Công ty Đức Minh nói gì về nghi vấn nâng giá kit xét nghiệm Covid-19?
(Dân trí) - Đức Minh cho biết, công ty "không những không nâng giá mà còn thường xuyên giảm giá", bán đồng nhất giá cho các khách hàng tại từng thời điểm và không cao hơn giá đăng ký công khai.
Doanh nghiệp phủ nhận việc nâng giá sản phẩm
Trao đổi với Dân trí, đại diện công ty Đức Minh cho biết, thông tin về mức giá công ty nhập bộ xét nghiệm giá 96.000 - 150.000 đồng, bán cho bệnh viện 295.000 - 395.000 đồng là chưa chính xác.
"Mức giá 395.000 đồng công ty chưa bao giờ bán, chúng tôi cũng có bán nhưng luôn thấp hơn mức 395.000 đồng. Hơn nữa, mức giá bán ra của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào mức giá nhập khẩu ở từng thời điểm. Chúng tôi nhập khẩu số lượng nhỏ, chứ không phải nhập khẩu số lượng hàng triệu test một lần như con số Tổng cục Hải quan đưa ra", đại diện công ty Đức Minh nói.
Ngoài ra, công ty Đức Minh cũng thừa nhận, số lượng hàng mà doanh nghiệp nhập khẩu do Tổng cục Hải quan đưa ra là chính xác. Tuy nhiên, số lượng trên bao gồm cả hàng doanh nghiệp nhập khẩu để kinh doanh và nhập khẩu cho bên thứ 3 (nhập khẩu dạng ủy thác).
Đại diện công ty Đức Minh cũng khẳng định, giá bán tại từng thời điểm có khác nhau, nhưng đều theo hướng giảm giá dần theo thời gian, đồng thời giá bán tại từng thời điểm là thống nhất trên toàn quốc và công khai công bố với Bộ Y tế.
"Trong quá trình cung cấp sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp không những không nâng giá mà còn thường xuyên giảm giá, bán đồng nhất giá cho các khách hàng tại từng thời điểm và không cao hơn giá đăng ký công khai từng đợt công bố với Bộ Y tế", công ty Đức Minh nhấn mạnh.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng nêu rõ, ở thời điểm đầu dịch, do số lượng nhà sản xuất ít, giá nguyên liệu cao dẫn đến giá nhập khẩu cao vì thế mà giá bán cao. Sau khi quy mô sản xuất được mở rộng, nhiều nhà sản xuất hơn, nguồn cung nhiều hơn vì thế nhà sản xuất giảm giá cung cấp theo sự biến động của thị trường. Trên cơ sở giá nhập khẩu giảm, doanh nghiệp đã công bố giảm giá bán ra và thông báo công khai với các khách hàng.
Có "nhầm lẫn" về số lượng?
Công ty Đức Minh cho biết, sản phẩm test nhanh mà doanh nghiệp nhập khẩu từ Hàn Quốc là 25 triệu test, không phải là 41 triệu test như thông cáo báo chí của Tổng cục Hải quan.
Trong khoảng 25 triệu test đó công ty đã thực hiện dịch vụ nhập khẩu ủy thác cho bên thứ 3 là 5,94 triệu test và làm dịch vụ nhập khẩu 18 triệu test theo Quyết định số 7060/QD-BYT-KH-TC ngày 26/8/2021 (bên thứ 3 trực tiếp đàm phán và ký hợp đồng với nhà sản xuất, công ty Đức Minh thực hiện dịch vụ nhập khẩu). Đại đa số các kit test nhanh này cũng được bên thứ 3 sử dụng cho mục đích tài trợ và hỗ trợ cung cấp phi lợi nhuận cho các cơ sở y tế trong nước.
Do đó, trong tổng số lượng đã nhập khẩu, số lượng test nhanh Covid-19 mà Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh nhập khẩu ủy thác và làm dịch vụ nhập khẩu cho bên thứ 3 chiếm tỷ trọng 92,57%. Số lượng test mà công ty Cổ phần Y tế Đức Minh kinh doanh, cung cấp trực tiếp cho các cơ sở y tế chỉ chiếm 7,27% (bao gồm cả tài trợ cho các cơ sở y tế và các đơn vị phòng chống dịch). Số lượng nhập viện trợ của nhà sản xuất cho Bộ Y tế cùng các cơ sở y tế - hỗ trợ các đơn vị phòng chống dịch là 0,15%.
Còn test xét nghiệm Covid-19 dùng cho máy PCR được nhập khẩu từ Tây Ban Nha có số lượng 1,1 triệu test, trị giá 121 tỷ đồng, trong đó 1 triệu test công ty đã thực hiện dịch vụ nhập khẩu ủy thác cho bên thứ 3 để sử dụng cho mục đích tài trợ và các chương trình từ thiện.
Test xét nghiệm Covid-19 dùng cho máy PCR được nhập khẩu từ Hàn Quốc có số lượng 8,2 triệu test, trị giá 806 tỷ đồng, trong đó 8 triệu test công ty đã thực hiện dịch vụ nhập khẩu theo Quyết định số 7060/QD-BYT-KH-TC ngày 26/8/2021 để bên thứ 3 sử dụng cho mục đích tài trợ và hỗ trợ cung cấp phi lợi nhuận cho các cơ sở y tế trong nước (bên thứ 3 trực tiếp đàm phán và ký hợp đồng với nhà sản xuất, công ty Đức Minh thực hiện dịch vụ nhập khẩu).
Do đó, trong tổng số lượng đã nhập khẩu, số lượng test xét nghiệm Covid-19 dùng cho máy PCR mà Công ty Cổ phần Y tế Đức Minh đã nhập khẩu ủy thác và làm dịch vụ nhập khẩu cho bên thứ 3 chiếm tỉ trọng 95,89%. Cung cấp trực tiếp cho các cơ sở y tế là 4,11% (bao gồm cả tài trợ cho các cơ sở y tế và các đơn vị phòng chống dịch).