29.000 tỷ đồng - Hỗ trợ không có nghĩa là giải cứu!

(Dân trí) - Theo TS Võ Trí Thành, gói giải pháp 29.000 tỷ đồng do Bộ Tài chính đề xuất không phải là gói giải cứu doanh nghiệp mà thực chất là gói hỗ trợ. Do đó, việc vượt qua được khó khăn hay không là ở bản thân doanh nghiệp.

29.000 tỷ đồng - Hỗ trợ không có nghĩa là giải cứu!

TS. Võ Trí Thành (ảnh: B.D).

Không có chuyện cứu tràn lan!

Tại hội thảo “Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán năm 2012” tổ chức ngày 8/5, khi nhìn nhận về gói giải pháp 29.000 tỷ đồng do Bộ Tài chính đề xuất, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành cho rằng, đây không phải là gói giải cứu doanh nghiệp, cũng không phải là gói kích cầu lớn như 2009 mà thực chất là gói hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề doanh nghiệp có vượt qua được giai đoạn khó khăn này hay không là ở bản thân doanh nghiệp chứ không có chuyện cứu tràn lan.

Theo đó, mục đích của gói giải cứu là để doanh nghiệp nâng cao lòng tin của nhà đầu tư vào tình hình ổn định của nền kinh tế, bên cạnh một số yếu tố đã giúp cải thiện lòng tin như tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, lạm phát giảm nhanh, bội chi ngân sách vẫn trong tầm kiểm soát.

Tính hữu hiệu của gói giải pháp sẽ thể hiện qua 3 biến số: GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp và vốn trái phiếu chính phủ. Mặc dù tốc độ tăng trưởng quý I chỉ đạt 4% song theo như nhận định của các tổ chức quốc tế, thì mức tăng trưởng cả năm sẽ khoảng 5,1% cho thấy các quý tiếp theo tốc độ tăng trưởng GDP có thể sẽ được cải thiện. Cùng với đó, kể từ tháng 4, một số yếu tố đã có chiều hướng tốt lên như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,1% so với cùng kỳ tín dụng tăng dần.

Lãi suất sẽ tiếp tục hạ sớm

Ông Thành cũng nhìn nhận việc nhập siêu trong bối cảnh hiện tại lại là một dấu hiệu tốt cho thấy, doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu có nhu cầu nhập máy móc, điện để phục vụ sản xuất trở lại. Ngoài ra, vốn trái phiếu mới phân chia xong từ cuối quý I, từ tháng 5 này bắt đầu giải ngân mạnh và sẽ đóng vai trò “cú hích” cho nền kinh tế.

Bên cạnh hỗ trợ ở chính sách tài khoá thì phía chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã áp trần lãi suất với 4 lĩnh vực song theo dự đoán của ông Thành, việc áp trần lãi suất này chỉ có thể duy trì trong 5 - 6 tháng. Cùng với đó, ông cũng cho biết, hiện đang có đề nghị Chính phủ lập một Ủy ban mua bán nợ xấu.

Bàn thêm về vấn đề lãi suất, vị chuyên gia nói, tại phiên họp của Chính phủ mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu phải đẩy nhanh quá trình hạ lãi suất. Và trong tháng 5 này, khi 5 - 8 ngân hàng yếu kém được xử lý tốt về mặt thanh khoản, lạm phát tháng 5 dưới 10% so cùng kỳ thì rất nhiều khả năng, cuối tháng 5 và đầu tháng 6 lãi suất có thể hạ một lần nữa.

Trên thực tế, có một số dấu hiệu cho thấy xu hướng hạ lãi suất đã trở nên rõ ràng hơn khi mà nhiều ngân hàng với thanh khoản tốt đã hướng nguồn tín dụng tới đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình.

Riêng trong hôm qua (9/5), một ngân hàng ngoại là HSBC đã chính thức công bố đợt cắt giảm mạnh lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân. Cụ thể, ngân hàng này sẽ lần lượt cắt giảm 1% lãi suất cho sản phẩm vay tín dụng tiêu dùng, 1,5% lãi suất cho vay thế chấp, vay mua nhà và 2% cho sản phẩm vay mua xe hơi. Điều này có thể sẽ kích cầu cá nhân, tăng thêm khả năng thanh toán cho thị trường.

 Quý III sẽ là cơ hội cho thị trường chứng khoán

TS Võ Trí Thành cũng đánh giá rằng, hiện có rất nhiều tín hiệu ủng hộ thị trường chứng khoán.

Theo đó, về mặt chính sách, Thủ tướng đã ký 2 văn bản cải tổ thị trường. Cùng với đó, lãnh đạo hai cơ quan là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã cam kết có những giải pháp giúp thị trường tốt lên. Những biện pháp kỹ thuật, trong đó có việc áp dụng T+3 cũng đã được xem xét đưa ra.

Ông Thành cho rằng, đến tháng 7 - tháng 8, sau khi đã có được các chỉ số kinh tế của 6 tháng đầu năm (trong đó có GDP quý II), các nhà hoạch định sẽ những điều chỉnh chính sách cho nửa cuối năm và đây là cơ hội cho thị trường chứng khoán.

Mặc dù vậy, ông Thành cũng cảnh báo có nhiều tín hiệu tiêu cực như rủi ro về nợ xấu, quá trình tái cấu trúc và lòng tin của nhà đầu tư.

Tại Hội nghị doanh nghiệp niêm yết 2012 vừa tổ chức mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong năm 2011 có hơn 65% số công ty niêm yết trên sàn có kết quả kinh doanh giảm so năm 2010. Số lượng công ty thua lỗ tăng gấp 4,4 lần năm 2010. Trong khi đó, chi phí lãi vay tăng 58,5%, tổng lợi nhuận sau thuế giảm gần 21%.

Hàng tồn kho tại thời điểm cuối năm tăng bình quân 29% so với đầu năm. Mức lợi nhuận ROE cũng giảm sút mạnh từ 13,3% trong năm 2010 xuống còn 8,26% trong năm 2011, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất cho v của ngân hàng bình quân khoảng 20%.

Cả năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012, Sở đã thực hiện đưa vào diện bị cảnh cáo 61 doanh nghiệp, kiểm soát 12 trường hợp, tạm ngừng giao dịch 1 trường hợp; đưa ra khỏi diện bị cảnh cáo 7 trường hợp, kiểm soát 4 trường hợp. Đến nay, có 54 trường hợp đang bị cảnh cáo, 8 doanh nghiệp bị kiểm soát và 1 trường hợp bị tạm ngừng giao dịch.

Tuy nhiên, đến 2012, giá trị giao dịch trên thị trường đã tăng trở lại. Tính từ đầu năm đến nay, các chỉ số chứng khoán đã hồi phục khoảng 30%, giá trị P/E bình quân của các doanh nghiệp niêm yết trên HNX tăng từ 10 lên 12,26.

Sau 1 tháng triển khai thực hiện giao dịch sang buổi chiều kể từ 5/3, tính thanh khoản của thị trường đã tăng 143,7% và trở nên sôi động hơn. Nhiều nhận định cho rằng, thị trường đã khởi sắc và sẽ còn giữ được đà tăng trong thời gian tới.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm