1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Con số báo động về hoạt động sản xuất của Trung Quốc

(Dân trí) - Giá nguyên liệu thô tăng cao cùng thời tiết cực đoan khiến cho hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 7 tăng với tốc độ chậm nhất trong 17 tháng qua.

Điều này làm gia tăng lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Con số báo động về hoạt động sản xuất của Trung Quốc - 1

Hoạt động sản xuất của các nhà máy Trung Quốc đang tăng chậm nhất trong 17 tháng qua (Ảnh: Reuters)

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức trong lĩnh vực sản xuất đã giảm từ mức 50,9 điểm vào tháng 6 xuống còn 50,4 điểm trong tháng 7. Mặc dù chỉ số PMI vẫn duy trì trên mốc 50 điểm song vẫn thấp hơn mức dự đoán 50,8 của các nhà phân tích trước đó.

Đây là con số thấp nhất kể từ khi chỉ số này giảm xuống mức 35,7 vào hồi tháng 2 năm ngoái sau khi Trung Quốc bắt đầu đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Một quan chức của NBS cho biết, chỉ số phụ của PMI về sản xuất đã trượt xuống 51,0 từ mức 51,9 vào tháng 6 do bảo trì thiết bị và thời tiết khắc nghiệt. Chỉ số phụ đặt hàng mới cũng giảm xuống 50,9 từ mức 51,5, cho thấy nhu cầu đang chậm lại.

Ông Zhiwei Zhang - chuyên gia kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management - cho biết: "Tín hiệu đáng báo động nhất là chỉ số đặt hàng xuất khẩu mới đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái". Chỉ số phụ cho các đơn hàng xuất khẩu đã giảm trong 3 tháng liên tiếp kể từ tháng 5 trở lại đây và hiện đang đứng ở mức 47,7.

Chỉ số phụ về chi phí nguyên vật liệu đứng ở mức 62,9 trong tháng 7, so với mức 61,2 của tháng 6, cho thấy chi phí đang tăng lên. Giá nguyên liệu thô cao đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp và ngăn cản một số nhà xuất khẩu Trung Quốc nhận đơn đặt hàng.

Ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan, chỉ số xây dựng cũng giảm từ mức 60,1 trong tháng 6 xuống 57,5 trong tháng 7. Các nhà phân tích cho rằng, lĩnh vực này sẽ đối mặt với những khó khăn trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách kìm hãm sự phát triển quá nóng của thị trường bất động sản.

Để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại, giữa tháng 7, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bất ngờ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, đưa khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ (154 tỷ USD) vào lưu thông.

Nền kinh tế Trung Quốc phần lớn đã phục hồi sau những gián đoạn do đại dịch gây ra. Các lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ đang dần bắt kịp những cải thiện trong xuất khẩu và sản xuất.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất nước này đang phải vật lộn với những thách thức như giá nguyên liệu thô cao hơn, chi phí logistic tăng cao và tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu…

Trung Quốc cũng đang chạy đua nhằm ngăn chặn đợt bùng phát mới của biến thể Delta ở phía đông thành phố Nam Kinh. Các nhà phân tích cho rằng, cách tiếp cận không khoan nhượng đối với dịch Covid-19 của nước này có thể gây ra những rủi ro đáng kể đối với sự phục hồi kinh tế hiện tại.

Mặt khác, lũ lụt nghiêm trọng tại miền Trung Trung Quốc và các biện pháp hạn chế sản xuất thép nhằm giảm lượng khí thải của Bắc Kinh có thể cũng đè nặng lên hoạt động kinh doanh trong tháng 7 của nước này.