1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cổ phiếu FLC được mua bán nhiều ra sao trước phiên "đột biến" vừa qua?

Nhân Cơ

(Dân trí) - Trong 6 tháng gần nhất, FLC là cổ phiếu duy nhất liên tục nằm trong nhóm 5 mã đứng đầu về khối lượng giao dịch trên sàn HoSE.

Theo dữ liệu định kỳ được Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) công bố mới đây, 5 cổ phiếu được mua bán nhiều nhất trong tháng 3 bao gồm HPG (Hòa Phát) - 610 triệu đơn vị, HAG (Hoàng Anh Gia Lai) - 563 triệu đơn vị, HQC (Hoàng Quân) - 548 triệu đơn vị, FLC - 467 triệu đơn vị, STB (Sacombank) - 421 triệu đơn vị.

Đặc biệt, đây là tháng thứ 6 liên tục FLC nằm trong nhóm 5 cổ phiếu được nhà đầu tư sang tay nhiều nhất trên sàn HoSE. Trong nửa năm qua, FLC cũng là cổ phiếu duy nhất liên tục duy trì vị trí trong top 5 về thanh khoản.

Đặc biệt, trong ngày 1/4 vừa qua, 100 triệu đơn vị FLC được nhà đầu tư khớp lệnh sau chuỗi 4 phiên giảm sàn liên tục trước đó. Như vậy, chỉ riêng khối lượng giao dịch cổ phiếu FLC phiên 1/4 đã bằng 20% tổng thanh khoản trong cả tháng 3 trước đó.

Cổ phiếu FLC được mua bán nhiều ra sao trước phiên đột biến vừa qua? - 1

(Biểu đồ: Nhân Cơ).

Ngay sau phiên giao dịch đột biến về thanh khoản ngày 1/4 này, Tập đoàn FLC đã gửi công văn đề nghị các cơ quan quản lý lĩnh vực chứng khoán xem xét làm rõ những dấu hiệu theo doanh nghiệp là bất thường. FLC còn kiến nghị nhà chức trách tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu của chính doanh nghiệp mình, xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch đã thực hiện trong ngày 1/4 nếu phát hiện các vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán. 

Trước đó, vào tối 31/3, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin mua gom cổ phiếu FLC, thậm chí còn có thông tin Chủ tịch HĐQT mới của FLC là ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu. Phía FLC đã bác bỏ thông tin trên, khẳng định nội dung sai sự thật này làm ảnh hưởng tới tâm lý của cổ đông FLC nói riêng và các nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu FLC nói chung.

"Trong trường hợp có tổ chức, cá nhân nào phát tán thông tin nói trên thì có thể được xem là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp, làm mất an ninh, an toàn của thị trưởng, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin đối với thị trường chứng khoán của nhiều nhà đầu tư", văn bản của doanh nghiệp cho biết.

Chia sẻ với Dân trí trong ngày 2/4, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng đề nghị hủy giao dịch của tập đoàn FLC là không có cơ sở. Theo ông, trong một phiên giao dịch, việc nhà đầu tư mua bán khối lượng lớn cổ phiếu thì không thể quy kết có dấu hiệu vi phạm là không có căn cứ. Kể cả trường hợp gom mua cổ phiếu trên sàn với ý định thâu tóm là có thật thì doanh nghiệp cũng phải chấp nhận nếu đúng luật. 

Trong thực tế, các cơ quan quản lý chứng khoán chưa đưa ra phản hồi chính thức về kiến nghị của cổ phiếu FLC. Trong phiên sáng 4/4, cổ phiếu FLC vẫn được giao dịch bình thường và thậm chí còn tăng trần. Nhiều mã thuộc họ FLC như ROS (FLC Faros), AMD (FLC Stone), ART (Chứng khoán BOS), HAI (Nông dược H.A.I) cũng tăng kịch biên độ trong phiên giao dịch sáng 4/4. 

Chiều 29/3, ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã bị khởi tố, bắt tạm giam liên quan đến hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.