1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Công chứng hợp đồng ủy quyền - hành vi trốn thuế hợp pháp?

(Dân trí) - Thảo luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội cho rằng, tình trạng công chứng hợp đồng, ủy quyền có nội dung nhân danh một người để chuyển quyền sử dụng là một trong những hành vi trốn thuế hợp pháp.

Gian nan nghề công chứng viên (ảnh minh họa)
Gian nan nghề công chứng viên (ảnh minh họa)

Cân nhắc khi xóa bỏ công chứng nhà nước

Chiều 12/11, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Công chứng sửa đổi. Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng, trong thực tế hiện nay tình trạng công chứng, công chứng hợp đồng, ủy quyền có nội dung nhân danh một người để chuyển quyền sử dụng đất, bán nhà, bán xe ô tô, xe mô tô rất phổ biến.

“Bản thân tôi biết theo quy định hiện hành thì không sai, nhưng đây là một trong những hành vi trốn thuế hợp pháp. Thậm chí, trong hợp đồng ủy quyền còn cho phép ủy quyền cho bên thứ 3, thời hạn ủy quyền có trường hợp lên đến 10 năm hoặc 20 năm”, đại biểu nhấn mạnh.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Trước thực trạng này, đại biểu Phương kiến nghị, Luật sửa đổi cần quy định rõ ràng hơn hành vi thực hiện việc công chứng để tránh tình trạng công chứng ủy quyền như hiện nay.

Cho rằng cần thiết sửa đổi Luật công chứng, nhưng đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng) không đồng tình với việc xóa bỏ các phòng công chứng nhà nước. Theo đánh giá của đại biểu, công chứng hay các dịch vụ pháp lý nói chung đều là dịch vụ mà nhà nước phải bảo đảm cho người dân. Nhất là với điều kiện thủ tục hành chính trong giao dịch dân sự ở nước ta còn nhiều bất cập. Nhiều loại giấy tờ nhiêu khê và nhiều giao dịch dân sự được pháp luật quy định phải công chứng. Do đó, bất kỳ sự mở rộng nào ra khu vực tư nhân đều chỉ được coi là dịch vụ do người dân tự nguyện lựa chọn.

Tương tự việc quy định cho chủ tịch tỉnh có thẩm quyền xem xét mức độ cần thiết để định đoạt số phận của các phòng công chứng, đại biểu Lan cho “là không hợp lý”. Vì như vậy sẽ có những địa phương không có công chứng nhà nước và gây bất lợi cho người dân. Hơn nữa mức độ nào được cho là cần thiết cũng rất mơ hồ.

“Vì vậy, tôi đề nghị luật nên được xây dựng theo hướng là chất lượng dịch vụ và sự thuận tiện cho người dân lên hàng đầu, đồng thời bảo đảm cung cấp các dịch vụ này bởi nhà nước ở mọi khu vực khắc phục tình trạng khuyết thiếu hoạt động công chứng ở một số vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo nơi không có các văn phòng công chứng”, đại biểu nhấn mạnh.

Cũng về quy định thành lập phòng công chứng, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề xuất nên quy định Ủy ban nhân dân tỉnh được quyền quyết định thành lập phòng công chứng. “Như thế rõ ràng hơn, chứ không phải là trường hợp cần thiết nữa, bởi vì họ chỉ quy định ở nơi mà chưa có điều kiện phát triển phòng công chứng”, đại biểu nói.

Quy định chặt chẽ hơn với công chứng viên

Đề cập tới quy định việc miễn đào tạo nghề công chứng,đại biểu Tô Văn Tám cho biết: Trong báo cáo của Bộ Tư pháp nêu lên các sai phạm trong hoạt động công chứng thì có đến 80% vi phạm tập trung ở nhóm đối tượng được miễn đào tạo tập sự nghề công chứng. Do đó, đại biểu đề nghị luật xem xét thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, nhưng phải trải qua quá trình tập sự.

Đại biểu Phạm Văn Gòn (TPHCM) lại bày tỏ sự thống nhất cao với quy định tiêu chuẩn công chứng viên, nhất là độ tuổi công chứng viên hành nghề đến 65 tuổi không phân biệt nam, nữ.

“Tôi cho là phù hợp, độ tuổi như vậy là cần thiết để đảm bảo công chứng viên đủ sức khỏe, minh mẫn, hành nghề. Vì đây là một nghề đặc biệt nó dễ gây hậu quả không lường, nếu có sai sót và tiêu cực trong công chứng”, đại biểu bày tỏ quan điểm.

Nói về quy định người được miễn đào tạo công chứng, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) cho hay, trước khi được bổ nhiệm công chứng viên thì người đó phải tham gia bồi dưỡng nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng và phải tập sự hành nghề công chứng. Thời gian của khóa bồi dưỡng là 3 tháng, người hoàn thành khóa bồi dưỡng được cấp giấy chứng nhận.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đồng tình với định hướng xây dựng dự án luật là lấy công chứng viên làm trung tâm cho các quy định, chất lượng công chứng viên là nhân tố quan trọng quyết định cho chất lượng hoạt động công chứng.

Bởi theo đại biểu: “Công chứng là nghề đặc thù mà không phải bất kỳ ai có trình độ pháp luật, có thời gian công tác lâu năm đều trở thành công chứng viên. Nghề công chứng đòi hỏi kiến thức rất sâu, vừa cụ thể mà lại toàn diện về mặt pháp luật dân sự, kinh tế, thương mại, hôn nhân gia đình, đất đai… Không những thế, nghề công chứng đòi hỏi hàng loạt kỹ năng chuyên sâu như là kỹ năng nhận biết giấy tờ thật giả cũng như đánh giá năng lực, hành vi dân sự của cá nhân…”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cũng cho rằng: “Nhân tố quan trọng nhất quyết định chất lượng hoạt động công chứng là công chứng viên nhưng tại trang 14 báo cáo tổng kết nhận định rằng phần lớn các công chứng viên yếu kém là các công chứng viên được miễn đào tạo và miễn tập sự hành nghề công chứng. Tôi đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định chặt chẽ hơn tiêu chuẩn công chứng viên nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ này”.

Nguyễn Hiền
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm