Cổ tích viễn thông Việt trên đất châu Phi
Những ngón tay cái giơ lên cao cùng nụ cười rạng rỡ với tiếng reo to “Movitel, Việt Nam!” là câu nói được nhiều người dân Mozambique thốt lên khi chứng kiến những thành quả về đầu tư viễn thông mà một công Việt Nam mang lại.
Không phải đến khi Movitel được thành lập và kinh doanh tại Mozambique, người dân xứ sở Châu Phi xa xôi này mới biết đến Việt Nam. Trái lại, Việt Nam vốn được khắc sâu trong tâm trí người dân nơi đây với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua phong trào đấu tranh và giải phóng dân tộc hào hùng.
Chẳng thế mà cuộc chiến đấu vì chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã được đưa vào giáo trình dạy lịch sử của học sinh Mozambique. Chẳng thế mà, chỉ chưa đầy 1 năm sau ngày Mozambique giành được độc lập, tên của Bác Hồ được lựa chọn để đặt cho một đại lộ to, đẹp và nằm ngay ở trung tâm của thủ đô Maputo; và sau này, tượng của Tổng thống Joaquim Alberto Chissano được đặt sát bên cạnh. Đại lộ Hồ Chí Minh như một sợi dây kết nối hai quốc gia, hai dân tộc.
Nhưng rồi suốt một thời gian dài, quan hệ giữa hai nước chỉ dừng lại ở mức trao đổi chuyên gia y tế và nông nghiệp mà theo đánh giá của bà Safura De Conceciao - Ủy viên Trung ương Đảng Frelimo (đảng cầm quyền tại Mozambique) là “chưa tương xứng”. Hơn hai chục năm trao đổi qua lại chỉ trong phạm vi hẹp như vậy khiến cho Việt Nam được biết đến và nhớ đến như là một quốc gia của nông nghiệp.
Điều thần kì từ quyết định mạo hiểm
Cũng vì thế, cái ngày bà Safura đề xuất lựa chọn Viettel đến từ Việt Nam trở thành đối tác đầu tư vào một lĩnh vực công nghệ cao, phần đông những người trong Chính phủ đều ngạc nhiên, thậm chí còn coi đó là điều “điên rồ”. Họ thốt lên rằng: “Việt Nam chỉ có thể làm nông nghiệp được thôi”.
May mắn thay, sợi dây tình cảm hữu nghị được thiết lập nhiều năm, đã trở thành điểm tựa để người chịu trách nhiệm đi tìm một đối tác đáng tin cậy nhằm phát triển ngành viễn thông Mozambique, kiên định với lựa chọn của mình.
Sau 14 tháng âm thầm triển khai, xây dựng, lắp đặt, tới một ngày đẹp trời, hơn 1.000 trạm BTS của Movitel bỗng sừng sững xuất hiện, gấp 2 lần số lượng trạm BTS của tất cả các doanh nghiệp viễn thông khác ở Mozambique cộng lại (họ phải mất hàng chục năm xây dựng). 12.500 km cáp quang được thông tuyến (tương đương với 70% tổng số cáp quang của Mozambique), lập tức đưa tên tuổi nước này vào danh sách các quốc gia có hạ tầng cáp quang nhiều nhất Châu Phi.
Sau đó 1 năm, liên tiếp 2 giải thưởng quốc tế được trao cho Mozambique thể hiện sự thán phục của thế giới trước sự vươn lên mạnh mẽ và đầy sáng tạo của quốc gia này trong lĩnh vực viễn thông. Tất cả đều đến từ Movitel – liên doanh giữa hai quốc gia Mozambique và Việt Nam.
Lòng tốt bạn bè
Các thành viên trong Chính phủ nhìn thấy những người bạn Việt Nam đã làm nhiều hơn những gì họ đã cam kết trong bản hồ sơ thầu. Họ cảm nhận được, người Việt Nam đến đây để xây dựng một hạ tầng viễn thông cho đất nước Mozambique. Bởi thay vì đầu tư tại những thành phố lớn, người Việt Nam lại dựng lên một hạ tầng rộng khắp, đặc biệt là khu vực nông thôn.
Đến nay có tới 30 % xã trên toàn quốc, lần đầu tiên biết đến sóng viễn thông dù 10 năm qua họ đã nghe nói đến. Thay vì dùng truyền dẫn bằng vi ba cho nhanh và rẻ, người Việt Nam lại đầu tư cáp quang – công nghệ truyền dẫn hiện đại nhất trên thế giới. Thay vì thuê người dân Mozambique lao động tạo ra của cải thì người Việt Nam đang hướng dẫn họ làm và dần dần chuyển giao cho họ. Đó là sự tử tế chỉ của những người bạn dành cho nhau.
Có một hình ảnh mà Olivio, cậu lái xe người Mozambique chỉ cho những người bạn Việt Nam để giải thích rằng, vì sao người Việt Nam được họ yêu đến thế. Đó là hình ảnh những hàng dài xe container chở gỗ, một loại thì hướng từ cảng biển vào đất liền, một loại thì đi theo chiều ngược lại.
Hai đoàn xe, cùng làm một nhiệm vụ chở gỗ, nhưng hàng xe chở vào đất liền là để dựng cột treo cáp quang, kiến thiết nên một hạ tầng viễn thông bền vững cho Mozambique, và đó là của Việt Nam. Còn chiều ngược lại, đó là những hàng xe của nước ngoài khai thác gỗ của đất nước Châu phi này xuất khẩu. Một thì được Olivio giơ ngón tay cái lên cao, một thì nhận được cái xua tay đầy thất vọng.
Có một hình ảnh mà ông Sobamento chủ tịch xã 4, huyện Chokwe, tỉnh Gaza tả cho những nhân viên Viettel để giải thích rằng, vì sao người Việt Nam được họ trân trọng đến thế. Đó là những chiếc ca nô chở máy nổ, ngược dòng người di tản, đi sâu vào rốn lũ của trận đại hồng thủy lớn nhất trong 10 năm qua ở Mozambique để duy trì phát sóng các trạm BTS, đảm bảo kết nối thông tin cho những vùng bốn bề bị chia cắt. Hai nhà mạng còn lại, không có mặt.
Còn những người Viettel truyền tai nhau nhiều câu chuyện về tình cảm thân ái của bà con Mozambique dành cho mình. Đó là sự xúc động khi được nhường ngủ trên chiếc giường duy nhất của cả gia đình dành cho cậu thanh niên kỹ thuật đi ứng cứu thông tin trong cơn lũ và bị lạc đường. Đó là sự xúc động khi 12h đêm, chủ tịch xã bị đánh thức dậy trong giấc ngủ, lập tức đánh xe đến kéo chiếc xe Movitel bị chết máy đi gần 100km mà chẳng cần một đồng Meticais tiền công. Đó là sự thán phục khi nhiều nhân viên Mozambique miệt mài học tiếng Việt chỉ để hiểu cho thật rõ những người bạn của mình.
Vậy là, hình ảnh của Việt Nam giờ đây không chỉ là một dân tộc anh hùng, đó còn là một người bạn đáng tin cậy. Vậy là Việt Nam không chỉ giỏi làm nông nghiệp, đó còn là những chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao. Vậy là con cháu Bác Hồ ngày hôm nay, trên cơ sở nền móng Bác đã đặt, lại tiếp tục xây dựng những tượng đài lớn hơn, to đẹp hơn, tiếp bước cha ông, dựng nên một Việt Nam không chỉ kiên cường mà còn rất đáng nể trọng.
“Được đấy, Việt Nam”, những ngón tay cái giơ lên cao cùng nụ cười rạng rỡ với tiếng reo to “Movitel, Việt Nam!” là một đại lộ của niềm tin, là sợi dây thứ hai kết chặt tình hữu nghị Việt Nam và Mozambique.
Hà Thành