Cổ phiếu nhóm Vingroup hồi phục, ngành ngân hàng gây áp lực cho VN-Index

Mai Chi

(Dân trí) - VN-Index vẫn trụ được trên ngưỡng 1.100 điểm trong sáng nay nhưng chịu áp lực khi nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm giá. Ngược lại, cổ phiếu "họ Vin" tăng nhẹ.

Không nằm ngoài dự đoán, thị trường chứng khoán mở cửa phiên sáng nay với phản ứng khá tiêu cực theo đà của phiên điều chỉnh mạnh cuối tuần trước. Sau 15 phút giao dịch xác định giá mở cửa (ATO), VN-Index đã để mất ngưỡng 1.090 điểm. Mặc dù vậy, với sự gia nhập tích cực của dòng tiền bắt giá thấp, chỉ số đã thu hẹp đáng kể thiệt hại.

Tạm đóng cửa, VN-Index chỉ còn điều chỉnh 1 điểm tương ứng 0,09% còn 1.100,19 điểm; VN30-Index giảm 3,44 điểm tương ứng 0,31%. HNX-Index tăng 0,37 điểm tương ứng 0,17% và UPCoM-Index giảm 0,37 điểm tương ứng 0,43%.

Thanh khoản vẫn duy trì tốt, ở mức 418,16 triệu cổ phiếu giao dịch trên sàn HoSE tương ứng 8.043,7 tỷ đồng; HNX có 45,11 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 910,42 tỷ đồng. Con số này trên UPCoM là 13,44 triệu cổ phiếu tương ứng 167,49 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhóm Vingroup hồi phục, ngành ngân hàng gây áp lực cho VN-Index - 1

VN-Index trong sáng nay vẫn đang giữ được mốc 1.100 điểm (Ảnh minh họa: Hải Long).

Trên bức tranh chung, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế với 588 mã cổ phiếu giảm giá so với 237 mã tăng. Tuy vậy, lực bán không còn quyết liệt, cả 3 sàn chỉ có 8 mã giảm kịch biên độ.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng trong trạng thái giảm. SSB giảm 1,9%; TCB giảm 1,6%; EIB giảm 1,6%; OCB giảm 1,1%; MSB giảm 1,1%; CTG giảm 1%. Một số mã khác như STB, SHB, ACB, VIB, HDB cũng giảm giá. Ngược lại, LPB, TPB, VCB, VPB và BID đạt trạng thái tăng.

Cổ phiếu bất động sản xuất hiện phân hóa khá rõ rệt. Trong khi một số mã có mức tăng tốt, SZC tăng trần, TIP tăng 6,7%; SZL tăng 3,7%; KBC tăng 2,4%; LHG tăng 1,8%; ITA tăng 1,5%... thì vẫn có một bộ phận cổ phiếu tiếp tục điều chỉnh: DXS giảm 3,5%; LGL giảm 2,6%; FIR giảm 2%; CRE giảm 2%; NBB giảm 1,9%; LDG giảm 1,5%...

Điểm tích cực là "cổ phiếu họ Vin" đã đạt được trạng thái xanh nhẹ: VRE tăng 0,4%; VHM và VIC cùng tăng nhẹ 0,1%. Nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Vingroup hồi phục sau khi phía VinFast chính thức lên tiếng về những thông tin quanh việc 2 công ty luật tư nhân ở Mỹ là Robbins Gelleer Rudman & Dowd và Pomerantz đang thu thập thông tin từ khách hàng để mở cuộc điều tra về khả năng vi phạm luật chứng khoán Mỹ của Công ty VinFast Auto.

Bà Hồ Ngọc Lâm - Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Vingroup kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách Pháp chế Công ty VinFast - thẳng thắn cho biết, việc kiện tụng là hết sức bình thường, thường xuyên ở Mỹ nên hãng luôn sẵn sàng đối diện với việc này từ khi quyết định triển khai các hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ.

Sáng nay, việc nhiều cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính hồi phục cũng mang lại hi vọng cho thị trường chung: BSI tăng 3,7%; EVF tăng 3,6%; CTS tăng 1,2%; VCI tăng 0,9%; VIX tăng 0,9%.

Theo các chuyên gia, mặc dù điều chỉnh mạnh cuối tuần vừa rồi nhưng xu hướng phục hồi của các chỉ số chứng khoán chưa bị vi phạm sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua. Bên cạnh đó, vĩ mô đang cho thấy xu hướng cải thiện khá tích cực. Cụ thể, áp lực tỷ giá trong nước đã hạ nhiệt đáng kể trong bối cảnh thị trường tin rằng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất điều hành. Tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép chính sách tiền tệ "dễ thở hơn".

Trong 6 phiên đấu thầu gần nhất, Ngân hàng nhà nước đã dừng hẳn việc phát hành tín phiếu và bơm ròng trở lại thị trường nhờ lượng tín phiếu cũ đáo hạn. Tính từ đầu tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng trở lại hơn 108.000 tỷ đồng và kéo lượng tín phiếu lưu hành giảm về còn gần 100.400 tỷ đồng. Động thái này đã giúp cho thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào hơn, kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trở lại.

Do đó, lo ngại về nguy cơ "đảo chiều chính sách tiền tệ trong nước" đã được gỡ bỏ và điều này sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và dòng tiền trên thị trường chứng khoán trong những tuần giao dịch cuối năm.

Ngoài vấn đề tỷ giá và chính sách tiền tệ, nhiều chỉ báo cho thấy đà phục hồi tăng trưởng của Việt Nam đang có dấu hiệu cải thiện. Liên tiếp trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu đã ghi nhận tăng trưởng dương trở lại với tốc độ tháng sau cao hơn tháng trước. Đồng thời, các chỉ báo khác liên quan tới công nghiệp, dòng vốn FDI cũng cho thấy xu hướng cải thiện tích cực.