“Gia hạn nợ chỉ kéo dài thời gian sống mòn của doanh nghiệp”

(Dân trí) - TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia vừa có cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh các vấn đề tăng trưởng tín dụng và biện pháp khắc phục.

“Gia hạn nợ chỉ kéo dài thời gian sống mòn của doanh nghiệp”

TS.Lê Xuân Nghĩa.

Tại sao lãi suất giảm nhưng tín dụng không tăng hoặc tăng rất chậm so với kỳ vọng của thị trường, thưa ông?

Nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng sụt giảm tăng trưởng một phần do tác động từ bên ngoài nhưng chủ yếu vẫn từ những rủi ro chính sách. Đặc biệt là các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó chủ yếu là chính sách tiền tệ và tài khóa, lúc thì nới lỏng quá mức, lúc lại quá thắt chặt.

Cụ thể, tăng trưởng khối lượng tiền tệ (M2) năm 2011 lớn hơn 10% và tăng trưởng tín dụng 12%, so với 2 chỉ tiêu này của năm 2011 hơn 30% là sự tắt chặt quá mức. Điều này đã đẩy toàn bộ nền kinh tế rơi vào tình trạng suy kiệt nguồn vốn, thị trường bất động sản (BĐS), chứng khoán và toàn bộ thị trường hàng hóa bị đình đốn nghiêm trọng.

Trong bố cảnh đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) buộc phải thực thi chính sách phòng vệ bằng cách đóng băng tín dụng, đặc biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Thậm chí nhiều NHTM còn tăng chuẩn tín dụng như giảm thấp giá trị tài sản đảm bảo, giảm tỷ lệ cho vay trên tài sản đảm bảo và giảm hạn mức tín dụng, tăng lãi suất cho vay… Điều này dẫn đến hàng loạt DNNVV bị cắt vốn lưu động và phá sản hoặc hoạt động cầm chừng dựa vào vốn của thị trường chợ đen.

Vì vậy, khu vực DNNVV phần lớn không đảm bảo đầy đủ kiều kiện vay vốn ngân hàng, do đó dù lãi suất cho vay đã giảm như thời gian gần đây thì luồng tín dụng mới vẫn đóng băng, tín dụng tăng rất thấp so với kế hoạch 17% trong năm nay.

Có một thực tế là nhiều ngân hàng đang thừa vốn nhưng không thể cho vay ra. Ông lý giải vấn đề này thế nào?

Do kinh tế bị đình đốn, lòng tin giữa các ngân hàng với nhau, ngân hàng với doanh nghiệp suy giảm mạnh. Vì vậy, trên thị trường liên ngân hàng, tình trạng đóng băng tín dụng cũng khá phổ biến. Các ngân hàng lớn không dám cho các ngân hàng nhỏ vay nếu không có tài sản đảm bảo (tài sản đảm bảo chủ yếu là vàng nhưng Ngân hàng Nhà nước đang cấm dùng vàng làm tài sản đảm bảo nên doanh số và lãi suất liên ngân hàng giảm hẳn).

Trên thị trường tín dụng tình trạng cũng tương tự. Chỉ rất ít DN có tình trạng tài chính tốt đủ điều kiện vay vốn ngân hàng nhưng vì đầu ra khó khăn, tồn kho lớn, cộng với lãi suất cho vay cao nên các DN loại này thường chỉ vay ngắn hạn (vay nhanh trả nhanh mà 1 tổng giám đốc NHTM nói một cách ví von là “tình trạng tín dụng một chạm”). Còn lại đại bộ phận DNNVV không đáp ứng được chuẩn tín dụng đã được nâng khá cao ở hầu hết các ngân hàng.

Ngoài ra, một số ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn vẫn còn dấu hiệu khó khăn thanh khoản. Bằng chứng là mặc dù lãi suất liên ngân hàng rất thấp (qua đêm 2,5%, 1 - 6 tháng 8%/năm) nhưng không đủ điều kiện để vay, trong khi họ vẫn lách luật huy động vốn với lãi suất 16 - 17% cho các khoản tiền gửi 1 tỷ trở lên.

Vậy theo ông, làm thế nào để khắc phục tình trạng trên?

Đóng băng tín dụng là một hiện tượng tài chính nguy hiểm. Nó có thể làm cho nền kinh tế đình đốn dài hạn như ở Nhật Bản. Vì vậy, các ngân hàng trung ương hiện nay đang tìm mọi cách giải quyết vấn đề này. Trên thực tế, các quốc gia như Mỹ, nhiều quốc gia Châu Âu đang áp dụng chính sách tiền tệ để giải quyết vấn đề này.

Thực chất của tình trạng đóng băng tín dụng là hiện tượng nợ xấu tăng cao, đặc biệt là nợ xấu BĐS, đẩy ngân hàng vào tình trạng đối diện với khủng hoảng thanh khoản. Để không làm tăng nguy cơ này (nợ xấu), các ngân hàng không còn cách nào khác là hạn chế cho vay vào khu vực rủi ro.

Vì vậy, ngoài việc giảm lãi suất cho vay để khuyến khích khu vực tư nhân thì biện pháp then chốt là phải giải quyết phần lớn nợ xấu, đặc biệt là nhóm 4, 5.

Ngân hàng trung ương Mỹ, Châu Âu đã buộc tiền phải phát hành tiền để mua lại nợ xấu (tài sản độc hại) ở các NHTM; qua đó làm sách bảng cân đối tài sản của ngân hàng và DN, giúp cho DN trở lại vị thế đạt chuẩn tín dụng mà ngân hàng yêu cầu để có thể tiếp tục vay mới, phục vụ cho đầu tư và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, biện pháp then chốt nhất có ý nghĩa sống còn để khắc phục đình đốn hầu hết các DN hiện nay là giải quyết hết nợ xấu cũ, trở lại chuẩn tín dụng ban đầu, song hành với việc giảm lãi suất theo lạm phát. Tóm lại, không giải quyết được nợ xấu thì các biện pháp khác không phát huy tác dụng.

Các biện pháp tái cơ cấu nợ đã được công bố còn rất sơ khai, ví dụ như biện pháp giãn nợ, gia hạn nợ của Ngân hàng Nhà nước chỉ là kéo dài thời gian sống mòn của doanh nghiệp.

Còn các biện pháp khác như xóa nợ, khoanh nợ thì ngân hàng chết vì không có tiền, dự trữ và trích lập dự phòng thấp, trong khi lợi nhuận hàng năm đã được chia có các cổ đông và tái đầu tư hết rồi. Vì vậy, Chính phủ cần phải rót tiền vào để mua lại khoản nợ xấu. Bởi nếu chỉ dựa vào tự tái cơ cấu của ngân hàng thì các DN càng khốn đốn hơn.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm