1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cửa hàng tiện ích, chiến lược của bán lẻ Việt

(Dân trí) - TPHCM đang xuất hiện chuỗi cửa hàng tiện ích với các sản phẩm thực phẩm tươi sống, đông lạnh… được bảo quản hợp vệ sinh. Đây được xem là một bước các doanh nghiệp bán lẻ nội có thể giữ thị phần trước sự xâm nhập của các nhà bán lẻ ngoại.

Tại cửa hàng của Vissan trên đường Lê Văn Sỹ (Q.3) gần chợ Nguyễn Văn Trỗi lúc nào cũng có đông khách đến mua hàng. Người tiêu dùng đến cửa hàng không chỉ mua thịt heo tươi, thịt sơ chế mà còn mua cả nhưng loại rau củ được đóng gói sẵn.

Tương tự như vậy, các cửa hàng Fresh CP Mart, Sagrifood lượng khách mua cũng không vắng vẻ. Điều đặc biệt là nhiều cửa hàng như trên nằm ở vị trí ngay cạnh các chợ truyền thống.

Chị Kim Phụng (Q.3) đến mua thịt và rau tại cửa hàng cho biết: “Mặc dù giá ở đây có cao hơn trong chợ nhưng rất yên tâm vì sản phẩm ở đây vệ sinh và dễ chế biến. Ít thời gian nên tôi tạt vào mua cho tiện”.

Nhiều người tiêu dùng cũng có tâm lý giống chị Phụng, yếu tố thuận tiện luôn đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, những cửa hàng thực phẩm như thế này nằm ngay mặt tiền các con đường nên người mua không phải mất khâu gửi xe như khi vào chợ.

Khởi đầu hình thức kinh doanh này là sự ra đời của hệ thống cửa hàng thực phẩm của Vissan, Fresh CP Mart (Công ty CP), Sagrifood… với mặt hàng thịt heo, thịt gà, trứng tươi sống là chủ yếu.

Đến nay Vissan đã phát triển được một mạng lưới với chuỗi 50 cửa hàng tại thành phố, còn Công ty CP thì đang có kế hoạch nâng cửa hàng của mình lên con số 30. Các doanh nghiệp này cho biết xu hướng sắp tới sẽ đa dạng hóa các mặt hàng để trở thành một dạng siêu thị nhỏ.

Không nằm ngoài xu hướng này, Sài Gòn Co.op, nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, trong những ngày cuối tháng 12 này cũng đã công bố kế hoạch phát triển chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food.

Khởi đầu cho kế hoạch này là việc khai trương cửa hàng thực phẩm an toàn và tiện lợi tại chung cư Phan Văn Trị (Q.5). Bà Trần Thị Kim Quyên, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Co.op cho biết dự kiến trong năm 2009 sẽ triển khai được khoảng 20 cửa hàng Co.op Food và lan tỏa xuống mọi góc phố trong thành phố.

Bà Kim Quyên cũng chia sẻ: “Chuỗi cửa hàng này thực chất là “cánh tay” nối dài của Co.op Mart vốn đang bị quá tải nên nó làm vai trò bổ sung đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây cũng là một trong những yếu tố để cạnh tranh khi thị trường bán lẻ mở cửa”.

Được biết, những cửa hàng như thế này sẽ bán các loại hàng thực phẩm tươi sống, đông lạnh, sơ chế sẵn… và phục vụ từ 6 giờ sáng đến 21 giờ đêm. Thêm vào đó là hình thức nhận đặt hàng qua điện thoại cho khách hàng có nhu cầu nhưng ít thời gian.

Theo phân tích thị trường của các chuyên gia kinh tế thì kinh doanh cửa hàng tiện lợi hiện là xu hướng chính. Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Pathfinder phát biểu tại Hội thảo "Thị trường bán lẻ giờ G và giải pháp" rằng: “Loại hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi đang tăng lên rất nhiều. Người tiêu dùng muốn đi mua hàng ở gần nhà vì họ không đủ thời gian”.

Hiện tại ở Việt Nam có khoảng 2.000 cửa hàng tiện ích ở khắp nơi, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Dự kiến tăng trưởng của chuỗi cửa hàng tiện lợi là 35% và sẽ đạt 8.700 tỷ đồng vào năm 2012. Như vậy, kinh doanh tiện lợi đang được các nhà bán lẻ trong nước xem là mô hình lý tưởng hiện nay.

Lê Phương