VN-Index mất hơn 24 điểm, thanh khoản đột biến
(Dân trí) - Áp lực bán gia tăng vào phiên chiều khiến VN-Index có thời điểm lao dốc về dưới ngưỡng 1.100 điểm.
Kết phiên, mặc dù mốc 1.100 điểm vẫn được bảo toàn nhưng chỉ số đại diện sàn HoSE ghi nhận thiệt hại nặng, mất 24,34 điểm tương ứng 2,16% còn 1.101,19 điểm.
VN30-Index mất tới hơn 29 điểm tương ứng 2,57%. Trên sàn HNX, chỉ số đánh rơi hơn 3 điểm tương ứng 1,32% và UPCoM-Index cũng mất 1,33 điểm tương ứng 1,53%. Thanh khoản đẩy lên cao khi chỉ số xuống thấp. Theo đó, cầu mua giá thấp nhập cuộc đã đưa khối lượng giao dịch trên sàn HoSE lên xấp xỉ 1,25 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 24.225,6 tỷ đồng.
Con số này trên HNX là 147,4 triệu cổ phiếu tương ứng 2.810 tỷ đồng. Sắc đỏ chi phối bức tranh thị trường với tổng cộng hơn 700 mã cổ phiếu giảm giá so với 311 mã tăng. Trong đó, các "ông lớn" như VIC, VCB, VHM, BID điều chỉnh đã ảnh hưởng đáng kể lên chỉ số.
Không một mã nào trong rổ VN30 giữ được sắc xanh hoặc trụ lại ở mức tham chiếu. Nhóm cổ phiếu Vingroup giảm mạnh nhất, trong đó, VIC giảm 6,4%; VHM giảm 5,3%; VRE giảm 4,4%. Các mã ngân hàng cũng quay đầu giảm sau khi bật tăng đầu phiên: SHB giảm 3,4%; VPB giảm 3%; TPB giảm 2,9%; MSN giảm 2,9%; VJC giảm 2,8%...
Dù vậy, diễn biến tại một số cổ phiếu bất động sản vẫn tích cực. ITA vuột giá trần nhưng vẫn tăng mạnh 6,7%, khớp lệnh lên tới 18,5 triệu đơn vị; QCG tăng kịch trần lên 12.050 đồng; ITC tăng 5,9%; VRC tăng 5,1%.
Trước đó, thị trường phiên sáng nay giằng co quanh ngưỡng tham chiếu, tuy vậy, đến cuối phiên sáng, VN-Index chấp nhận mức điều chỉnh 5,84 điểm tương ứng 0,52% còn 1.119,69 điểm. VN30-Index giảm 6,66 điểm tương ứng 0,59% còn 1.125,94 điểm.
Bên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm nhẹ 0,05 điểm tương ứng 0,02% còn UPCoM-Index giảm 0,76 điểm tương ứng 0,87%.
Thanh khoản thị trường đạt 419,64 triệu cổ phiếu tương ứng 7.835,27 tỷ đồng trên HOSE và 52,99 triệu cổ phiếu tương ứng 1.035,18 tỷ đồng trên HNX.
Phiên sáng nay chứng kiến sự điều chỉnh của cổ phiếu ngành ngân hàng trước áp lực chốt lời ngắn hạn của giới đầu tư. Phần lớn cổ phiếu thuộc ngành này giảm giá, trong đó, việc "ông lớn" VCB để mất 1,3% đã ảnh hưởng đáng kể lên chỉ số chính. Ngoài ra, CTG, VPB, SHB, HDB, BID cũng đang ở mức giá thấp hơn lúc mở cửa.
Tương tự, cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính cũng được giao dịch ở mức "giá đỏ". BSI giảm 2,3%; FTS giảm 1,8%; AGR giảm 1,3%; VIX giảm 1,2%; VCI giảm 1,2%; SSI giảm 1,2%.
Ngược lại với hoạt động chốt lời ngắn hạn của giới đầu tư tại nhóm ngành tài chính, cổ phiếu ngành bất động sản lại giao dịch rất sôi động và tăng giá tích cực. ITC và ITA tăng trần; trong đó, ITA không hề còn dư bán.
Phiên tăng này là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của ITA, đáng chú ý, riêng sáng nay thanh khoản ITA tăng vọt, vượt xa khớp lệnh toàn phiên của những ngày trước đó. Khối lượng khớp lệnh sáng nay tại mã này đạt 8,7 triệu đơn vị.
Mới đây, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo của nữ đại gia Đặng Thị Hoàng Yến báo doanh thu thuần đạt hơn 181 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi chi phí, công ty lãi sau thuế 78 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ. Mặc dù vậy, lũy kế 9 tháng, Tân Tạo vẫn bị suy giảm 25% lãi sau thuế, đạt 115 tỷ đồng.
Phía Tân Tạo cho rằng việc kết quả 9 tháng suy giảm là do ảnh hưởng từ thông tin mở thủ tục phá sản được lan truyền dù công ty không nhận được tống đạt chính thức từ tòa án.
Bên cạnh đó, trên thị trường chứng khoán, mới đây Công ty cổ phần Đầu tư Đô thị Sài Gòn - Mekong đã đăng ký bán thỏa thuận toàn bộ gần 32 triệu cổ phiếu ITA đang nắm giữ (chiếm tỷ lệ 3,4% vốn điều lệ Tân Tạo) trong thời gian 26/10-24/11. Bà Đặng Thị Hoàng Yến (hay Maya Dangelas) - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tân Tạo - đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Sài Gòn - Mekong. Ngoài ra, Tổng giám đốc Tân Tạo là ông Nguyễn Thanh Phong cũng đang kiêm nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc của Sài Gòn - Mekong.
Trên thị trường chứng khoán sáng nay, ngoài ITA nhiều cổ phiếu bất động sản cũng có diễn biến tích cực. LGL tăng 6,6%; QCG tăng 6,2%; HAR tăng 4,4%; TIP tăng 4,3%; HQC tăng 3,3%; SZC tăng 3,1%.
Ngành xây dựng và vật liệu đồng pha với EVG, KPF tăng trần; CRC tăng 2,8%; CTI tăng 2,1%; TCD, CTR; LCG, FCN, PHC đều tăng giá tốt. Cổ phiếu tài nguyên cơ bản chứng kiến TNT, DLG tăng trần; TTF tăng 3,2%; KSB tăng 2,5%.