Cơ quan nhà nước làm sai, gây hại cho doanh nghiệp: Nơi xin lỗi, nơi chối tội!

(Dân trí) - Trong thời gian qua, đã có không ít cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước khi thực thi công vụ có những việc làm trái nguyên tắc một cách vô ý hoặc cố ý, gây thiệt hại về kinh tế, thương hiệu cho doanh nghiệp.

Cơ quan nhà nước làm sai, gây hại cho doanh nghiệp: Nơi xin lỗi, nơi chối tội! - 1

Chuỗi siêu thị Con Cưng bị quy kết sai phạm khá nặng trước khi có kết luận chính thức 

Đã có những đơn vị, có những cán bộ công chức phải công khai xin lỗi. Nhưng cũng có những cán bộ nhà nước, dù bị xác định đã làm sai nhưng không chịu thừa nhận và không xin lỗi doanh nghiệp.

Xin lỗi và không bồi thường

Tháng 2/2019, tại Thanh Hóa, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa đã thừa nhận có tình trạng tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, có 9 hồ sơ bị "ngâm", quá hạn giải quyết từ năm 2018 chuyển sang năm 2019, mặc dù các hồ sơ này hợp lệ, cần phải giải quyết theo thời gian quy định. Có đơn vị như Công ty CP Điện lực Thanh Hóa hồ sơ bị ngâm, trễ hẹn tới 4 tháng so với thời gian quy định.

Do đó, trung tâm này đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa phải xin lỗi và hẹn ngày trả kết quả của tổ chức, cá nhân. Ngay sau đó, lãnh Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa đã phải ký ban hành 9 phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả.

"Sự chậm trễ này đã gây phiền hà, tốn kém chi phí, công sức của Công ty và rất mong nhận được sự thông cảm của công ty...", là nội dung văn bản xin lỗi của cơ quan này gửi tới các doanh nghiệp của tỉnh này.

Trước đó, năm 2018, Dân trí cũng đã đưa tin, ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cũng đã phát biểu công khai xin lỗi Công ty TNHH MTV Hào Hưng của tỉnh này về việc để đình trệ công việc, gây thiệt hại cho công ty này. Trong một buổi lễ khởi công một dự án của Công ty Hào Hưng, ông Trí đã 2 lần xin lỗi vì có sự chậm trễ trong xử lý thủ tục, khiến Công ty Hào Hưng phải chịu rất nhiều thiệt thòi trong quá trình phát hiện ra con tàu khiến quá trình thi công cầu cảng của công ty bị đình trệ. T

hiệt hại về kinh tế của Công ty Hào Hưng, như ông Thang Văn Hoá, Giám đốc công ty cho biết, lên tới trên 100 tỷ đồng. Nhưng mặc dù thừa nhận lỗi và xin lỗi, cơ quan nhà nước đã không đền bù một đồng nào cho doanh nghiệp này.

Trước đó nữa, Tổng cục Thuế và Cục Thuế TPHCM cũng đã phải phát đi những công văn xin lỗi một loạt doanh nghiệp bị công khai tên vì nợ thuế. Nhưng thông báo công khai nợ thuế đó bị sai do nhiều DN thực tế đã hoàn thành việc nộp thuế mà các cơ quan thuế lại chưa cập nhật các dữ liệu này. Cơ quan nhà nước cũng chỉ thừa nhận lỗi do kỹ thuật.

Đến có lỗi nhưng không chịu xin lỗi

Nhưng cũng không ít ví dụ, ngay thời gian gần đây cho thấy, có những cán bộ, công chức, cơ quan quản lý nhà nước, mặc dù đã làm sai, gây ra lỗi, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, đến thương hiệu của doanh nghiệp và lỗi đó đã được cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận, nhưng những đơn vị, cá nhân làm sai vẫn chưa có động thái xin lỗi doanh nghiệp.

Ví dụ trong tháng 3/2019, một bản tin từ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản tỉnh Điện Biên công bố kết quả kiểm nghiệm của đơn vị này cho rằng “không phát hiện” thấy i-ốt trong mẫu sản phẩm của Bột canh i-ốt Hải Châu. Bản tin này ngay sau đó được lan truyền, được sử dụng, thông tin rằng Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu đã lừa dối người tiêu dùng, "treo đầu dê, nấu thịt chó"...

Ngay sau đó, tháng 3/2019, Chi cục Quản lý chất lượng Nông nghiệp và Thủy sản tỉnh Hưng Yên (nơi Hải Châu đặt nhà máy) có văn bản số 05/TB-ĐKT thông báo kết quả kiểm nghiệm mẫu Bột canh I Ốt Hải Châu tại Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu. Kết quả kiểm tra đã khẳng định: Sản phẩm bột canh I Ốt Hải Châu có hàm lượng I Ốt trong ngưỡng cho phép 37,31 mg/kg - ngưỡng cho phép về hàm lượng I Ốt theo công bố từ 20 mg/kg đến 40 mg/kg. Một kết quả kiểm nghiệm lấy mẫu nghiễm nhiên bột canh đó tại Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng cho thấy, 4 mẫu bột canh đều đảm bảo hàm lượng I ốt trong ngưỡng cho phép theo công bố.

Doanh nghiệp được minh oan, nhưng đến thời điểm này, theo lãnh đạo công ty, những thông tin trước đó đã gây thiệt hại rất lớn, nhất là về thương hiệu, hình ảnh cho doanh nghiệp này. Thống kê của doanh nghiệp này cho thấy, chỉ tính riêng sản phẩm bột canh, công ty đã thiệt hại nặng nề khoảng 50 tỷ đồng do sản lượng, doanh thu tiêu thụ suy giảm mạnh. Đặc biệt trong tháng 5/2019, doanh thu công ty này đã giảm hơn 70% so với tháng 4/2019. Công ty điêu đứng, thương hiệu lao đao, người lao động trước nỗi lo mất việc.

Trước đó, năm 2018, Công ty Cổ phần Con Cưng- đơn vị kinh doanh chuỗi siêu thị "Con Cưng" tại TP Hồ Chí Minh cũng bị quản lý thị trường TP kiểm tra. Một số cán bộ Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương (thời điểm đó chưa lên Tổng cục) mặc dù chưa có kết quả kiểm tra cuối cùng đã có những phát ngôn công khai cả với báo chí và tại một cuộc họp báo ở Hà Nội, cho rằng công ty này có dấu hiệu trốn thuế, có vấn đề về nguồn gốc xuất xứ...là những lỗi rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cuối cùng cho thấy, mặc dù Công ty Cổ phần Con Cưng có 11 sai phạm nhưng chủ yếu là những sai phạm tương đối nhỏ: Vi phạm quy định về nhãn mác, không công khai đầy đủ thông tin khuyến mại...và không hề có lỗi thiếu hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu trốn thuế....như đã công bố. Bộ Công Thương cũng đã tiến hành kiểm tra, xác định một số sai phạm của cán bộ quản lý thị trường liên quan trong khi thực thi công vụ.

Đáng chú ý, ngày 30/05/2019, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản thông báo Bộ trưởng Bộ Công Thương đã "nghiêm khắc phê bình" và yêu cầu ông Trần Hùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương) 'rút kinh nghiệm sâu sắc' khi thi hành công vụ trong quá trình kiểm tra Con Cưng.

Trước đó nữa, vào tháng 20/2018, Bộ Công Thương đã ra kết luận: Trong quá trình thực hiện các hoạt động kiểm tra Công ty Con Cưng, các công chức lãnh đạo Cục Quản lý thị trường là ông Nguyễn Trọng Tín (Phó Cục trưởng) và ông Trần Hùng (Phó Cục trưởng) có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật và của Bộ Công Thương về phát ngôn, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, gây ra những hiệu ứng không tốt, hiểu sai, hiểu chưa đúng bản chất sự việc trong dư luận xã hội cũng như gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cho đến nay, về phía Công ty Cổ phần Con Cưng, doanh nghiệp này cho biết, vẫn chưa nhận được một lời xin lỗi từ cán bộ của Bộ Công Thương, từ các cá nhân làm sai, gây thiệt hại lớn về kinh tế, thương hiệu cho công ty, dù những sai phạm của các cá nhận trên đã được chính Bộ này xác định.

Hà Nguyễn