1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Ủy ban Tài chính Ngân sách:

Có việc lợi dụng kẽ hở pháp luật để thao túng, lừa nhà đầu tư trái phiếu

Trần Kháng

(Dân trí) - Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, có tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thao túng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Sáng nay (23/5), trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương để đạt được những kết quả tích cực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Có việc lợi dụng kẽ hở pháp luật để thao túng, lừa nhà đầu tư trái phiếu - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 (Ảnh: Quochoi.vn).

Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ, đồng thời cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 còn có những tồn tại, hạn chế, lãng phí.

Đơn cử như, thị trường chứng khoán tiềm ẩn rủi ro. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng mở rộng, có giai đoạn tăng trưởng "nóng". Cơ cấu thị trường thiếu cân đối; chất lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chưa cao; sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.

Các quy định pháp luật về phát hành trái phiếu riêng lẻ chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến việc phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Tình trạng lợi dụng kẽ hở của pháp luật và công tác quản lý Nhà nước để thao túng, lũng đoạn thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, gây thiệt hại cho hàng nghìn nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường vốn, an ninh, tài chính tiền tệ; có những hành vi vi phạm thực hiện trong một thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý.

Cụ thể, theo Báo cáo số 1289/BC-UBTP15 ngày 18/10/2022 của Ủy ban Tư pháp thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao năm 2022: Vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị khởi tố về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo; vụ án Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings bị khởi tố về hành vi thao túng thị trường chứng khoán; vụ án Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần ASA, bị khởi tố về hành vi thao túng thị trường chứng khoán; vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do đã phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.

Ủy ban Tài chính Ngân sách còn cho biết, thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng trưởng "nóng" trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với Nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đầu tư các dự án mới và người dân về khả năng chi trả, nhất là với các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp.

Các doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản tín dụng hoặc nợ trái phiếu đến hạn.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, khối lượng trái phiếu đáo hạn của doanh nghiệp bất động sản, xây dựng trong giai đoạn 2022-2025 khoảng 374.700 tỷ đồng, chiếm 41,9% tổng khối lượng đáo hạn. Với việc tập trung huy động khối lượng lớn, kỳ hạn chỉ khoảng 3-4 năm, trong khi thời gian thu hồi vốn các dự án bất động sản có thể kéo dài 5-10 năm, một số doanh nghiệp bất động sản có thể gặp khó khăn trong việc thanh toán trái phiếu đã phát hành.

Những tháng cuối năm 2022, thị trường bất động sản biến động nhanh và đối diện với nhiều khó khăn. Lượng giao dịch giảm mạnh, một số dự án bất động sản chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, gây lãng phí. Bên cạnh đó, giá bất động sản vẫn ở mức cao, nguồn cung hạn chế ở các phân khúc, đặc biệt là thị trường bất động sản dành cho số đông còn thiếu hụt.

Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), tại TPHCM, nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỷ lệ áp đảo: năm 2017 có 10.987 căn nhà cao cấp, chiếm 25,5%; năm 2018 có 8.502 căn nhà cao cấp, chiếm 30%; năm 2019 có 15.479 căn nhà cao cấp, chiếm 67,1%; năm 2020 có 7.114 căn nhà cao cấp, chiếm 42,1%; năm 2021 có 10.404 căn nhà cao cấp, chiếm 72%. 9 tháng đầu năm 2022 có 9.305 căn nhà cao cấp, chiếm đến 80,2%. Trong khi đó, loại nhà ở bình dân năm 2020 chỉ có 163 căn hộ, chiếm 1%; năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 không còn nhà ở bình dân (0%).

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính Ngân sách còn nêu ra hàng loạt tồn tại công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đáng chú ý như, một số Bộ, ngành, cơ quan Trung ương sau khi được bố trí trụ sở làm việc mới nhưng không bàn giao cơ sở cũ về cho địa phương quản lý như: Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ.

Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá việc bố trí, sử dụng tài sản công là đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có việc bàn giao trụ sở cũ của các cơ quan trung ương được bố trí địa điểm, hoàn thành việc xây dựng và đã chuyển đến làm việc tại trụ sở mới.

Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp Nhà nước còn chậm; một số doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án nhưng không thực hiện theo đúng phương án đã được phê duyệt...