1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cổ phiếu lao dốc từ sự im lặng của doanh nghiệp và bài học nhớ đời

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng khi thông tin tiêu cực xuất hiện, điều tệ nhất là doanh nghiệp chọn im lặng. Điều đó có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Bài học của sự im lặng

Ông Mathew Smith - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích tại Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam - là một chuyên gia có kinh nghiệm trên 20 năm tại thị trường chứng khoán châu Á. Tại sự kiện do Hiệp hội các nhà quản trị tài chính Việt Nam (VAFE), FiLi và Vietstock đồng tổ chức, ông Mathew Smith kể câu chuyện về bài học từ Tập đoàn dầu khí Total Energies của Pháp.

Cụ thể, trong năm 1999, Total Energies cho biết không hề có ý định thâu tóm hay phát hành cổ phiếu để thâu tóm doanh nghiệp khác. Tuy nhiên sau đó, họ lại thâu tóm đối thủ Petrofina nhưng lại không truyền đạt thông tin và chiến lược hậu thâu tóm cho nhà đầu tư.

"Họ chọn cách im lặng và phía nhà đầu tư cũng không nắm chiến lược của công ty sau thâu tóm", ông Mathew Smith nói. Nhà đầu tư cảm thấy bối rối và mức giá Total Energies bỏ ra để thâu tóm Petrofina cũng rất cao. Kết quả là cổ phiếu ngay lập tức giảm 22%.

Có lẽ từ sự vụ này, Total đã rút kinh nghiệm cho riêng mình. Đến năm 2001, nhà máy Toulouse của Total phát nổ và công ty đã lập tức phản hồi thông tin từ các cơ quan điều hành, công chúng cũng như nhà đầu tư.

Tại thời điểm đó, giới đầu tư đánh giá cao hành động của Total, cho rằng công ty đã nhận trách nhiệm về vụ phát nổ và phía Chủ tịch Total cũng tích cực phản hồi thông tin.

Kết quả là giá cổ phiếu của Total không thay đổi quá nhiều và hình ảnh của Total không bị tác động quá tiêu cực bởi sự vụ này, ông Mathew Smith nhận định.

Cổ phiếu lao dốc từ sự im lặng của doanh nghiệp và bài học nhớ đời - 1

Ông Mathew Smith - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích tại Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (Ảnh: Vst).

Vì thế, chuyên gia của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng quan hệ nhà đầu tư (IR) đang là yếu tố quan trọng góp phần giúp tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp, nhất là trong môi trường đầy bất định hiện nay.

Thông qua hoạt động IR, doanh nghiệp có thể cải thiện khả năng tiếp cận vốn, được định giá hợp lý hơn và nâng cao thanh khoản của cổ phiếu. Ngoài ra, IR cũng là kênh để nhận phản hồi về chiến lược doanh nghiệp và làm rõ thông tin cho các nhà đầu tư.

Ông Mathew Smith cũng chỉ ra môi trường vốn hiện tại đã thay đổi rất nhiều. Lợi suất trái phiếu trên đà giảm trong 40 năm liên tiếp. Đến năm 2021, xu hướng đã bắt đầu thay đổi, lợi suất tăng trở lại và các ngân hàng Trung ương như FED đã tăng mạnh lãi suất. Điều này ảnh hưởng tới chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp.

"IR trở nên quan trọng hơn bao giờ hết vì lúc này, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn vì có nhiều lựa chọn tài sản mang lại lợi suất cao hơn. Doanh nghiệp phải chia sẻ những điểm hấp dẫn của bản thân để thu hút nhà đầu tư. Đó là vai trò của đội ngũ IR: giúp doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ hơn", ông Smith cho biết.

Ở một góc nhìn khác, nhà đầu tư cũng đánh giá cao các công ty minh bạch thông tin và sẵn sàng trả một mức giá cao hơn cho các doanh nghiệp có hoạt động IR xuất sắc.

Ông Mathew Smith dẫn lại một khảo sát chỉ ra sự khác biệt giữa công ty có hoạt động IR tốt và công ty có hoạt động IR kém. Theo đó, với công ty có hoạt động IR tốt, 56% nhà đầu tư tham gia khảo sát chấp nhận trả mức giá cao hơn ít nhất 15% so với công ty tương tự nhưng có hoạt động IR kém. Khoảng 24% nhà đầu tư tham gia chịu trả cao hơn 10%.

Minh bạch thông tin cũng mang lại nhiều lợi ích khác cho doanh nghiệp. Phần lớn nhà đầu tư tham gia khảo sát cho rằng minh bạch thông tin sẽ tăng uy tín của ban quản lý (75%), cải thiện khả năng tiếp cận vốn mới (63%), thu hút nhà đầu tư dài hạn (60%) và được nhiều chuyên viên phân tích chú ý hơn (54%).

ESG là thước đo doanh nghiệp trong tương lai

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Vietcombank - cho rằng trong bối cảnh hiện tại, ESG là xu hướng mới trên toàn cầu. Các quỹ đầu tư cũng đánh giá cao doanh nghiệp chú trọng ESG.

Theo ông Linh, nhà đầu tư theo chiến lược dài hạn thì ESG là tiêu chí bắt buộc cho quá trình đầu tư. Doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt và có trách nghiệp với xã hội và môi trường thì sẽ duy trì tăng trưởng trung và dài hạn. Tiêu chuẩn về môi trường ngày càng nghiêm ngặt hơn.

Việt Nam đang nghiên cứu đưa sàn tín chỉ carbon vào năm 2025, doanh nghiệp không chuẩn bị trước có khả năng sẽ tăng chi phí và giảm lợi thế cạnh tranh.