Xử phạt Con Cưng thế nào sau nửa năm ròng "điều tra"?
(Dân trí) - Sau nhiều lùm xùm về việc Con Cưng có vi phạm nhưng không buôn lậu, không làm giả, phía Bộ Y tế vừa đưa ra quyết định chính thức về việc xử phạt đối với Công ty Cổ phần Con Cưng.
Đợt kiểm tra rầm rộ của lực lượng quản lý thị trường đã cho kết quả khá bất ngờ: Con Cưng không hề vi phạm trong 7 điểm mà lãnh đạo Cục Quản lý thị trường từng họp báo và công bố.
Thế nhưng, phải đến tận bây giờ, kết quả chính thức về hình thức xử lý đối với Công ty CP Con Cưng mới chính thức được đưa ra.
Cụ thể, trong một văn bản mới đây của Bộ Y tế, do Phó Chánh Thanh tra Bộ, ông Nguyễn Văn Nhiên ký và ra quyết định thì Con Cưng đã vi phạm hành chính do, áp dụng chương trình khuyến mại đối với sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ (Mua 1.000.000.000đ tặng 100.000đ khi mua các sản phẩm tã và sữa tại cửa hàng).
Đây là hành vi vi phạm quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 88, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Đối với lỗi vi phạm này, Công ty Con Cưng do ông Nguyễn Quốc Minh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ bị phạt tiền, mức phạt là 25 triệu đồng.
Ngoài phạt hành chính, Bộ Y tế cũng yêu cầu phía Con Cưng cũng phải có biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, Công ty này phải dừng ngay việc thực hiện chương trình khuyến mại đối với các sản phẩm thay thế sữa mẹ, chấp hành đúng những quy định của pháp luật trong việc kinh doanh các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ.
Công ty CP Con Cưng sẽ có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh theo quyết định xử phạt. Nếu quá thời hạn mà Công ty CP Con Cưng không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Con Cưng phải nộp tiền vào tài khoản thu ngân sách Nhà nước của Kho bạc Nhà nước Hà Nội trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận quyết định xử phạt.
Trong đợt ra quân, 29 chi cục quản lý thị trường tại các tỉnh thành với hơn 190 cuộc kiểm tra, thu giữ hơn 70.000 sản phẩm, nhưng lực lượng quản lý thị trường đã… không phát hiện Con Cưng có hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Điều này đã khiến dư luận đặt ra rất nhiều dấu hỏi về năng lực của cán bộ quản lý thị trường trong khâu tiếp nhận và xử lý vấn đề để không trở thành “gánh nặng của doanh nghiệp” dưới cái vỏ bọc “bảo vệ người tiêu dùng”.
Trước đó, vào ngày 23/7, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm khi kiểm tra tại Con Cưng. Trong đó có những sai phạm điển hình như một số loại hàng hóa chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ, xuất xứ. Nhiều sản phẩm có nhãn dán chồng lên nhãn in trên bao bì.
Tại cuộc họp báo hôm 31/7 tại Văn phòng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cũng lên tiếng khẳng định: “Con Cưng có 7 sai phạm và sai phạm đã rõ”.
Cụ thể theo vị này, chuỗi siêu thị Con Cưng có 7 hành vi vi phạm bị phát hiện, bao gồm: Kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn chứng từ; kinh doanh hàng hóa ghi nhãn trong nước Made in Vietnam nhưng không được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt, mà bằng tiếng nước ngoài, ký tự Latin.
Có Giấy nhãn mác đè nhãn mác khác, nhập nhèm truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Bán các loại sữa quảng cáo là sử dụng công nghệ Đức nhưng không phải công nghệ Đức. Bán và lưu hành mỹ phẩm có dấu hiệu trái phép; Kinh doanh hàng hóa mang nhãn không đủ quy định bắt buộc.
"Với 7 hành vi này là đủ để Con Cưng bị xử lý rồi, còn có xử lý hình sự hay ở mức nào chúng tôi đang tiến hành điều tra làm rõ. Hiện nay Cục QLTT đã phân công 17 đồng chí đang là ở TP. HCM, chúng tôi sẽ làm rõ", ông Tín nhấn mạnh.
Thế Hưng