thứ 3 trong vòng hơn hai tháng qua đã cho thấy cơ quan quản lý vẫn ưu tiên sử dụng các “biện pháp mềm” khi dư địa cho khả năng này vẫn còn. Cũng giống như hai lần tăng lãi suất tái cấp vốn trước đó, hiệu quả của chính sách sẽ biểu hiện chậm hơn. Lãi suất tái cấp vốn áp dụng đối với các nghiệp vụ tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại qua các hình thức như cho vay lại theo hồ sơ tín dụng, chiết khấu, tái chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá ngắn hạn khác...

 

Việc lựa chọn giải pháp tăng lãi suất tái cấp vốn vào thời điểm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tiếp tục tăng cao cho thấy Ngân hàng Nhà nước vẫn muốn giảm dần tăng trưởng tín dụng ở mức vừa phải chứ không muốn “phanh gấp” dòng vốn ra.

 

Vậy “cửa” tăng dự trữ bắt buộc có còn hay không?

 

Với quyết định ngày 1/4, có thể kỳ vọng chí ít sẽ chưa có thay đổi nào cho tới khi công bố CPI tháng 4. Nguyên nhân khá dễ hiểu, vì sử dụng đến công cụ dự trữ bắt buộc là liều thuốc rất mạnh, cần dựa trên những căn cứ định lượng chắc chắn. Với các thông tin vĩ mô tháng 3 vừa công bố, cơ quan quản lý cho rằng chưa cần tới giải pháp đó.

 

Mặt khác, rất có thể chính cơ quan quản lý cũng cần chờ đợi xem những “liều thuốc” đã “bốc” từ đầu năm đến nay có tác dụng đến đâu. Nếu CPI tháng 4 không tăng đến mức lo ngại trong quan điểm của Ngân hàng nhà nước thì rất có thể “thuốc” sẽ bắt đầu “ngấm” dần dần các tháng tiếp theo.

 

Tuy nhiên, hiện vẫn có quan điểm cho rằng cần sử dụng đến công cụ dự trữ bắt buộc. Ông Fiachra Mac cana, Giám đốc điều hành, phụ trách nghiên cứu của Công ty Chứng khoán HSC, cho rằng việc tăng lãi suất tái cấp vốn vừa qua có nguyên nhân là tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức cao.

 

“Có một xu hướng rằng mặc dù lãi suất cho vay đối với khối khách hàng tư nhân cao (hiện nay vào khoảng 21-22%), tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay vẫn rất cao. Thực ra, một số ngân hàng như đã cùng trao đổi với chúng tôi, dường như đã vượt quá quota nội bộ trong quý 1 cho thấy các nỗ lực để kiểm soát tăng trưởng tín dụng vẫn chưa có tác dụng tốt... Và trên thực tế là  sau nhiều năm thực hiện tăng trưởng tín dụng nới lỏng, các ngân hàng trở nên khó gò mình theo quy định. Điều này gợi ý rằng tỷ lệ dự trữ bắt buộc cần phải được tăng lên trong thời gian tới nhằm đưa ra một thông điệp rõ ràng hơn tới các ngân hàng”, chuyên gia phân tích này viết trong bình luận của mình hôm 1/4.

 

Khả năng tăng dự trữ bắt buộc cũng có liên quan đến việc sẽ "giam" lại tiền như thế nào. Hiện tại, một lượng tiền đã bị "giam" lại tại các ngân hàng thương mại với quy định của Thông tư 13 và Thông tư 19. Mặt khác, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN có mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng có lộ trình và các biện pháp “trừng phạt” rất nặng là tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung.

 

Cuối cùng là vấn đề thanh khoản. Chỉ khi thanh khoản dư thừa và cung tiền mạnh như năm 2007 thì công cụ dự trữ bắt buộc mới có tác dụng tốt.

 

Theo Khánh Hà

VnEconomy