Kit test nhanh Covid-19: Loạn giá, vênh cả trăm nghìn đồng/bộ

(Dân trí) - Cùng một bộ kit test nhanh Covid-19, người tiêu dùng phải trả từ 145.000 - 250.000 đồng, nghĩa là, giá mỗi bộ kit test đang vênh cả trăm nghìn đồng.

Loạn giá kit test nhanh Covid-19

Một số người kinh doanh trang thiết bị y tế cho biết, hiện nay khi bán kit test nhanh, dân buôn đang lãi khoảng 50.000 đồng/bộ. Thời điểm trước đó, tiền lãi có thể trên dưới 100.000 đồng.

Anh Nguyễn Vinh - một người kinh doanh trang thiết bị y tế tại TP Thủ Đức - chia sẻ một bộ kit test nhanh Humasis đang được anh bán sỉ giá 95.000 đồng/bộ và bán lẻ 110.000 đồng/bộ, tất cả đều đã bao gồm thuế VAT. Anh Vinh khẳng định đây là kit test nhanh bán chạy hàng đầu trên thị trường.

Theo anh Vinh, thị trường cũng đang bán loại kit test nhanh hiệu Trueline do Việt Nam sản xuất, giá bán sỉ khoảng 82.000 đồng/bộ, giá bán lẻ từ 100.000 - 105.000 đồng/bộ.

Kit test nhanh Covid-19: Loạn giá, vênh cả trăm nghìn đồng/bộ - 1

Một bộ kit test nhanh Covid-19 có giá từ 145.000 - 250.000 đồng, tùy vào thời điểm (Ảnh: Đ.V).

Anh Vinh nhận định, giá kit test nhanh đang phụ thuộc hoàn toàn vào người bán. Nếu người bán chia sẻ với người tiêu dùng, họ sẽ chấp nhận lãi ít và ngược lại. "Mỗi bộ test đang được bán với giá từ 150.000 - 250.000 đồng thì dân buôn đã lãi quá đậm" - anh Vinh đánh giá.

Cũng theo giới kinh doanh trang thiết bị y tế tại TPHCM, các loại kit test nhanh thịnh hành tại thành phố đang có giá sỉ dao động từ 82.000 - 96.000 đồng/bộ, tùy vào chất lượng, xuất xứ. Các loại kit test nhanh xuất xứ từ Hàn Quốc chiếm khoảng 60% thị trường, 40% còn lại có sản xuất ở Việt Nam, Trung Quốc, châu Âu.

Test nhanh Covid-19 bằng nước bọt bán chạy

Phương pháp test nhanh Covid-19 lấy dịch tỵ hầu (ngoáy mũi) khiến một số người sử dụng nhiều khó chịu, gây đau tức. Gần đây, mọi người chia sẻ với nhau về một loại test nhanh khác, lấy mẫu bằng nước bọt.

Chị Phương Hằng (quận 10, TPHCM) nói đang bán kit test nhanh lấy mẫu bằng nước bọt hiệu Realy Tech, Mr Sanicom của Đức, đồng giá 136.000 đồng/bộ. "Đây là hàng của Đức nên yên tâm sử dụng, kết quả chính xác đến 99%" - chị Hằng khẳng định.

Theo người bán hướng dẫn, chỉ cần cho nước bọt vào ống thử, lắc đều, sau đó nhỏ 3 giọt vào khay thử, chờ 10-15 phút sẽ có kết quả. Mỗi tháng, chị Hằng kể bán từ 500-700 bộ test nhanh bằng nước bọt.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, sản phẩm Realy Tech mà chị Hằng giới thiệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngoài ra, trên thị trường hiện có nhiều loại test nhanh lấy mẫu nước bọt, như PCL (Hàn Quốc), Longsee (Đức) với giá bán lẻ dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/bộ.

Kit test nhanh Covid-19: Loạn giá, vênh cả trăm nghìn đồng/bộ - 2

Một bộ test nhanh Covid-19 bằng nước bọt (Ảnh: Đ.V).

Ông Trần Dũng, người kinh doanh thiết bị y tế tại quận 3, chia sẻ hiện giá kit test nhanh lấy mẫu nước bọt đã "hạ nhiệt" so với đầu tháng 9.

Cụ thể, đầu tháng 9, một bộ test nhanh Mr Sanicom có giá 140.000 đồng, nay hạ còn 100.000 đồng/bộ. Nhiều loại test nhanh khác cũng được người bán giảm giá từ 20 - 35%.

Ông Dũng cho hay, trong vài ngày qua dân kinh doanh đã chủ động nhập kit test về số lượng hạn chế hơn, do dư luận người dân phản ứng với việc test "vô tội vạ", gây phiền phức, tốn kém.

Ông Dũng nhận định, loại kit test nhanh dùng phương pháp "ngoáy mũi" vẫn bán chạy hơn so với loại test lấy mẫu nước bọt. Lý do bởi nhiều kit test bằng nước bọt vẫn chưa được cấp phép lưu hành tại thị trường Việt Nam. Điều này khiến người tiêu dùng e ngại trong việc lựa chọn, sử dụng sản phẩm.

 Điều kiện để shipper hoạt động trở lại

Điều kiện để shipper được tham gia hoạt động sau khi TPHCM áp dụng Chỉ thị 18, nới lỏng giãn cách từ ngày 2/10 là tiêm vắc xin đủ liều hoặc đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin ít nhất 14 ngày. Ngoài ra, shipper đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh, đã hoàn thành thời gian cách ly, trong vòng 180 ngày tính từ khi khỏi bệnh có giấy xác nhận cũng được hoạt động.

Doanh nghiệp có nhiệm vụ gửi danh sách shipper về Sở Công Thương để đưa vào cơ sở dữ liệu quản lý shipper được phép hoạt động và tra cứu trực tuyến trên website Sở Công Thương Kết quả cập nhật dữ liệu shipper sẽ được Sở thông báo đến doanh nghiệp. 

Sở Công Thương TPHCM yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 đối với các shipper trước khi doanh nghiệp đề nghị cập nhật danh sách shipper được phép hoạt động. Đối với xét nghiệm định kỳ, Sở đề nghị thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế.

Kết quả xét nghiệm định kỳ phải được cập nhật ngay lên cơ sở dữ liệu dùng chung của TPHCM theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông. Trường hợp có shipper dương tính với SARS-CoV-2, doanh nghiệp phải báo ngay với Sở Công Thương để tạm xóa dữ liệu shipper trên website của Sở, đồng thời tạm tắt ứng dụng của shipper trên hệ thống.

Shipper tiếp tục thực hiện quy định trang bị nhận diện (bảng tên có mã QR, băng đeo tay) theo Công văn số 2491/UBND-ĐT ngày 26/7 của UBND TPHCM về tăng cường quản lý hoạt động xe mô tô ứng dụng công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết.

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm lập, lưu trữ dữ liệu về shipper và quá trình hoạt động của shipper để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu nếu có của cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp cũng chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp để shipper vi phạm quy định về phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình hoạt động.

Tiêu chí để doanh nghiệp mở cửa hoạt động

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, nhân viên đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thể đi làm được ngay. Doanh nghiệp muốn hoạt động trở lại phải đảm bảo bộ tiêu chí an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với doanh nghiệp công nghệ thông tin thì có một bộ tiêu chí riêng dành cho những doanh nghiệp này.

Nội dung cơ bản của tiêu chí an toàn là áp dụng quy trình 5K, người lao động tiêm đủ 2 mũi vắc xin, phải có bộ phận giám sát và bộ phận y tế riêng của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải xây dựng được phương án sản xuất an toàn, trong đó phải thể hiện được các giai đoạn hồi phục.

"Bộ tiêu chí này phổ biến ra thì doanh nghiệp cứ thế mà làm và tổ chức sản xuất trở lại. Doanh nghiệp cần phải có giai đoạn khởi động, rồi tăng tốc và về đích, tức hoạt động bình thường" - ông Hoan nói.

Về phần kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động, ông Hoan cho biết cơ quan chức năng sẽ "hậu kiểm" xem doanh nghiệp có thực hiện đúng theo phương án sản xuất hay không. Giám đốc doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp sẽ là người chịu trách nhiệm về tình hình dịch bệnh của công ty mình nếu để xảy ra sự cố.

Theo ông Hoan, doanh nghiệp đã xây dựng phương án sản xuất an toàn thì có thể mở cửa hoạt động. Cụ thể, các doanh nghiệp nằm ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm Quang Trung… thì gửi phương án sản xuất an toàn cho chính quyền địa phương. Những doanh nghiệp còn lại gửi phương án sản xuất cho Ban quản lý khu.

Cũng theo ông Hoan, doanh nghiệp trở lại hoạt động cần có lộ trình cụ thể, không thể mở cửa là hoạt động 100% như bình thường khiến việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn.