Cửa làm ăn mới của Bầu Đức, Khải Silk bán phở kiếm thêm

Kinh doanh trái cây mang lại một nguồn tài chính lớn cho bầu Đức còn Khải Silk khai trương chuỗi phở. Trong khi đó, một số doanh nghiệp ăn nên làm ra từ bán vàng mã, bột sắn,... Những ngành nghề nghe có vẻ lạ nhưng mang lại một mớ tiền cho các đại gia.

Bầu Đức bán trái cây

Không còn mía đường, trái cây chính là cứu cánh của bầu Đức . Công ty con của đại gia này dự kiến sẽ thu hoạch hàng chục ngàn tấn chanh dây, mang về khoản doanh thu ngàn tỷ đồng trong khoảng một năm.

Đây là một mảng kinh doanh hoàn toàn mới sau khi doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức bán mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công thuộc nhà ông trùm mía đường Đặng Văn Thành.


Bầu Đức kiếm tiền từ bán chanh leo, Hoàng Khải mở thêm quán phở

Bầu Đức kiếm tiền từ bán chanh leo, Hoàng Khải mở thêm quán phở

Khải Silk khai trương chuỗi phở

Doanh nhân Hoàng Khải đã chính thức khai trương tiệm Phở Ông Khải đầu tiên của mình tại TP.HCM, với số vốn ban đầu là 600 triệu đồng. Còn tính chung, cả dự án đầu tư 100 tiệm phở, dự kiến hoàn tất trong năm 2018, tổng vốn đầu tư khoảng 70 tỷ đồng theo hình thức nhượng quyền. Sau 2 năm, sẽ bán cổ phần cho các quỹ đầu tư và sẽ lên sàn chứng khoán sau 3 năm kinh doanh.

Doanh nhân Hoàng Khải, thường được gọi là Khai Silk, nổi tiếng với các dự án bất động sản, nhà hàng và kinh doanh lụa tại TP.HCM và Hà Nội. Ông cũng gây chú ý vì cách sống và kinh doanh có phần lập dị của mình.

Buôn sắn, bán vàng mã kiếm triệu USD

Trên sàn chứng khoán cũng có những doanh nghiệp kiếm tiền từ những mảng nghe có vẻ lạ. CTCP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (Apfco) lên sàn Upcom với mức giá tham chiều 55.000 đồng/cp. Cổ phiếu này tăng 15,5% ngay trong phiên chào sàn lên 63.500 đồng/cp. Ngành nghề chính là buôn bán sắn và sản xuất tinh bột sắn cùng với cồn ethanol.


Hai đại gia thay nhau vị trí top 1 trên sàn chứng khoán

Hai đại gia thay nhau vị trí top 1 trên sàn chứng khoán

Khi nhắc đến CTCP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (CAP), hầu hết mọi người đều nghĩ đến một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực thu mua, chế biến nông lâm sản, thực phẩm hoặc những thứ gì đó có liên quan. Song, nguồn thu chính của CAP lại đến từ một sản phẩm không có chút liên quan nào đến tên gọi của công ty, đó chính là vàng mã.

Trên TTCK Việt Nam, CAP cũng là doanh nghiệp duy nhất kinh doanh loại sản phẩm khá đặc thù này.

Cổ phiếu công ty cung cấp dịch vụ mai táng Hải Phòng “cháy hàng” ngày chào sàn. Đây là điều không quá bất ngờ, bởi ngành kinh doanh dịch vụ mai táng tại Việt Nam đang hứa hẹn đầy tiềm năng, đặc biệt là khi chính sách mới có nhiều ưu đãi cho loại hình này.

Ông Trịnh Văn Quyết rời vị trí người giàu nhất Việt Nam

Cổ phiếu ROS lao dốc không phanh khiến tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết cũng bay hơi nhanh chóng. Tính cả 2 cổ phiếu ROS và FLC, ông Trịnh Văn Quyết có tổng tài sản khoảng 28.990 tỷ đồng. Do đó, ông Quyết đã mất vị trí giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vào tay ông Phạm Nhật Vượng.

Giá cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup mà ông Vượng sở hữu vẫn rất ổn định, ở mức 42.550 đồng/cổ phiếu. Với việc sở hữu 724 triệu cổ phiếu VIC, tổng tài sản của ông Vượng khoảng 30.800 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ so với ông Quyết.


Hai đại gia thay nhau vị trí top 1 trên sàn chứng khoán

Hai đại gia thay nhau vị trí top 1 trên sàn chứng khoán

Ông Lê Huy Giang rời vị trí CEO Ocean Group

CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) cho biết, ông Lê Huy Giang vừa từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Tập đoàn, nhưng tiếp tục giữ cương vị Phó Tổng Giám đốc. Hiện Ocean Group vẫn chưa bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới.

Trước khi về làm việc tại Ocean Group, ông Giang từng làm Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Hà Nội - Bắc Giang.

Bán đứt Tràng Tiền Plaza cho tư nhân

TCT Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Bộ Tài chính đang tính toán các phương án sắp xếp, phân loại DN của SCIC đến năm 2020, trong đó cân nhắc việc bán vốn nhà nước tại Tràng Tiền Plaza .

Hiện, Tràng Tiền Plaza đang được Tập đoàn IPP của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn thuê để làm trung tâm hàng hiệu, phục vụ chủ yếu tầng lớp có thu nhập cao và khách nước ngoài. Còn chủ sở hữu khu trung tâm thương mại này là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Tràng Tiền (SCIC sở hữu 90% và Tổng công ty Thương mại Hà Nội sở hữu 10% vốn điều lệ)


Nguyên Phó tổng giám đốc Vinacafe hầu tòa vì rút ruột hàng tỷ đồng

Nguyên Phó tổng giám đốc Vinacafe hầu tòa vì rút ruột hàng tỷ đồng

Cựu sếp Vinacafe làm thất thoát hàng chục tỉ đồng

Được ủy quyền vay ngân hàng, từ 2011-2012, cựu sếp Vinacafe Phạm Trung Tuyến (SN 1956, nguyên Giám đốc Trung tâm XNK Vinacafe giai đoạn từ 2011) và hai đồng phạm đã vay hàng chục tỷ đồng rồi đem cho vay lại để hưởng chênh lệch, gây thất thoát 39 tỷ đồng không có khả năng thu hồi. Ông Tuyến và đồng phạm đang phải hầu tòa vì hành vi này.

2,6 tỷ USD nhập điện thoại, linh kiện Trung Quốc

Liên quan tới tiêu dùng, theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu điện thoại và linh kiện riêng trong tháng 5/2017 của Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD, còn nếu tính cả 5 tháng đầu năm là 5,12 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số đó, điện thoại và linh kiện nhập từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 2,67 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm ngoái. Tiếp đến là Hàn Quốc với mức 1,9 tỷ USD. Phần còn lại thuộc về Nhật với khoảng 25 triệu USD, Mỹ là 35 triệu USD và một số khu vực khác.

500.000 đồng mua mỹ phẩm

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu Hương liệu Mỹ phẩm Việt Nam, thị trường mỹ phẩm Việt Nam năm 2016 đạt giá trị khoảng 2 tỷ đôla. Nếu chia cho quy mô dân số, trung bình mỗi người Việt chi hơn 20 USD, tương đương 500.000 đồng cho việc mua mỹ phẩm.

So với Hàn Quốc thì con số này khá khiêm tốn. Theo số liệu năm 2015, quy mô thị trường mỹ phẩm nước này đạt hơn 7,6 tỷ USD. Tính trung bình, mỗi người Hàn Quốc chi hơn 130 USD, tức gần 3,5 triệu đồng cho mỹ phẩm một năm.


Mỹ phầm và bia rượu là hai thị trường nhiều tiềm năng

Mỹ phầm và bia rượu là hai thị trường nhiều tiềm năng

Uống 42 lít bia một năm

Trong khi chị em thích mỹ phẩm, thì đàn ông cũng không kém cạnh về chuyện uống bia. Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2016, sản lượng bia cả nước đạt 3,786 tỷ lít, tăng 9,3% so với 2015. Chia trung bình, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 42 lít bia một năm, tăng khoảng 4 lít so với năm ngoái.

Với mức này, Việt Nam đã đứng vào top 10 thế giới về tổng dung lượng bia tiêu thụ nhưng chưa vào top 20 thị trường tiêu thụ bia bình quân theo đầu người lớn nhất thế giới.

Trong năm nay, thị trường bia Việt Nam được dự báo sẽ chạm mốc 4 tỷ lít. Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ sản xuất 4,1 tỷ lít bia vào 2020 và tăng lên 5,5 tỷ lít vào 2035.

Theo Bảo Anh
VietnamNet