Cổ phiếu họ FLC giá "trà đá" vẫn trụ lại VN30, dùng để cầm cố vay ngân hàng
(Dân trí) - Ngay trước thời điểm ông Trịnh Văn Quyết thoái vốn, từ chức Chủ tịch FLC Faros, hàng chục triệu cổ phiếu ROS được dùng để đảm bảo cho khoản tín dụng của FLC.
Theo các báo cáo quản trị vừa được Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) công bố bổ sung, trong giai đoạn 2019-2021, FLC liên tục dùng tài sản của mình để bảo đảm cho các công ty liên quan như Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán: ROS), hãng hàng không Bamboo Airways và một số doanh nghiệp liên quan.
Bên cạnh các giao dịch thế chấp bất động sản, cổ phiếu cũng là loại tài sản thường xuyên được các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái FLC cầm cố tại ngân hàng.
Vào tháng 5/2019, 3 triệu cổ phiếu ROS của Công ty TNHH MTV Quản lý Khách sạn và Khu nghỉ dưỡng FLC (FLC Hotels & Resorts) được bảo đảm cho khoản vay của chính công ty FLC Faros tại ngân hàng PVComBank.
Sau đó, trong quý I/2020, các công ty FLC Land, FLC Hotels & Resorts, SIP sử dụng tổng cộng hơn 19 triệu cổ phiếu ROS để bảo đảm cho khoản tín dụng của tập đoàn FLC tại Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (Industrial and Commercial Bank of China - ICBC) chi nhánh Hà Nội.
Không chỉ các doanh nghiệp mà bản thân nguyên Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết trong giai đoạn từ tháng 12/2017 đến cuối 2019 cũng sử dụng cổ phiếu ROS do bản thân sở hữu để thế chấp tại nhiều nhà băng như OCB, HDBank, PVComBank, NCB, VRB. Với mỗi hợp đồng tín dụng, tài sản đảm bảo của ông Quyết dao động từ vài triệu đến vài chục triệu cổ phiếu ROS.
Nhìn lại diễn biến giá cổ phiếu ROS trong khoảng thời gian trên, mã này đóng cửa năm 2017 ở vùng giá hơn 150.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là thời điểm ông Quyết trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, sau mức đỉnh đó, cổ phiếu này bắt đầu đi xuống liên tục. Đến cuối năm 2019, thị giá cổ phiếu ROS còn chưa đến 20.000 đồng/cổ phiếu.
Đầu năm 2020, cổ phiếu ROS chính thức rớt xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tháng 4/2020, ông Trịnh Văn Quyết từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT FLC Faros rồi sau đó bán ra hàng trăm triệu cổ phiếu ROS, không còn giữ vai trò cổ đông lớn tại công ty này khi tỷ lệ sở hữu rơi xuống dưới mức 5%.
Như vậy, việc cổ phiếu ROS được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho hợp đồng tín dụng của FLC vào tháng 3/2020 diễn ra ngay trước thời điểm ông Quyết rút khỏi FLC Faros và thoái vốn khỏi công ty này. Sau đó, cổ phiếu ROS không còn được đem thế chấp ngân hàng cho các doanh nghiệp nhóm FLC vay vốn nữa.
Đáng chú ý, dù thị giá rớt thê thảm, chỉ còn ở dạng cổ phiếu "trà đá", ROS vẫn được nằm trong danh mục VN30 của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đến hết năm 2020. Vào tháng 1/2021, HoSE mới loại ROS khỏi rổ cổ phiếu tốt nhất của sở giao dịch này. Còn trong thực tế, một số quỹ chỉ số như FTSE Vietnam Index (FTSE ETF), Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) đã loại ROS ngay trong đợt đánh giá danh mục quý I/2020.
Đầu năm 2021, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng đã lên tiếng về sự giám sát thị trường của HoSE khi để "cổ phiếu rác" được chọn vào bộ chỉ số VN30 một cách dễ dàng và tồn tại trong nhiều năm.