1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

CPI tháng Tết tại Hà Nội, TPHCM đều dưới 1%

(Dân trí) - Mức lạm phát trong tháng 1 tại hai trọng điểm kinh tế Bắc, Nam lần lượt là 0,96% và 0,89% cho thấy trong năm nay, người dân hai miền đã thắt chặt “hầu bao” hơn nhiều trong chi tiêu Tết.

CPI tháng Tết tại Hà Nội, TPHCM đều dưới 1% - 1

Năm nay, người dân hai miền ăn Tết khiêm tốn hơn mọi năm (ảnh minh họa).
 
Ngày 20/10, cơ quan các Cục Thống kê hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã lần lượt cung cấp số liệu về chỉ giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2012. 
 
Theo đó, CPI tháng 1 tại Hà Nội tăng 0,96% so tháng trước trong khi tại TPHCM chỉ số này thấp hơn, tăng 0,89%.
 
Số liệu lạm phát tháng Tết năm nay phản ánh mức chi tiêu người dân đã chặt chẽ hơn trong bối cảnh kinh tế nhiều khó khăn.
 
Riêng CPI tháng 1 Hà Nội đã ở mức thấp nhấp so cùng kỳ các năm trước, chỉ bằng chưa đầy một nửa mức tăng 2% tháng giáp Tết một số năm trở lại đây hay mức xấp xỉ 4% năm 2008.
 
Nhìn chung, người dân cả hai miền trong năm nay ăn Tết không phải chịu sức ép vì tăng giá lương thực. Nguyên nhân một phần vì sản lượng xuất khẩu nhóm hàng ngày gần đây sụt giảm, thị trường tiêu thụ toàn cầu khó khăn hơn nên đã quay trở lại cung ứng tốt hơn cho thị trường trong nước.
 
Tại Hà Nội, CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,17% so với tháng trước. Cụ thể, lạm phát lương thực chỉ ở mức 0,44% so với tháng trước, nhóm thực phẩm tăng giá 1,51% và giá ăn uống ngoài gia đình tăng 0,68%.
 
Tương ứng với tình hình chi tiêu cho ăn uống tại Thủ đô, CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,67%. Mức tăng giá lương thực tại TPHCM là 0,03%, thực phẩm 0,53%.
 
Trong năm nay, người dân ở thành phố sầm uất nhất nước này vẫn cho thấy thói quen trong chi tiêu của mình, phản ánh ở mức tăng chi phí ăn uống ngoài gia đình 1,23%.
 
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng nhiều dịp Tết như lệ thường đề mức tăng giá tăng cao. Tại TP HCM, CPI nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,66%, trong khi ở Hà Nội là 0,94%.
 
Trong việc tiêu thụ các mặt hàng may mặc, mũ nón, giày dép hay văn hóa, giải trí và du lịch, thì cầu tiêu dùng ở TPHCM vẫn vượt trội Hà Nội. Lạm phát giá trong khu vực này ở TPHCM  lần lượt là 2,33% và 1,48% cao hơn rất nhiều so Hà Nội là 1,47% và 1,15%.
 
Thời điểm cuối năm, khi các công trình đang gấp rút hoàn thành tiến độ thì giá nguyên phụ liệu liên quan cũng tăng đáng kể. Ở Hà Nội, CPI nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đã tăng 1,53%, thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,86%. Còn tại TPHCM. Các chỉ số này lần lượt là 1,51% và 1,31% tương ứng.
 
Nhu cầu di chuyển trong dịp Tết lớn cũng đã đẩy giá chi tiêu trong nhóm giao thông của TPHCM lên 1,21% so tháng trước.
 
Như vậy, con số lạm phát phần nào tái khẳng định là đánh giá của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình mới đây, cho rằng, năm nay người dân sẽ ăn Tết khiêm tốn hơn và các doanh nghiệp cũng không hoành tráng như các năm trước. Cùng thời điểm một năm về trước, nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu lại hồ hởi “Chưa bao giờ lịch sử Việt Nam lại ăn một cái Tết lớn như vậy!”. Điều này cho thấy, chi tiêu của người dân đã trở nên thận trọng hơn rất nhiều, trên một góc nhìn tích cực là đã bớt lãng phí hơn.
Bích Diệp