Coteccons sẽ tìm cách thu hồi công nợ hàng trăm tỷ đồng của Tân Hoàng Minh
(Dân trí) - Lãnh đạo Coteccons cho biết nếu không phải trích lập dự phòng khoản phải thu hàng trăm tỷ đồng của Tân Hoàng Minh, kết quả lợi nhuận năm 2022 sẽ tốt hơn nhiều.
Trong buổi đối thoại trực tuyến giữa ban lãnh đạo Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) với nhà đầu tư chiều 16/1, một cổ đông đặt câu hỏi hiện tại nhà thầu này có thực hiện dự án nào liên quan đến các tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC hay không và rủi ro như thế nào.
Trả lời nhà đầu tư, Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov cho biết Tân Hoàng Minh từng là khách hàng của công ty. Nhà thầu này đã xây một số dự án cho Tân Hoàng Minh và không may phải trích lập dự phòng khoảng 480 tỷ đồng trong vòng 2 năm liên tiếp đối với các khoản công nợ phải thu từ chủ đầu tư này. Theo ông, bộ phận pháp chế đang nỗ lực tìm giải pháp để thu hồi khoản nợ này.
Chủ tịch Coteccons cũng cho biết nếu không phải trích lập dự phòng khoản phải thu rất lớn của Tân Hoàng Minh, kết quả kinh doanh của công ty năm 2022 sẽ tốt hơn rất nhiều. Tuy vậy, công ty phải lập dự phòng để đảm bảo quản trị rủi ro.
Với Vạn Thịnh Phát, ông Duisenov thông tin tập đoàn này từng giao cho Coteccons dự án IFC Saigon Tower One tại TPHCM. Công ty đã bắt đầu khởi công dự án này nhưng sau đó gặp một số bất đồng với chủ đầu tư. Hai bên không tìm được tiếng nói chung trong cách làm việc nên Coteccons đã dừng lại, rút khỏi dự án và chi phí đã bỏ ra chỉ ở mức rất thấp. Ngoài ra, công ty không có dự án nào của FLC.
Tổng giám đốc Coteccons Võ Hoàng Lâm cũng thông tin thêm, trước đây công ty không trích lập dự phòng. Tuy nhiên, từ năm 2021-2022, với bất kỳ khoản phải thu nào có phát sinh rủi ro, công ty cũng làm việc với các đơn vị kiểm toán đánh giá nội bộ để đưa vào trích lập dự phòng nhằm đảm bảo an toàn tài chính. Sau đó, nhà thầu này vẫn tiếp tục nỗ lực thu hồi công nợ và sẽ hoàn nhập khi thu được nợ.
Kế toán trưởng của công ty Cao Thị Mai Lê cho biết, theo những dự án nhà thầu này đang tham gia đều có giá trị hợp đồng lên tới nghìn tỷ đồng, có đặc thù giai đoạn bàn giao và quyết toán, tiến độ thanh toán sẽ chậm lại, mất nhiều thời gian. Đó là lý do khoản phải thu trên báo cáo tài chính vẫn còn lớn và chưa giảm nhiều. Tuy nhiên, bà khẳng định tin đồn con số 2.600 tỷ đồng nợ khó đòi của Coteccons đối với các chủ đầu tư là không chính xác.
Công ty đã thành lập hội đồng thu nợ, ban quản trị nợ rủi ro. Định kỳ, công ty sẽ ngồi lại để kiểm soát các khoản nợ xấu, dựa vào sức khỏe tài chính chủ đầu tư, tình hình thị trường để quyết định khoản nợ này có phải là nợ xấu hay không. Sau khi đánh giá nội bộ dựa trên nguyên tắc thận trọng và minh bạch, công ty sẽ trích lập dự phòng.
Ban lãnh đạo công ty thông tin thêm tổng doanh thu năm 2022 đạt khoảng 14.500 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 97% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt mục tiêu 20 tỷ đồng.