Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu chịu áp lực trả nợ rất lớn
(Dân trí) - Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn là hơn 282.000 tỷ đồng tạo áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian qua phát hành một lượng trái phiếu rất lớn từ hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và có hạn trả nợ vào cuối năm 2022 và năm 2023.
Cụ thể, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 là 55.989 tỷ đồng, đáo hạn năm 2023 là hơn 282.000 tỷ đồng, năm 2024 là hơn 362.000 tỷ đồng - theo báo cáo của Bộ Tài chính.
Trái phiếu đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 là hơn 21.000 tỷ đồng (chiếm 38,19% tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 99,6% có tài sản đảm bảo).
Bộ Xây dựng đánh giá, việc đến hạn trả nợ là khó khăn, áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.
Ngoài ra, theo Bộ Xây dựng, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 9/2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn 133.314 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 95,21% khối lượng mua lại cả năm 2021. Trong đó, các tổ chức tín dụng là nhóm mua lại với khối lượng lớn nhất (58.389 tỷ đồng), tiếp theo là nhóm bất động sản (29.207 tỷ đồng) - theo báo cáo của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cho rằng, quy định "nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp" mới được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp dẫn đến cản trở các nhà đầu tư cá nhân có nhu cầu đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp trong khi các doanh nghiệp lại đang rất cần vốn.
Việc xử lý vi phạm của một số tổ chức, cá nhân trong thời gian qua liên quan việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư, gây ra tâm lý e ngại, nghe ngóng, dừng đầu tư, rút tiền trước hạn.
Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận được nguồn vốn (tín dụng và trái phiếu).
Bên cạnh đó, lãi suất tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, không bán được sản phẩm… dẫn đến nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giảm bộ máy, giảm lực lượng lao động. Cá biệt có doanh nghiệp giảm tới 50% lực lượng lao động, dừng đầu tư, thi công. Khó khăn của thị trường bất động sản kéo theo khó khăn của nhiều ngành nghề, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.