1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cửa hàng tạp hoá đang mất khách vào tay ai?

(Dân trí) - Sự thay đổi nhanh chóng trong lối sống và sở thích của người tiêu dùng đã dẫn đến sự tiếp tục gia tăng việc hình thành các cửa hàng thương mại hiện đại ở hầu hết ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Cửa hàng tạp hoá đang mất khách vào tay ai?
Việc thích mua sắm tại các cửa hàng tạp hoá đã được ăn sâu vào thói quen mua sắm tại các nền kinh tế Đông Nam Á.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA
 
Bà Nguyễn Loan (Hoàng Mai, Hà Nội) có một cửa hàng tạp hoá bán tại nhà. Hơn chục năm nay, cửa hàng nhỏ này đã nuôi sống cả gia đình 4 người nhà bà. Tuy nhiên, công việc buôn bán trong thời gian một vài năm trở lại đây không mấy suôn sẻ do người tiêu dùng đang ngày càng được tiếp cận với nhiều loại hình mua bán hiện đại hơn như siêu thị, cửa hàng tiện ích hay thậm chí là mua sắm trực tuyến.

“Giờ chỉ mua chai nước mắm, lọ tương ớt người ta cũng vào siêu thị, mua cái phong bì hay con tem cũng vào cửa hàng tiện lợi. Giới trẻ thì thậm chí là đồ ăn vặt, chai sữa tắm cũng có được xe ôm mang tới tận nhà”, bà Loan chia sẻ.

Trên thực tế, việc thích mua sắm tại các cửa hàng tạp hóa đã được ăn sâu vào thói quen mua sắm tại các nền văn hóa Đông Nam Á. Theo một thống kê của Nielsen, 43% người tiêu dùng ở Philippines mua sắm hàng tạp hóa để có một trải nghiệm thú vị và hấp dẫn, cùng với 34% người Indonesia, 32% người Việt Nam và 24% người Malaysia, so với chỉ 22% người tiêu dùng trên toàn cầu. Thế nhưng, người tiêu dùng trên toàn khu vực Đông Nam Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng cho thấy một xu hướng ngày càng tăng cho việc mua sắm tại các cửa hàng thương mại hiện đại ở hầu hết các nước.

Thống kê công bố đầu tháng 5 của Nielsen cho thấy, hơn 2/3 số người tiêu dùng Việt Nam (34%) đi mua sắm tại đại siêu thị thường xuyên hơn và 29% mua hàng tạp hóa ở siêu thị thường xuyên hơn họ đã làm cách đây 12 tháng. Cửa hàng tiện ích củng trở thành một kênh mua sắm quan trọng với 22% người tiêu dùng mua thực phẩm và hàng tạp hoá tại một cửa hàng tiện ích thường xuyên hơn trong 12 tháng qua.

Ngoài ra, theo báo cáo của Nielsen, với một vài danh mục nhất định như các mặt hàng chăm sóc cá nhân, người tiêu dùng Việt đã cho thấy ý định của mình để mua các vật phẩm như sữa tắm và dầu gội và dầu xả trực tuyến trong vòng sáu tháng tới.

Đi cùng với sự thay đổi nhanh chóng và sở thích của người tiêu dùng, hiện nay, trào lưu kinh doanh thương mại điện tử trên các mạng xã hội đang nở rộ với quy mô thị trường ngày càng lớn. Theo một Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam, khoảng 73% người sử dụng internet tại Việt Nam có truy cập vào các diễn đàn, mạng xã hội như facebook. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 45% người sử dụng internet có tham gia mua sắm qua các mạng xã hội. 

Việc kinh doanh, mua sắm trên mạng xã hội không chỉ dừng lại ở các sản phẩm giá trị vừa phải và dễ dàng vận chuyển, bảo quản như một chiếc áo hay một đôi giày… Ngay nay, chỉ với vài cái nhấn chuột, người tiêu dùng có thể mua được "cả thế giới” từ trong nước cho tới ngoài nước, từ đồ ăn thức uống cho tới cả một chiếc ô tô, xe máy… 

"Siêu thị lớn và các đại siêu thị, là các kênh đã chiếm ưu thế trong các nước phát triển trên thế giới, sẽ phát huy vai trò chủ đạo và ngày càng quan trọng trong mắt người tiêu dùng tại các nước đang phát triển ở Đông Nam Á," ông Kaushal Upadhyay, Giám đốc điều hành dịch vụ khách hàng Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc Châu Á và Thái Bình Dương phát biểu. 

Ông Upadhyay cũng cho rằng, các cửa hàng tiện ích nhỏ hơn cũng đang dần chiếm ưu thế đáng kể về thị phần và điều này có nghĩa là nhà sản xuất phải cũng phải xem xét đến việc phân phối hàng hóa dựa trên sự kết hợp hài hòa cả hai kênh. Hiểu nơi nào người tiêu dùng mua sắm và loại hàng nào họ sẽ mua sắm sẽ mang đến tầm nhìn quan trọng để hướng các chiến lược phân phối thị trường theo thị trường", ông nhấn mạnh.

Theo ông Upadhyay, các yếu tố khác được hình thành do công nghệ kỹ thuật số phổ biến trong người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á bao gồm mua sắm trực tuyến được giao đến tận nhà, trong đó đặc biệt phổ biến với người tiêu dùng Việt - 28% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng kênh này so với 25% trên toàn cầu. Và khi nói đến mua sắm trực tuyến,  61% người Việt cho rằng trang web là nơi ưa thích nhất được vào sử dụng để đặt hàng.

“Các nhà bán lẻ hiểu biết sẽ xem xét để cung cấp một chiến lược ứng dụng công nghệ kỹ thuật số bao gồm tương tác tại mỗi điểm trong quá trình quyết định mua hàng của người tiêu dùng: "Thời đại kết nối thương mại đã đến. Các nhà bán lẻ và nhà sản xuất thành công sẽ có mặt tại các giao điểm của thế giới vật lý và thế giới trực tuyến “ảo”, tận dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng bất cứ khi nào họ muốn mua hàng”, Upadhyay nói.

Phương Dung
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”