Công khai giá để hạn chế thị trường ngầm

(Dân trí) - “Với luật Giá, Việt Nam sẽ có một môi trường pháp lý công khai, minh bạch để quản lý, điều hành giá, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm”- Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung nói trong buồi công bố luật chiều 16/7.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, với 5 chương, 48 điều, luật Giá có điểm mới so với pháp lệnh trước đó là quy định chế độ phải công khai thông tin về giá đối với cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, góp phần làm cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, hạn chế thị trường ngầm, tạo ra sự đồng thuận chung trong xã hội về chủ trương quản lý, điều hành giá để có những phản ứng tâm lý tích cực của người tiêu dùng.
 
Công khai, niêm yết giá là công cụ quan trọng để điều hành giá cả thị trường.
Công khai, niêm yết giá là công cụ quan trọng để điều hành giá cả thị trường.

Pháp lệnh giá trước đây quy định về điều hành giá của Nhà nước, sau đó mới quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh và không có quy định quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng. Luật Giá quy định rõ ràng hơn về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng trong lĩnh vực giá, sau đó mới quy định về hoạt động điều tiết giá của Nhà nước.

Luật Giá cũng đã quy định rõ về nghĩa vụ niêm yết giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để quy định này đi vào cuộc sống.

Thứ trưởng Trương Chí Trung đánh giá, với việc Luật giá được thông qua, Việt Nam sẽ có một môi trường pháp lý công khai, minh bạch để quản lý, điều hành giá của toàn bộ nền kinh tế phù hợp với cơ chế thị trường và cam kết quốc tế; là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần giúp Việt Nam được cộng đồng quốc tế xem xét, công nhận là nền kinh tế thị trường.

Môi trường pháp lý này sẽ là căn cứ để điều hành giá cả vận động theo các quy luật kinh tế khách quan nhưng không thoát ly vai trò điều tiết của Nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, xác lập nguồn thu hợp lý và ổn định, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của xã hội, làm lành mạnh nền tài chính quốc gia…

Chiều 16/7, Văn phòng Chủ tịch nước cũng tổ chức công bố Nghị quyết số 29/2012/QH13 về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 21/6/2012.

Quốc hội đồng ý giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, không bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; sản xuất hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; xây dựng công trình hạ tầng kinh tế xã hội cũng được giảm 30% số thuế thu nhập phải nộp năm nay.

Thứ trưởng Trương Chí Trung nhận định, chính sách này nâng tổng số vốn hỗ trợ thị trường năm 2012 lên khoảng 40.000 tỷ đồng. “Đây là mức hỗ trợ lớn, sẽ tác động rất mạnh để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế. Chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm giúp doanh nghiệp có môi trường hoạt động lành mạnh hơn trong điều kiện có hạn” – ông Trung nói.

Thứ trưởng Tài chính xác nhận, việc này chắc chắn sẽ tác động đến chỉ số tăng giá tiêu dùng CPI theo hướng kiểm soát tốt hơn chỉ số lạm phát theo đúng kế hoạch đã định.

P.Thảo