1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tài sản ông Phạm Nhật Vượng hồi phục mạnh

Mai Chi

(Dân trí) - Với việc cổ phiếu Vingroup tăng bốc, tăng mạnh nhất trong rổ VN30 phiên hôm nay, giá trị tài sản cá nhân trên sàn chứng khoán của ông Phạm Nhật Vượng cũng hồi phục ấn tượng.

Sau khi vượt mốc 1.100 điểm ngoạn mục trong phiên hôm qua, VN-Index tiếp tục vận động trên vùng tham chiếu trong hầu hết thời gian của phiên hôm nay (9/11). Rung lắc là điều khó tránh khỏi khi nhiều cổ phiếu đã mang lại mức sinh lợi tương đối lớn cho những nhà đầu tư bắt đáy thành công ở nhịp giảm vừa qua.

VN-Index đóng cửa tăng nhẹ 0,46 điểm tương ứng 0,04% lên 1.113,89 điểm bất chấp VN30-Index bị điều chỉnh 7 điểm tương ứng 0,62%. HNX-Index tăng 1,2 điểm tương ứng 0,53% và UPCoM-Index tăng nhẹ 0,05 điểm tương ứng 0,06%.

Thanh khoản thị trường phiên này rất tốt. Khối lượng giao dịch trên HoSE vượt 1 tỷ cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 21.990,2 tỷ đồng; con số này trên HNX là 129,9 triệu đơn vị tương ứng giá trị giao dịch 2.408 tỷ đồng; UPCoM-Index có 41,9 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 536,5 tỷ đồng.

Tài sản ông Phạm Nhật Vượng hồi phục mạnh - 1

VIC và VHM có ảnh hưởng tích cực nhất lên VN-Index hôm nay (Nguồn: VDSC).

Mặc dù 18 trên 30 mã cổ phiếu VN30 giảm giá và ảnh hưởng đáng kể lên chỉ số nhưng thị trường cho thấy nhiều mã đang mạnh hơn so với chỉ số với 669 mã tăng, 34 mã tăng trần so với 337 mã giảm.

Cổ phiếu họ Vin trong phiên này có đóng góp lớn trong việc giữ VN-Index giữ trạng thái tăng bất chấp phần lớn cổ phiếu bluechips bị chốt lời. VIC tăng mạnh 5,6% lên 45.400 đồng; VHM tăng 4,6% lên 42.900 đồng; VRE tăng 2,5% lên 24.300 đồng.

Chỉ riêng VIC và VHM đã đóng góp tới 4,34 điểm cho VN-Index, trong đó, VIC góp 2,28 điểm và VHM tác động 2,06 điểm lên chỉ số chính.

Chỉ trong 1 tuần qua, VIC đã hồi phục 9,53% và trong 2 ngày trở lại đây tăng 7,84% tương ứng tăng 3.350 đồng/cổ phiếu.

Ông Phạm Nhật Vượng hiện sở hữu trực tiếp 691,27 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng 17,87% vốn điều lệ Vingroup sau khi hoàn tất chuyển nhượng gần 50,8 triệu cổ phiếu VIC (tương ứng 1,31% vốn điều lệ Vingroup) thuộc sở hữu cá nhân để góp vốn vào Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM). Như vậy, sau 2 ngày, tài sản ông Phạm Nhật Vượng hồi phục thêm 2.318 tỷ đồng.

Cổ phiếu ngành bất động sản cho thấy sức bật mạnh mẽ với DRH, DXS, PDR và TIX tăng trần; trong đó, PDR dư mua giá trần 3,3 triệu cổ phiếu, khớp lệnh đạt 31,3 triệu đơn vị. NLG tăng 5,9%; HQC tăng 5,6%; NVL tăng 5,2%, các mã này đều có thời điểm tăng trần trong phiên trước khi hạ độ cao lúc đóng cửa. Riêng NVL khớp lệnh 56,5 triệu cổ phiếu.

Nhóm điện, nước và xăng dầu khí đốt tăng mạnh, dù thanh khoản khiêm tốn. CLW, TDW tăng trần; KHP tăng 5,7%; PMG tăng 5,6%; SJD, VSH, GEG tăng giá.

Cổ phiếu dịch vụ tài chính vẫn là chỉ báo tin cậy với xu hướng thị trường khi đạt được mức tăng tốt. Cùng với nhóm bất động sản, đây là ngành bị bán mạnh nhất trong nhịp điều chỉnh vừa qua và hiện tại vẫn giữ được trạng thái phục hồi tốt. VIX tăng trần lên 15.600 đồng; khớp lệnh "khủng" lên tới 61,7 triệu cổ phiếu; BSI tăng 5%; FIT tăng 4%; AGR tăng 3,5%; CTS tăng 2,6%; VND tăng 2,6%; FTS tăng 2,2%...

Ngược lại, cổ phiếu ngành ngân hàng kém sắc. Ngoại trừ, CTG tăng 0,9% thì phần lớn cổ phiếu ngân hàng trên sàn HoSE giảm giá. VCB giảm 1,8%; SSB giảm 1,8%; VPB giảm 1,7%; STB giảm 1,2%... Việc cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh đã có tác động kém tích cực lên chỉ số chính, khiến đà tăng bị ghìm lại đáng kể. Chỉ riêng VCB đã lấy đi của chỉ số 2,23 điểm.