Cởi niềm tin khi dòng vốn tắc

(Dân trí) - Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn đã được đưa ra, nhưng chỉ khi giải quyết được cuộc "khủng hoảng" niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp, giữa người dân và chính sách thì lúc đó nền kinh tế mới thật sự được gieo hy vọng.

Cởi niềm tin khi dòng vốn tắc

Ngân hàng thừa vốn cũng như doanh nghiệp tồn kho hàng hóa - nhãn tiền về "cái chết trên đống tài sản" là rất đáng lo ngại.

Ngân hàng thừa vốn – Doanh nghiệp tồn kho

Đến nay, vấn đề thanh khoản đã không còn là vấn đề lo ngại của hệ thống ngân hàng như thời điểm cuối năm 2011 nữa. Tình hình lật ngược trở lại, đó là nhà băng thừa tiền, nhưng dòng vốn tắc ứ, không đến được tay doanh nghiệp, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục thực hiện cắt giảm lãi suất chính sách, nhằm kéo lãi suất cho vay xuống.

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới đây cho biết, tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 16/4, tăng trưởng tín dụng âm tới 1,71% - đây thực sự là thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế và sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo tính toán của Ủy ban, trong vòng tháng còn lại, tín dụng sẽ tăng trưởng tối đa là 12% và cả năm sẽ ở mức khoảng 10%. Mức tăng trưởng tín dụng như vậy sẽ làm tổng vốn đầu tư xã hội giảm khoảng 50.000 tỷ đồng so với kế hoạch.

Dòng tiền chảy ra nền kinh tế giảm, vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của việc doanh nghiệp “chết” hàng loạt trong thời gian 4 tháng đầu năm.

Những con số phản ánh tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp lần được các cơ quan chủ quan công bố, bao gồm báo cáo của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) và Tổng cục Thống kê, không khỏi khiến người dân “giật mình”.

Cụ thể, thống kê của Bộ KHĐT cho thấy, 4 tháng vừa rồi có 23.971 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 130.044 tỷ đồng, giảm 10,5% về số lượng doanh nghiệp và giảm 14,1% về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Tổng số doanh nghiệp đã thực hiện việc giải thể và dừng hoat động tiếp tục tăng nhanh chóng lên 17.735 doanh nghiệp, tăng 9,5% so cùng kỳ năm 2011.
 
Sở dĩ nói dòng tiền chảy từ hệ thống ngân hàng đến doanh nghiệp bị giảm vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả là vì dù có nhiều cố gắng, song lãi suất ngân hàng tới tay cộng đồng doanh nghiệp nói chung vẫn còn cao. Đối tượng được hỗ trợ lại là những doanh nghiệp nằm trong diện ưu tiên truyền thống. Doanh nghiệp không nằm trong diện ưu tiên vẫn “ngắc ngoải” sống.

Trong khi đó, hàng tồn kho của doanh nghiệp không ngừng gia tăng. Doanh nghiệp không bán được hàng, sản xuất đình trệ thì khi đó, nhu cầu vay vốn cũng hạn chế theo.

Có nhận định cho rằng, “ngân hàng thừa vốn cũng không khác gì doanh nghiệp bị tồn kho” cũng là có lý. Rơi vào tình trạng này, nguy cơ “chết trên đống tài sản” là rất nhãn tiền. Và ngân hàng buộc phải cứu doanh nghiệp, bởi đó cũng là cách nhà băng tự cứu mình.

Song cứu bằng lãi suất, bằng chính sách tiền tệ đã đủ?

Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính, chính sách tiền tệ hầu như không còn dư địa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 6% như đề ra ban đầu. Do đó, Ủy ban này cho rằng sự kết hợp với chính sách tài khóa là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.

Giải pháp và lo ngại

Còn niềm tin ở thị trường!
 
Điểm đáng mừng trong hàng loạt những thông tin "đen tối" về thị trường thời gian vừa rồi là chỉ số PMI được Công ty Markit (Anh) phối hợp với HSBC, JP Morgan Chase xây dựng đã cho thấy, đơn đặt hàng mới đã vượt ngưỡng 50 điểm trong tháng 4/2012. 
 
Số lượng đơn hàng xuất khẩu cũng đã tăng mạnh liên tục trong 3 tháng là một dấu hiệu khả quan cải thiện cán cân thương mại cũng như về thị trường đầu ra cho cộng đồng doanh nghiệp.
 
Cùng với đó, cầu thành lao động tiếp tục cao hơn mức 50 điểm cho thấy nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng sản xuất để đáp ứng lượng đơn hàng gia tăng.
 

Nhìn theo một hướng tích cực thì cũng có thể coi việc doanh nghiệp phá sự sàng lọc, hay sự “phá hủy sáng tạo” cần thiết. Trong khó khăn, tự bản thân mỗi người kinh doanh đều sẽ có những kinh nghiệm riêng cho bản thân mình, trong quản trị và lập kế hoạch, chiến lược.

Kết quả khảo sát của Dân trí đối với bạn đọc về giải pháp tốt nhất nhằm tháo gỡ khó khăn hiện nay với doanh nghiệp cho thấy, giải pháp kích cầu để tăng sức tiêu thụ hàng hóa dịch vụ và hạ lãi suất cho vay được biểu quyết với tỉ lệ cao nhất (29% và 28%).

Rất nhiều chuyên gia kinh tế trong thời gian qua cũng cho rằng, việc cần kíp là kích cầu, giải quyết được đầu ra cho doanh nghiệp, chứ không phải là đầu vào.

Phải thừa nhận rằng, hệ quả của thắt chặt là doanh nghiệp “chết” hàng loạt, có doanh nghiệp “chết” lâm sàng, muốn giải thể cũng không giải thể nổi. Tình trạng này ảnh hưởng tiêu cực đến lao động và việc làm, kéo theo khả năng thanh toán của nền kinh tế đi xuống, người dân hướng đến tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu nhằm đối phó với suy thoái.

Tuy nhiên, nhà nước trong điều kiện hiện tại không thể tung ra gói kích cầu khổng lồ tựa như năm 2009, một phần vì ngân sách phải “chia năm sẻ bảy” với các nhiệm vụ tái cấu trúc, một phần vì lo ngại lạm phát quay trở lại trong những năm sắp tới.

Sau nhiều tranh cãi, rốt cuộc thì gói giải pháp 29.000 tỷ đồng do Bộ Tài chính đề xuất cũng đã được Thủ tướng thông qua tại Nghị quyết 13 hôm 10/5 vừa rồi. Tuy nhiên, nhiều nội dung về thuế vẫn cần được sự đồng ý của cơ quan lập pháp là Quốc hội.

So với khả năng thanh toán của cả một nền kinh tế, gói giải pháp này không thể có tác dụng kích cầu mà chỉ có thể hỗ trợ được một phần các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Nhiều người cho rằng, đó chỉ như là tiền trà, tiền cà phê, tiền giải khát chứ không thể là khoản tiền có thể cứu trợ cả một nền kinh tế.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành cũng đánh giá, đây không phải là gói giải cứu doanh nghiệp, cũng không phải là gói kích cầu mà thực chất là gói hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề doanh nghiệp có vượt qua được giai đoạn khó khăn này hay không là ở bản thân doanh nghiệp chứ không có chuyện cứu tràn lan.

Dù vậy, nói đi nói lại, gói giải pháp vẫn cần thiết trong bối cảnh hiện tại, với mục đích là để doanh nghiệp nâng cao lòng tin của nhà đầu tư vào tình hình ổn định của nền kinh tế, bên cạnh một số yếu tố đã giúp cải thiện lòng tin như tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, lạm phát giảm nhanh, bội chi ngân sách vẫn trong tầm kiểm soát.

Như cách nói của TS Võ Trí Thành, có một sự hỗ trợ vô hình” của Chính phủ, đó sự động viên tinh thần với doanh nghiệp. Hơn lúc nào khác, Chính phủ mong muốn lòng tin quay trở lại khi mà vài năm về trước, vào thời điểm dễ làm ăn, vòng quay đồng tiền Việt Nam là 2,5 lần thì hiện nay chỉ khoảng 0,8 lần. Giờ chỉ cần tin rằng vòng quay này lên khoảng 1,3-1,4 lần thì tình hình đã khác, chưa kể đến các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp kể trên”.

Chính phủ đưa ra giải pháp, nhưng cách Chính phủ thuyết phục được Quốc hội và cộng đồng doanh nghiệp cũng phải thuyết phục. Liệu rằng, gói giải pháp đó có được thực hiện một cách minh bạch?

Có căn cứ nào, có chuẩn nào để đánh giá được những  doanh nghiệp nào là có “tầm nhìn chiến lược”, “có triển vọng” và đưa vào diện hỗ trợ? Khi các tiêu chí không rõ ràng, việc giám sát thực hiện chưa được đặt ra cụ thể thì khả năng lại quay lại với câu chuyện tiêu cực, cơ chế xin-cho.

Trả lời được làm gì đã khó, và giải đáp được câu hỏi, làm như thế nào xem ra lại càng khó hơn!

Đừng quá bi quan!

Như đã nói ở trên, vấn đề cần giải quyết bây giờ là bài toán niềm tin.

Thứ nhất là khủng hoảng niềm tin của ngân hàng với doanh nghiệp. Thứ hai là vực dậy niệm tin của người dân, của doanh nghiệp vào chính sách, vào tương lai nền kinh tế.

Về chính sách mà nói, trước hết phải thể hiện được tính minh bạch và công bằng, như vậy mới có thể đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Khi người dân có niềm tin và kinh tế, những vấn đề về cầu tiêu dùng đều sẽ được giải quyết mà không tốn 1 đồng nào.

Trong đó bao gồm cả kế hoạch giảm lãi suất cho vay. Nếu ngân hàng thực sự muốn tự cứu mình thì những gói hỗ trợ tín dụng cũng cần đến được đúng địa điểm, có chiến lược và có sự nghiên cứu kỹ càng trong giải ngân.

Có ý kiến còn cho rằng, NHNN thậm chí có thể hỗ trợ thanh khoản cho NHTM để NHTM cho doanh nghiệp vay dựa trên hàng tồn kho như một tài sản đảm bảo, với lãi suất thấp. Đó cũng là một kế hay!

Dù nói thế nào, niềm tin chỉ có thể được xây dựng trên sự rõ ràng, công bằng và minh bạch, đáp ứng được kỷ luật về ngân sách. Phải làm sao khi những cụm từ trên không phải luôn chỉ là mục đích hướng đến mà thể hiện được ở trong cách thực hiện thì kinh tế vĩ mô sẽ được vực dậy.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm