Cổ phiếu Ma San biến động mạnh sau ESOP

(Dân trí) - Dù đang sở hữu hàng loạt thương hiệu lớn trên thị trường như Chin-su, Nam Ngư, Omachi nhưng cổ phiếu MSN của Ma San đang không được lòng nhà đầu tư do phát hành quyền mua cho nhân viên với chênh lệch lãi quá lớn, trên 1.400 tỷ đồng.

Phiên giao dịch hôm nay (26/6/2013), mặc dù VN-Index đã hồi phục trở lại song cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Ma San vẫn bị “mắc” lại ở ngưỡng tham chiếu và đánh dấu chuỗi 7 phiên liên tiếp không tăng điểm.

So với mức đỉnh trong vòng 1 năm 130.000 đồng/cp  thiết lập ngày 22/3/2013 đến nay, giá trị MSN trên sàn chứng khoán đã “bốc hơi” tới 31,54% xuống còn 89.000 đồng/cp. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu này chỉ thực sự “đổ đèo” kể từ khi thông tin phát hành cổ phiếu ESOP với những điều khoản cụ thể được công bố.

Sau thông tin này, MSN cũng là cổ phiếu liên tục nằm trong danh mục bị bán ròng của nhà đầu tư ngoại. Chỉ tính riêng phiên 26/6, mã này bị khối ngoại bán ròng 190 nghìn đơn vị, tương ứng gần 17 tỷ đồng.

Biểu đồ giá cổ phiếu MSN trong thời gian qua

Biểu đồ giá cổ phiếu MSN trong thời gian qua

ESOP là viết tắt của cụm từ “Employee Stock Ownership Plan” - Kế hoạch thực hiện quyền sở hữu cổ phần cho người lao động. Mục đích của phát hành cổ phiếu ESOP nhằm ghi nhận kết quả làm việc của cán bộ quản lý hoặc người lao động đã có đóng góp cho công ty, tạo động lực để người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; khuyến khích, nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của các bộ nhân viên cùng phấn đấu và chia sẻ với những thành công của Tập đoàn.

Chương trình ESOP cũng được coi là một trong những chiêu thức mà các doanh nghiệp niêm yết sử dụng khi muốn thu hút và giữ chân những cán bộ chủ chốt tâm huyết, giàu năng lực, kinh nghiệp và những nhân viên giỏi.

Thế nhưng, ESOP cũng chứa đựng những rủi ro về tính minh bạch và nhất là khi cổ đông, nhà đầu tư hoài nghi về tính minh bạch trong quyền lợi thì chương trình này lại tạo ra những phản ứng tiêu cực, mà dễ nhận thấy nhất là qua diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Đề xuất phát hành cổ phiếu ESOP của MSN được đưa ra khá lâu về trước và đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012 thông qua vào ngày 25/4 năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ khi các quy định cụ thể được MSN đưa ra gần đây mới khiến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán “sững người”.

Theo đó, ngày 18/4, MSN chính thức công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về vấn đề này và khoảng cách thời gian kể từ ra Nghị quyết và khi số lượng cổ phiếu ESOP được giao dịch (vào đầu tháng 7) lại quá ngắn. Đến đầu tháng 5, trong phần công bố thông tin, MSN cho biết, dự kiến sẽ phát hành 20 triệu cổ phần chiếm tỷ lệ 2,91% với mức mệnh giá 10.000 đồng thấp hơn nhiều so với thị giá của MSN tại thời điểm đó.

Đóng cửa phiên 2/5, MSN có giá 110.000 đồng và như vậy, mức chênh lệch lên tới 100.000 mỗi cổ phần phát hành. Đầu tháng 6, MSN cho biết, khối lượng thực tế phát hành đã giảm xuống còn 17,86 triệu trên tổng số 20 triệu cổ phiếu dự kiến và được bán cho 28 người lao động.

Theo tính toán, kể cả với mức giá MSN trên thị trường đã giảm sâu xuống còn 89.000 đồng như hiện nay thì mức chênh lệch vẫn rất lớn, tới 79.000 đồng/cp. Với khối lượng phát hành mới khổng lồ công bố trên, lợi ích mà 28 nhân viên MSN nhận được sẽ là 1.411 tỷ đồng. Trong khi đó, cho tới nay, khi ngày giao dịch khối lượng cổ phiếu phát hành thêm trên thị trường đã đến gần (2/7) nhưng danh sách cụ thể về 28 nhân viên trên vẫn chưa được công bố trên Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) cho nhà đầu tư được biết.

Một mấu chốt gây ra phản ứng của các cổ đông nhỏ lẻ thị trường còn là việc gần 18 triệu cổ phần này được phát hành cho nhân viên nhưng không hạn chế chuyển nhượng giữa lúc các cổ đông của doanh nghiệp này chưa từng được chia cổ tức kể từ khi MSN niêm yết trên sàn chứng khoán kể từ năm 2009 tới nay.

Theo báo quản trị năm 2012, trong cơ cấu cổ đông của MSN, nhóm cổ đông lớn chiếm tới trên 50% cổ phần và các quyết định của Tập đoàn sẽ phụ thuộc vào tiếng nói của các cổ đông này. 

Cụ thể, CTCP Ma San nắm 36,437%; BI Private Equity New Markets II K/S nắm 6,26%; Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương nắm 14,524%; bà Nguyễn Hoàng Yến nắm 3,169%; ông Hồ Hùng Anh nắm 2,294%.

Ma San không phải là doanh nghiệp duy nhất phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó còn còn FPT, ITA, SSI, ABT, STB...

Trước đó, một doanh nghiệp có vốn hoá lớn trên sàn chứng khoán khác là Vinamilk cũng đề xuất phát hành cổ phiếu ESOP nhưng bị cổ đông lớn nhất là SCIC phủ quyết và là lần thứ hai doanh nghiệp này thất bại với ý định trên. Trong khi đó, chương trình phát hành ESOP của 1 doanh nghiệp khác mà SCIC là cổ đông lớn thứ 3 là FPT thì lại được SCIC “gật đầu”.

Mai Chi