1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cú sốc giá vàng "thổi bay" 169 tỷ USD của các tập đoàn khai thác vàng

(Dân trí) – Cơn lốc giảm giá trên thị trường vàng đang khiến không ít công ty khai thác vàng đối diện nguy cơ đóng cửa. Nhiều tập đoàn khai thác vàng lớn nhất thế giới đã mất tới 169 tỷ USD giá trị vốn hóa so với mức đỉnh năm 2011 vì giá vàng lao dốc.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, việc các nhà đầu tư ngày càng quay lưng với các công ty sản xuất vàng trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu phục hồi, trong khi giá vàng tuần qua giảm mạnh nhất 3 thập kỷ đã khiến 15% các nhà khai thác mỏ không còn khả năng sinh lời.

Giá vàng lao dốc khiến nhiều công ty khai thác vàng có thể phải đóng cửa
Giá vàng lao dốc khiến nhiều công ty khai thác vàng có thể phải đóng cửa

Barrick Gold Corp và Newmont Mining Corp, hai nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới nằm trong số các công ty có tên trong bảng chỉ số các mỏ vàng của sàn FTSE đã mất tổng cộng 169 tỷ USD giá trị thị trường.

Theo tập đoàn tài chính Nomura Holdings, việc hợp đồng vàng tương lai tháng này từng có lúc giảm giá xuống 1361,1 USD/ounce đã khiến giá vàng ngày càng gần hơn chi phí sản xuất trung bình 1200 USD/ounce. Điều này khiến các nhà sản xuất như Semafo Inc. hay Golden Star Resources Ltd của Canada có nguy cơ phải đóng cửa các mỏ của mình hoặc bị sức ép lớn về tài chính.

“Bất kỳ công ty nào không thể tập trung vào nâng cao hiệu quả và giảm giá thành trong vòng 3-4 năm tới sẽ gục ngã trong điều kiện thị trường hiện nay”, Gavin Thomas, CEO của công ty khai thác vàng Kingsgate Consolidated tại Sydney, Úc cho biết.

Việc vàng lao dốc 9,3% hôm 15/4 vừa qua, mức giảm trong ngày mạnh nhất 33 năm qua, diễn ra vào đúng thời điểm các công ty sản xuất vàng đang điêu đứng. Dù giá vàng liên tục tăng 12 năm qua nhưng nhiều cổ đông của các công ty này đã không còn mấy tin tưởng vào ngành khai thác vàng, vốn đã trong tình trạng chi phí sản xuất tăng cao còn các thương vụ sáp nhập không đem lại hiệu quả.

Thay vào đó, nhà đầu tư tỏ ra hào hứng hơn với các quỹ giao dịch trao đổi (ETF), ví dụ như SPDR Gold Trust, một loại quỹ được đảm bảo bằng vàng và biến động theo giá của kim loại này.

Chỉ số FTSE vàng, theo dõi 27 công ty sản xuất vàng lớn nhất thế giới trong phiên 17/4 đã lao dốc tới 58% so với thời điểm 6/9/2011 khi giá vàng lập kỷ lục. Trong khi đó cùng thời kỳ này, chỉ số chức khoán toàn cầu MSCI All Country World Index, bao gồm 2431 cổ phiếu toàn cầu, tăng giá tới 22%.

Thiếu vốn nghiêm trọng, các công ty khai thác vàng đã buộc phải thu hẹp hoạt động từ trước khi giá vàng lao dốc. Có quá nhiều công ty khát vốn và sản xuất sẽ bị đình trệ bởi họ phải cắt giảm chi phí, John Ing, CEO của công ty môi giới Maison Placements Canada Inc tại Toronto, Canada cho biết.

“Nếu giá vàng cứ ở mức hiện này, bạn sẽ thấy một loạt công ty nhỏ đóng cửa, ngừng sản xuất còn các công ty lớn thì rút lui khỏi những dự án mới”, Ken Hoffman, một nhà phân tích của Bloomberg dự báo.

Nhà phân tích thị trường vàng Tyler Broda của tập đoàn Nomura tại London thì cho biết những công ty chỉ dựa vào một một tài sản duy nhất và những công ty làm ăn tại châu Phi hiện đã phải vật lộn do rủi ro địa chính trị tăng trong những năm qua, sẽ còn càng khó khăn hơn trong việc thuyết phục các ngân hàng tài trợ cho dự án của mình.

Với mức giá hiện tại “có lẽ khoảng 15% các công ty khai thác vàng toàn cầu theo tính toán của chúng tôi đang bị lỗ”, Broda nói tiếp. Ông dự báo giá vàng có thể xuống tới 1000 USD/ounce trong năm nay.

“Golden Star, cũng giống như các nhà sản xuất vàng khác, đang đánh giá tác động của việc giá đi xuống đối với ngân sách và kế hoạch sản xuất”, CEO am Coetzer của công ty này tiết lộ. “Chúng tôi cũng đang rà soát cơ cấu vốn trong kế hoạch cho năm 2013”.

Một số công ty khác thì đã lên kế hoạch cắt giảm chi phí. Petropavlovsk Plc, một công ty khai thác mỏ vàng tại Nga có trụ sở tại London đang tính đến chuyện tạm dừng kế hoạch đầu tư mà họ từng xem là then chốt và cắt giảm chi phí thăm dò nếu giá vàng còn thấp. Chủ tịch Peter Hambro khẳng định.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg