“Cụ” mai vàng Yên Tử, chết đi sống lại giá tiền tỷ
Cây mai vàng Yên Tử cổ thụ được khai thác khi sự sống chỉ còn 1% nhưng đã hồi phục thần kỳ sau khi được đưa xuống núi chăm sóc
Xuất hiện tại triển lãm cây cảnh thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), tác phẩm mai vàng cổ thụ có tên “Thiên phúc Yên Tử” được giới chơi cây cảnh quan tâm.
Chủ nhân của tác phẩm là anh Hoàng Lâm (Đông Triều), anh Lâm được coi là ông “vua” mai vàng Yên Tử, sở hữu gần 200 cây mai cổ thụ được khai thác từ núi rừng Yên Tử.
Anh Lâm cho biết, tác phẩm này được khai thác từ núi rừng Yên Tử cách đây 5 năm. Theo đánh giá của giới chơi cây, tác phẩm phải có tuổi đời vài trăm năm bởi toàn thân cây đã hóa thạch
Theo anh Lâm, tác phẩm có tên “Thiên phúc Yên Tử” có ý nghĩa là phúc đức trời ban cho núi rừng Yên Tử.
"Cụ" mai vàng Yên Tử có vanh (tròn) gốc gần 100cm, vanh thân gần 100cm, cao hơn 1m
Thân uốn lượn, dáng trầu.
Anh Lâm cho biết, cây mai này được những người thợ khai thác cây tìm thấy sâu trên rừng núi Yên Tử nhưng tưởng đã chết và vứt lại rừng.
Sau 1 tháng bị vứt trên cạn, một đội khai thác khác tìm ra nhưng sợ cây không sống được nên lại vứt cây xuống suối. Đến khi đội khai thác thứ 3 tìm được thì sự sống của cây chỉ còn khoảng 1%.
Sau một thời gian chăm sóc, cây phát triển tốt, người chủ cũ bán lại cho anh Lâm.
Anh Lâm phối cây theo dáng mẫu tử: 1 mẹ, 4 con. 4 cây nhỏ phía dưới có 1 cây anh không uốn, tượng trưng cho người con út được mẹ và các anh bao bọc.
Để tác phẩm ý nghĩa anh Lâm thêm một số tượng nhỏ thể hiện cuộc sống nhân sinh trong núi rừng yên tử.
Trên cây anh Lâm còn ký một ít lan vẩy rồng cho phù hợp với ý nghĩa của cây
Toàn bộ thân cây như hóa đá chứng tỏ cây nhiều năm tuổi.
Hiện cây đã đạt yếu tổ cổ - kỳ, khoảng 2 năm nữa cây sẽ đạt yếu tố mỹ. Một cây bonsai thường phải hội tụ đủ 3 yếu tố đó.
Nói về giá trị của cây, anh Lâm chia sẻ, chưa có ý định bán bởi nó không giống sanh, si, đa, đề. Hiện tại nếu chuyển nhượng giá của cây cũng phải tiền tỷ.
Theo Hồng Phú
Dân Việt