Nghị định 08: Cơ hội để nhà phát hành trái phiếu "sửa sai"
(Dân trí) - Quy định mới từ Nghị định 08 được giới chuyên gia đánh giá đa phần tích cực giúp doanh nghiệp trong giai đoạn khó, dù vẫn chưa đủ để khôi phục niềm tin từ phía nhà đầu tư.
Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong và ngoài nước.
Một số điểm nhấn của Nghị định này có việc cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu không quá 2 năm; cho phép doanh nghiệp thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; tạm hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thời gian phân phối trái phiếu…
Cơ hội để các nhà phát hành "sửa sai"
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam, so sánh việc ban hành Nghị định 08 giống trao cho các doanh nghiệp phát hành cơ hội để "sửa sai" những hạn chế gây ra thời gian qua khi việc quản trị, vận hành của các đơn vị này chưa phù hợp.
Đơn cử, với việc chuyển đổi nợ trái phiếu bằng các tài sản khác như bất động sản, ông Bình cho biết một số nhà phát hành đã phần nào thực hiện trong thực tế. "Nhưng Nghị định 08 quy định cụ thể về việc này thì sẽ tạo ra nền tảng pháp lý tốt hơn", ông Bình nói.
Đối với quy định kéo dài kỳ hạn, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa đánh giá quy định phù hợp với tình hình thị trường trái phiếu hiện tại.
Trước đây, doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn trái phiếu đã phát hành. Còn quy định mới sửa đổi cho phép kéo dài thời hạn của trái phiếu thêm tối đa 2 năm. Trong trường hợp trái chủ không đồng ý thay đổi này, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu quá trình đàm phán vẫn không đạt kết quả như mong đợi, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ với trái chủ theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố.
Ông Nghĩa đánh giá việc có quy định chuyên ngành rõ ràng sẽ làm cơ sở pháp lý, thúc đẩy xử lý nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện vẫn sẽ dựa trên quá trình đàm phán thực tế.
Trong trường hợp trái chủ không đồng ý thay đổi này, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Nếu quá trình đàm phán vẫn không đạt kết quả như mong đợi, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ với trái chủ theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố.
Với việc tạm ngưng định nghĩa nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đến 31/12 năm nay, chuyên gia đánh giá nhà đầu tư sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị nguồn lực tài chính.
Nghị định 65 trước đó quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay. Nếu không lùi thêm thời gian, quy định này có thể làm giảm số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp, vô hình trung dẫn đến giảm cầu trên thị trường. Trong khi đó, các vụ việc xử lý vi phạm trên thị trường thời gian qua như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... đã giúp người dân nâng cao ý thức, hạn chế việc mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao mà không quan tâm đến những rủi ro khi sở hữu.
"Doanh nghiệp phát hành trái phiếu không nên bỏ lỡ cơ hội này để khôi phục uy tín của mình, gây dựng niềm tin của thị trường, nhà đầu tư, cổ đông, khách hàng... ", ông Bình nói.
Ảnh hưởng lây sang thị trường khác
Ông Đặng Trần Phục, chủ tịch một tổ chức chuyên về tài chính, nhận định dự thảo trên sát với tình hình thực tế. Ông cho rằng nếu Nghị định không sớm được ban hành thì cả phía doanh nghiệp và nhà đầu tư trái phiếu sẽ khó "nhúc nhích" được, nhất là trong bối cảnh thị trường đang gặp khó như hiện tại.
Giữa năm ngoái, sau các vụ bắt giữ liên quan đến vi phạm trong phát hành và sử dụng vốn không đúng mục đích của một số doanh nghiệp, khối lượng phát hành giảm mạnh. Tháng 1 vừa rồi, thị trường chỉ có một đợt phát hành thành công với giá trị huy động là 110 tỷ đồng.
Trong khi đó, sức ép đáo hạn trái phiếu ngày càng tăng. Theo ước tính của các công ty chứng khoán, giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm nay gần 273.000 tỷ đồng, tập trung nhiều vào quý II và III. Nhiều doanh nghiệp nhóm bất động sản đã thông báo thay đổi phương án phát hành, trả gốc lãi không đúng hạn.
Đặc biệt, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định Nghị định lần này không chỉ ảnh hưởng tích cực lên thị trường trái phiếu doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tích cực "lây" sang thị trường cổ phiếu.
Hôm nay (6/3) - một ngày sau thông tin Nghị định 08 ban hành, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu bất động sản được tranh mua khi nhà đầu tư kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách mới. Hàng loạt mã từ vốn hóa nhỏ đến lớn đã kết phiên giao dịch trong sắc tím.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình thì đưa ra kỳ vọng việc ban hành Nghị định 08 cùng với các động thái của Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động cũng như lãi vay sẽ góp phần nào gỡ khó cho các doanh nghiệp, tạo sự khởi sắc cho thị trường vốn dù thị trường còn phụ thuộc nhiều yếu tố như rủi ro lạm phát vẫn trực chờ. "Các giải pháp chưa thể tạo sự đột biến nhưng từng bước gỡ được khó khăn của các doanh nghiệp trên thị trường vốn", ông Bình nói.
Chưa chú trọng đến quyền lợi trái chủ
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng Nghị định 08 chủ yếu hỗ trợ thị trường về cơ sở pháp lý cho tổ chức phát hành, còn yếu tố niềm tin thị trường vẫn còn cần thêm giải pháp.
"Nghị định 08 chỉ chú ý đến ý chí, nguyện vọng và đề xuất từ phía các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp với kỳ vọng họ tiếp hành phát hành để thanh toán các trái phiếu đến hạn", chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bình luận.
Ông Ánh cho rằng Nghị định 08 chưa chú ý nhiều đến những vấn đề thực sự cần tháo gỡ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, cụ thể là niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang sụt giảm nghiêm trọng. "Đặc biệt là niềm tin của nhà đầu tư vào các trái phiếu đến nay đáo hạn nhưng không thanh toán được", ông nói.
Ông Vũ Đình Ánh cho rằng thị trường có 2 bên mua và bán nhưng Nghị định mới giải quyết nguyện vọng bên bán, chưa giải quyết được bên mua.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên Học viện Tài chính - đồng tình Nghị định 08 có thể xem là giải pháp tạm thời, giải quyết khó khăn trước mắt vào thời điểm hiện nay cho phía các nhà phát hành trái phiếu để huy động vốn và giãn hoãn nợ. Về phía nhà đầu tư, Nghị định mới chủ yếu giúp ích cho các nhà đầu tư không chuyên quay trở lại thị trường.
Dù vậy, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình nhận định trái chủ và các doanh nghiệp thực tế cùng có lợi ích chung. "Nếu doanh nghiệp thoát ra được khó khăn thì nhà đầu tư cũng sẽ thoát ra. Việc tháo gỡ doanh nghiệp, cũng là tháo gỡ phần nào cho nhà đầu tư", ông Bình nói. Ông cũng cho rằng sau khi Nghị định 08 ban hành, muốn thị trường phục hồi có thể tính bằng năm. "Thị trường sẽ có điều chỉnh và phục hồi dần", ông Bình nhấn mạnh.