Cua Kiên Giang được chở về Cà Mau để lấy thương hiệu "cua Năm Căn"
(Dân trí) - "Chúng tôi từng chứng kiến cua được chở từ Kiên Giang về Năm Căn để lấy thương hiệu Năm Căn nhưng thực chất không phải cua Năm Căn", đại biểu đặt vấn đề tại phiên chất vấn ở Cà Mau.
Được mùa, mất giá, giả thương hiệu
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh Cà Mau ngày 13/7, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, vừa qua, đơn vị này ghi nhận giá cả, sản xuất của người dân trong lĩnh vực nông lâm thủy sản cơ bản ổn định, có lãi. Tuy nhiên, trong một số thời điểm, đặc biệt là dịch Covid-19 chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá cả một số mặt hàng có xuống thấp.
"Mấy tháng đầu năm nay giá xăng dầu tăng cao, giá vật tư đầu vào, thức ăn chăn nuôi, phân bón… đều tăng, trong khi giá nông sản tăng không theo kịp nên sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn", ông Vũ nhìn nhận.
Trước tình trạng trên, ông Phan Hoàng Vũ đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có quy hoạch lại vùng nuôi phù hợp điều kiện từng khu vực, có quy mô lớn để áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hướng đến người dân sản xuất theo tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu; liên kết chuỗi giá trị các mặt hàng để làm sao người dân tham gia vào và biết bán cho ai, giá nào…
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Đô cho biết, ngành sẽ phối hợp khuyến cáo người dân sản xuất theo tín hiệu, nhu cầu thị trường.
Đại biểu Nguyễn Sơn Ca nêu vấn đề chúng ta thường nghe câu cửa miệng đó là "được mùa, mất giá". "Chúng ta sản xuất bám theo nhu cầu thị trường, quy luật là thế nhưng vấn đề quản lý nhà nước điều tiết trong việc này thì giải pháp như thế nào. Rồi chất lượng sản phẩm, giờ khi ra chợ không biết sản phẩm nào là sạch hay không sạch.
Chúng tôi từng chứng kiến cua chở từ Kiên Giang về Năm Căn để lấy thương hiệu Năm Căn nhưng thực chất không phải cua Năm Căn. Chúng ta có đảm bảo được góc độ tiêu thụ thị trường, quyền lợi người sản xuất hay không?", ông Ca nói.
Ông Nguyễn Sơn Ca cũng cho rằng, những vấn đề này đã tồn tại từ lâu nay và với cơ chế thị trường hiện nay thì chắc chắn sẽ còn nữa.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ, việc giả thương hiệu thì ngành thường xuyên thanh, kiểm tra nhưng lực lượng không phải lúc nào cũng bao phủ hết, vẫn còn trường hợp xảy ra như đại biểu đặt ra. Ngành sẽ tiếp tục quan tâm, mở rộng tiếp nhận thông tin người dân phản ánh để xử lý.
"Ai mua cũng bán là tự giết mình, phá vỡ chuỗi giá trị"
Nói thêm về tình hình sản xuất, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau, cho biết tổ chức sản xuất sản phẩm gì, đưa vào kinh doanh mua bán thế nào đạt hiệu quả nhất luôn là mong muốn của bà con, cũng là của các cấp, các ngành.
Trong thời gian gần đây, chúng ta luôn nghe cụm từ "xây dựng chuỗi giá trị". Theo ông Hải, để xây dựng được thì đòi hỏi ngay từ đầu xác định sản xuất mặt hàng gì để phát huy lợi thế, tiềm năng, đảm bảo chất lượng, sản lượng. Rồi phải tính toán quảng bá thương hiệu sản phẩm, bán ở đâu, cho ai, giá bao nhiêu… là những yếu tố rất quan trọng để làm nên chuỗi giá trị.
Theo Bí thư Cà Mau, bà con trước nay thường sản xuất không tính kỹ các yếu tố trên, lúc làm ra sản phẩm thế này, lúc làm ra sản phẩm thế khác, đặc biệt làm ra bao nhiêu, bán cho ai, giá nào thì không tính toán.
"Thậm chí, thấy người ta làm được thì mình cũng đua nhau làm, làm ra cho nhiều rồi ai mua cũng bán. Xin thưa, ai mua cũng bán là tự giết mình, phá vỡ chuỗi giá trị", ông Hải nêu quan điểm.
"Chúng tôi từng khảo sát thị trường, có những mặt hàng chúng tôi thấy rất cần, đặt vấn đề mua nhưng người ta không bán đâu. Họ nói chỉ bán qua cho ông A đó, ông muốn mua thì qua ông A đó mà mua, đó là chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối để quản lý chất lượng hàng hóa, giá cả…", ông Hải chia sẻ.
Theo Bí thư Cà Mau, chúng ta phải có chuỗi cung ứng, để đảm bảo làm sao các mặt hàng làm ra ổn định chất lượng và sản lượng đáp ứng cho nguồn cung. Hệ thống thu mua phân phối phải ổn định để chống làm hàng gian, hàng giả, cạnh tranh không lành mạnh, rối thị trường.