(Dân trí) - "Có phải chúng ta đã trở nên quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc? Câu trả lời rõ ràng là có" - ông Saul Eslake, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Australia và New Zealand của Banking Group nói.
Thế giới đã quá phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc?
"Có phải chúng ta đã trở nên quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc? Câu trả lời rõ ràng là có" - nhận định của ông Saul Eslake, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Australia và New Zealand của Banking Group.
TRUNG QUỐC GIỮA RANH GIỚI GIÀU - NGHÈO
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ nhưng có một nghịch lý là cho đến nay, Trung Quốc vẫn được WTO xếp vào nhóm nước đang phát triển.
Thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump còn tại chức, ông Trump đã nhiều lần ép WTO hủy tư cách nước đang phát triển của Trung Quốc. Ông Trump lập luận rằng, trong khi kinh tế thế giới đã có những bước tiến lớn thì WTO vẫn đang dựa vào những tiêu chuẩn lỗi thời được đặt ra từ năm 1995 để phân loại nhóm nước đang phát triển và nước phát triển. Điều này cho phép một số thành viên WTO, ám chỉ Trung Quốc, được hưởng lợi thế không công bằng trong thương mại quốc tế nhờ những quyền lợi ưu tiên mà WTO dành cho các thị trường mới nổi.
Sau 4 thập kỷ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, thật khó để nhận định Trung Quốc vẫn còn là một nước nghèo. GDP bình quân đầu người Trung Quốc năm 2019 vượt ngưỡng 10.000 USD, quy mô GDP toàn nền kinh tế năm 2020 lần đầu phá mốc 100 nghìn tỷ NDT.
Một dự báo mới đây của chuyên gia kinh tế Rob Subbaraman từ Nomura cho thấy, Trung Quốc có tiềm năng vượt mặt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới (theo quy mô GDP tính bằng đồng USD) vào năm 2028. Trong trường hợp đồng NDT tiếp tục mạnh lên chạm ngưỡng 6 NDT đổi 1 USD, Trung Quốc sẽ sớm vượt mặt Mỹ vào năm 2026.
Một thống kê thường niên của Tạp chí Hồ Nhuận vào tháng 10/2020 cũng chỉ ra rằng, trong năm ngoái, Trung Quốc có thêm 257 tỷ phú, tương đương bình quân mỗi tuần nước này xuất hiện thêm 5 tỷ phú. Tính đến thời điểm công bố thống kê, Trung Quốc là nước có số lượng tỷ phú lớn nhất thế giới (878 người), vượt cả Mỹ với 788 tỷ phú.
Hồi giữa năm 2020, ông Ning Jizhe - người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc NBS cũng có bài phát biểu khẳng định sự thịnh vượng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. "Tính đến hết năm 2019, Trung Quốc đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ lên tới 1,3 nghìn tỷ NDT dưới dạng cơ sở hạ tầng, tức là bình quân mỗi người dân Trung Quốc hiện ngồi trên khối tài sản cơ sở hạ tầng lên tới gần 1 triệu NDT", ông nói.
Tuy nhiên, phát ngôn này đã bị chỉ trích và chế giễu nặng nề bởi chính người dân Trung Quốc, bởi vào thời điểm đó, tức trước cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hàng triệu người ở các vùng nông thôn vẫn đang sống trong cảnh đói nghèo. Dịch Covid-19 rõ ràng đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại Trung Quốc khi đẩy vô số người lao động trình độ thấp vào cảnh thất nghiệp.
Số liệu được chính phủ Bắc Kinh công bố hồi tháng 1/2021 cho thấy, 20% người giàu nhất Trung Quốc có thu nhập bình quân khả dụng hơn 80.000 NDT (12.000 USD) trong năm 2020, cao gấp 10,2 lần so với thu nhập bình quân khả dụng của 20% người nghèo nhất đất nước. Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 373 triệu người Trung Quốc đang sống dưới mức nghèo khổ với tổng thu nhập bình quân dưới 5,5 USD/ ngày.
Nhưng bỏ qua mọi con số sang một bên, có một thực tế là các cuộc tranh luận về nội lực nền kinh tế Trung Quốc không cản bước những tham vọng lớn của Bắc Kinh. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc từ lâu đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi quy mô GDP từ năm 2020 cho đến 2035. Điều này ngụ ý Trung Quốc tham vọng soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 15 năm tiếp theo, đồng thời xác lập vai trò thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuối tháng 11/2020, Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc Lian Weiliang - một trong những nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Bắc Kinh cũng tuyên bố tại Diễn đàn Cải cách Trung Quốc rằng nước này sẽ sớm vượt Mỹ trở thành thị trường tiêu dùng hàng đầu thế giới.
Vậy ở thời điểm hiện tại, khi được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt tăng trưởng dương năm 2020, Trung Quốc ở đâu trong cỗ máy kinh tế toàn cầu? Có phải đúng như Marc Chandler, chiến lược gia thị trường tại Bannockburn Global Forex dự báo, rằng: "Trọng tâm nền kinh tế thế giới đang chuyển dịch từ Bắc Đại Tây Dương - nơi nó đã ở lại trong 500 năm qua - sang Thái Bình Dương (nơi Trung Quốc đang ngày càng bành trướng tầm ảnh hưởng)"?
ĐỊA VỊ CỦA TRUNG QUỐC TRONG NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, triển vọng vượt mặt Mỹ trong thập kỷ tiếp theo
Trong khi Mỹ và châu Âu chờ đợi triển khai vaccine Covid-19 để kiểm soát đại dịch và đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng, Trung Quốc đã nhanh chóng khống chế thành công dịch bệnh ngay trong quý I/2020 và thúc đẩy nền kinh tế phục hồi trở lại từ quý II/2020. Kết quả là nước này được kỳ vọng sẽ sớm thu hẹp khoảng cách với Mỹ trên đường đua thống trị kinh tế toàn cầu mà Mỹ giữ ưu thế lâu nay.
Dự báo mới nhất của Moody's Analytics cho năm 2020 chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 16,8% GDP toàn cầu (đã được điều chỉnh theo lạm phát). Con số này tăng mạnh so với mức 14,2% vào năm 2016, trước nhiệm kỳ Trump và trước khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bước vào xung đột thương mại. Trong khi đó, kinh tế Mỹ dự kiến đóng góp 22,2% trong GDP toàn cầu năm 2020, giảm nhẹ một chút so với mức 22,3% hồi năm 2016. Mức tăng tỷ trọng trong GDP toàn cầu năm 2020 của Trung Quốc (1,1% so với năm 2019) là mức tăng hàng năm lớn nhất trong vòng nửa thế kỷ trở lại đây.
Sự tăng trưởng như vậy là minh chứng cho thành công của Bắc Kinh trong việc kiểm soát đại dịch Covid-19 và thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. Trong khi Mỹ tập trung vào các gói kích thích hỗ trợ thị trường lao động và người tiêu dùng, Trung Quốc hướng mọi nguồn lực để "cấp cứu" doanh nghiệp và hoạt động sản xuất của nhà máy.
Zhang Weihua, một quan chức Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho hay đến tháng 4/2020, có hơn 97% doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Kết quả là khi người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi đậm nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, các nhà máy ở Trung Quốc sẵn sàng đáp ứng nhu cầu. Hoạt động sản xuất và xuất khẩu khôi phục mạnh mẽ trong năm chính là động lực giúp thị trường lao động và hoạt động chi tiêu tiêu dùng tại Trung Quốc tăng lên.
Tất nhiên, Mỹ cho đến nay vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời là thị trường tiêu dùng lớn nhất toàn cầu và đồng USD vẫn đóng vai trò "độc tôn" trong hệ thống thanh toán quốc tế. Nhưng khi Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 lớn nhất toàn cầu và dự báo tăng trưởng GDP -3,5% trong năm 2020, các nhà quan sát nhận định, nền kinh tế Mỹ khó khôi phục trở về quy mô năm 2019 cho đến ít nhất cuối năm 2021.
Đối lập với Mỹ, Trung Quốc được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 8-9% trong năm 2021. Đó là lý do vì sao hàng loạt tổ chức như Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) hay Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) Anh quốc gần đây dự đoán Trung Quốc sẽ sớm soán ngôi nền kinh tế hàng đầu thế giới của Mỹ vào năm 2028, sớm hơn nhiều so với các ước tính trước đó. CEBR cũng cho rằng đến năm 2023, Trung Quốc sẽ gia nhập nhóm các nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người cao (được định nghĩa là GDP bình quân đầu người trên 12.536 USD).
Công xưởng sản xuất của thế giới, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Ngày nay, hầu hết các mặt hàng dệt may ở miền Bắc nước Ý - trung tâm thời trang châu Âu - đều được sản xuất ở miền trung Trung Quốc. Ngay cả các dòng xe thể thao đa dụng BMW mới nhất cũng được sản xuất ở Trung Quốc, dù kỹ thuật là của Đức. Tức là Trung Quốc đang ngày càng đóng vai trò thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cần biết rằng năm 1980, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ ngang Ấn Độ. Sau 4 thập kỷ, đến năm 2020, GDP bình quân đầu người Trung Quốc hiện cao hơn gấp đôi Ấn Độ. Sự thịnh vượng kinh tế này là kết quả của việc Trung Quốc đẩy mạnh sự gia tăng thị phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua định vị bản thân như công xưởng sản xuất của thế giới. Tỷ trọng đóng góp trong tổng sản lượng sản xuất toàn cầu của Trung Quốc đã tăng lên 28% vào năm 2018 và đang có xu hướng tiếp tục tăng lên.
Không thể phủ nhận, Trung Quốc ngày càng đóng vai trò như nhà cung cấp không thể thay thế với nhiều mặt hàng công nghiệp và tiêu dùng thiết yếu. Khảo sát của Nikkei Asian Review với 3.800 sản phẩm phổ biến trong giao dịch quốc tế chỉ ra rằng có tới 320 sản phẩm mà Trung Quốc chiếm hơn 50% thị phần. Ví dụ, Trung Quốc hiện chiếm 2/3 thị phần trên thị trường xuất khẩu máy tính mini, hơn 50% thị phần các thị trường màn hình tinh thể lỏng, điều hòa không khí, thiết bị vệ sinh...
Ngay cả khi hàng loạt chính phủ như Mỹ, Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp chuyển sản xuất về nước hoặc đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc, thì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn ít bị ảnh hưởng bởi làn sóng này. Nhiều doanh nghiệp sau khi cân nhắc rủi ro và chi phí khi di chuyển sản xuất đến các thị trường khác đã lựa chọn ở lại Trung Quốc, nơi có thị trường lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ mạnh mẽ với 1,4 tỷ dân.
Một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 11/2020 bởi HSBC Holdings PLC trên 1.100 tập đoàn đa quốc gia cho thấy, 75% trong số đó (bao gồm 70% doanh nghiệp Mỹ) có kế hoạch tăng chuỗi cung ứng ở Trung Quốc trong hai năm tới. Chỉ rất ít doanh nghiệp có ý định rời thị trường béo bở này. Tức là Trung Quốc đang ngày càng củng cố vai trò của mình như công xưởng sản xuất của thế giới, bất chấp các căng thẳng địa chính trị và cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Thị trường tiêu thụ tỷ dân và kim ngạch xuất khẩu khổng lồ
"Có phải chúng ta đã trở nên quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc? Câu trả lời rõ ràng là có" - nhận định của ông Saul Eslake, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Australia và New Zealand của Banking Group.
Thật vậy, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền Trump đã châm ngòi chiến tranh thuế quan với Trung Quốc như một phần nỗ lực giải quyết sự mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai quốc gia, đồng thời buộc Bắc Kinh tuân theo các quy tắc thương mại quốc tế công bằng và lành mạnh. Nhưng trái với kỳ vọng, các ước tính của Capital Economics chỉ ra rằng, Trung Quốc dự kiến sẽ ghi nhận thặng dư thương mại lớn nhất trong năm 2020 khi kim ngạch xuất khẩu vật tư và thiết bị y tế tăng đột biến còn nhập khẩu thì giảm.
Nghiên cứu mới nhất của Oxford Economics cũng cho thấy tỷ trọng của Trung Quốc trong dòng xuất khẩu hàng hóa toàn cầu vẫn tiếp tục tăng lên. Tính trong tháng 11/2020, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn cầu. Con số này tăng mạnh so với mức 13,7% vào tháng 12/2019, thời điểm ngay trước khi đại dịch bùng phát. Điều đó đồng nghĩa Trung Quốc có vẻ như đang hưởng lợi từ sự bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu, do nhu cầu quốc tế với hàng hóa Trung Quốc - đặc biệt là thiết bị bảo hộ cá nhân - tăng chóng mặt.
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường nhập khẩu và tiêu thụ lớn bậc nhất hành tinh với quy mô dân số 1,4 tỷ người. Số liệu thống kê được chính phủ Trung Quốc công bố cho thấy doanh số bán lẻ tại Trung Quốc năm 2019 đã đạt mức 42,1 nghìn tỷ NDT (tương đương 6,2 nghìn tỷ USD), ngang bằng với tổng doanh số bán lẻ của Mỹ.
Chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc cũng chứng kiến sức phục hồi tốt hậu đại dịch Covid-19 trong năm qua. Một minh chứng nổi bật: theo công ty nghiên cứu Euromonitor International, thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ của Trung Quốc dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng 7,6% vào năm 2020, trái ngược với mức giảm tốc 20% trên toàn cầu. Ông Fflur Roberts, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng xa xỉ của Euromonitor, nhận định: "Trong khi phần còn lại của thế giới ngừng chi tiêu, người Trung Quốc vẫn tiếp tục mở hầu bao".
Thị trường tài chính đầy tiềm năng
Năm 2020, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới với 163 tỷ USD FDI.
Tiền đã chảy vào Trung Quốc theo nhiều cách khác nhau khi Bắc Kinh liên tục công bố những chỉ số kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Theo số liệu từ Refinitiv, thị trường chứng khoán Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) chiếm tới 43% các thương vụ IPO trên toàn cầu trong năm ngoái. Tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Trung Quốc của các cá nhân, tổ chức nước ngoài tính đến tháng 12/2020 đã tăng lên mức kỷ lục 3,25 nghìn tỷ NDT (503 tỷ USD), tức tăng 49% trong năm, theo dữ liệu của Bond Connect Co.
Việc nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất âm hoặc tiệm cận 0 đã khiến các tài sản ở Trung Quốc trở nên đặc biệt hấp dẫn với nhà đầu tư. Bình quân trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở Trung Quốc có lợi suất hơn 3%, cao hơn nhiều mức lợi suất dao động quanh ngưỡng 1% với trái phiếu kỳ hạn tương tự tại các thị trường lớn còn lại. Việc chính phủ Bắc Kinh nới lỏng hạn chế, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quốc tế tiếp cận dễ dàng hơn thị trường tài chính trong nước càng thúc đẩy dòng tiền đầu tư vào đại lục.
Ở một phương diện khác, trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán đồng USD của Mỹ, Trung Quốc cũng đang tìm cách thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT các giao dịch tài chính toàn cầu. Dù hơn 60% dự trữ tiền tệ thế giới hiện nay vẫn được tính bằng đồng USD, tỷ lệ nắm giữ đồng NDT trên thị trường tài chính quốc tế vẫn đang tăng lên khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế phục hồi sớm nhất sau đại dịch.
NDT hiện là đồng tiền được sử dụng nhiều thứ 5 trong các giao dịch thanh toán quốc tế với thị phần khoảng 2% (tăng từ vị trí thứ 6 hồi quý II/2020 với thị phần 1,79%), theo Hiệp hội Viễn thông tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu SWIFT (cơ quan chuyên xử lý tin nhắn thanh toán quốc tế cho hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia khắp thế giới). Dù 2% là con số nhỏ, nhưng tốc độ tăng tỷ trọng sử dụng đồng NDT trong giao dịch thanh toán toàn cầu đã tăng chóng mặt trong thập kỷ qua. Khi SWIFT lần đầu tiên đưa đồng tiền này vào danh sách theo dõi năm 2010, nó chỉ nằm ở vị trí thứ 35, tức tăng 30 bậc trong vỏn vẹn 1 thập kỷ.
Thực tế, Bắc Kinh từ lâu đã quan ngại về nguy cơ Mỹ sử dụng vị thế thống trị của đồng USD trên thị trường tài chính để gây sức ép cho sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai, vì cho đến nay phần lớn giao dịch của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào hệ thống thanh toán đồng USD. Các quan chức Bắc Kinh do đó đã chủ trương quốc tế hóa đồng NDT, chuẩn bị cho tương lai tách rời loại tiền tệ này ra khỏi hệ thống thanh toán USD mạnh mẽ của Mỹ. Việc đồng NDT mạnh lên trong suốt thời gian qua khi kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ cũng đặt ra triển vọng loại tiền tệ này có khả năng trở thành tài sản trú ẩn an toàn bên cạnh đồng bạc xanh.
NÊN "TỰ LƯỢNG SỨC MÌNH"
Trong khi Trung Quốc đang đứng trước tiềm năng tăng trưởng nóng trong năm 2021, tờ WSJ cảnh báo việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có duy trì được đà tăng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tờ thời báo phố Wall cũng cho rằng, dù Trung Quốc có soán ngôi nền kinh tế lớn nhất thế giới của Mỹ, để duy trì được vị thế đó cũng là thách thức lớn. "Các mô hình dự báo tăng trưởng kinh tế còn nhiều yếu tố không chắc chắn. Ngay cả khi tăng trưởng GDP của Mỹ thật sự thụt lùi như dự đoán (giúp Trung Quốc thành công soán ngôi nền kinh tế lớn nhất thế giới), Trung Quốc sẽ ngày càng khó duy trì mức tăng trưởng trước đại dịch do hàng loạt rào cản liên quan đến vấn đề nhân khẩu học và năng suất lao động".
Dự báo của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng vào khoảng cuối thập niên 30 của thế kỷ này, tỷ lệ dân số già tại Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ. Tương tự, Hiệp hội người cao tuổi Trung Quốc cũng dự báo đến năm 2035, hơn 1/4 dân số nước này là người già và đến năm 2050, tỷ lệ này thậm chí lên tới hơn 1/3, tương đương khoảng 487 triệu người. Với tốc độ già hóa dân số vào loại nhanh nhất thế giới, Trung Quốc có nguy cơ chứng kiến lực lượng lao động suy yếu nhanh chóng, đồng thời áp lực lên hệ thống lương hưu và an sinh xã hội quốc gia.
Theo nhận định của các chuyên gia quan sát, nguy cơ khủng hoảng như vậy có thể làm mất lợi thế lao động giá rẻ của Trung Quốc, khiến nước này khó duy trì được vai trò như công xưởng sản xuất của thế giới cũng như lợi thế cạnh tranh trong sản xuất - xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các xung đột địa chính trị toàn cầu và căng thẳng Mỹ - Trung dự kiến không giảm nhiệt dưới thời chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ tiếp tục gây sức ép lên sự tăng trưởng của Trung Quốc cũng như khả năng bành trướng quyền lực mềm của quốc gia này trên trường quốc tế.