Cổ phiếu dầu khí: Cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt doanh thu 247.100 tỉ đồng, vượt 15% so với kế hoạch, tăng 31.500 tỉ đồng so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 13.100 tỉ đồng, vượt 15% so với kế hoạch và bằng 79% kế hoạch năm.

Kết quả này đã phần nào phản ánh hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí có nhiều chuyển biến tích cực, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn.

Cổ phiếu dầu khí: Cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn - 1

Nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh nửa đầu năm 2017

Là một trong doanh nghiệp lớn, cổ phiếu mã GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) luôn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, bởi là top các doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán, cùng với vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam đầy tiềm năng, cung cấp khí để sản xuất gần 30% sản lượng điện, 70% đạm, 70% thị phần LPG cả nước.

Trong nhiều năm qua, GAS luôn nằm trong top đầu các đơn vị của PVN có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu cao, trên 17%. Năm 2016, trong tình hình hết sức khó khăn của ngành Dầu khí, GAS vẫn duy trì hiệu quả kinh doanh cao, tỷ lệ chia cổ tức lên đến 40%. Năm 2016, GAS cũng là mã cổ phiếu “bội thu” của các nhà đầu tư, với mức tăng trưởng gần 90% (từ hơn 30.000 đồng/cổ phiếu lên gần 60.000 đồng/cổ phiếu).

Trong 6 tháng đầu năm 2017, với sự gia tăng của giá dầu Brent, GAS ghi nhận 32.573 tỉ đồng doanh thu thuần và 4.087 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 31% so với cùng kỳ; giá cổ phiếu GAS không có nhiều biến động, quanh mức 61.000-64.000 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ so với thời điểm cuối 2016. Cùng với GAS, các cổ phiếu thuộc nhóm khí đang thuận lợi khi giá dầu FO đang ở mức cao so với cùng kỳ.

Một cái tên đáng chú ý khác là cổ phiếu mã PVS của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). PVS được đánh giá là hoạt động hiệu quả với những biến động của giá dầu bởi hoạt động kinh doanh đa dạng, tình hình tài chính lành mạnh, cùng với công tác quản trị được đánh giá cao. Mặc dù kết quả sản xuất kinh doanh sụt giảm cùng với sự lao dốc của giá dầu thời gian qua đã tác động dẫn đến thị trường bị thu hẹp và cạnh tranh gay gắt, nhưng PVS vẫn giữ vững các dịch vụ cốt lõi và là một trong những doanh nghiệp có lợi nhuận cao trong ngành.

Trong thời gian tới, trên cơ sở những thông tin tích cực trong công tác tìm kiếm, thăm dò và phát triển mỏ, dự báo tình hình triển khai các dự án lớn như: Dự án Cá Rồng Đỏ, Lô B Ô Môn, Đại Nguyệt Sao Vàng… PVS có khả năng cao được giao thực hiện nhiều hợp đồng, gói thầu dịch vụ có giá trị trong giai đoạn 2017-2018 và những năm tiếp theo. Đó là một trong những điểm sáng cho cổ phiếu PVS trong thời gian tới.

Tăng trưởng mạnh nhất trong các cổ phiếu nhóm Dầu khí trong những tháng đầu năm 2017 là cổ phiếu DCM của Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC). Sau khi đã sụt giảm 12,82% trong năm 2016 trước những lo ngại về khó khăn của ngành phân bón, giá cổ phiếu DCM đã ghi nhận sự hồi phục ấn tượng kể từ đầu năm 2017. Từ đầu năm đến nay cổ phiếu DCM đã tăng trưởng hơn 40% từ mức 10.000 đồng/cổ phiếu lên 14.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.

Cùng với sự chuyển mình ấn tượng của hoạt động sản xuất kinh doanh, các chỉ số tài chính tích cực và kỳ vọng về sự điều chỉnh Luật Thuế cùng các chính sách mới của Nhà nước đã hỗ trợ tích cực cho triển vọng kinh doanh của DCM nói riêng và cổ phiếu ngành phân bón nói chung trong năm 2017 cũng như những năm tới. Các chuyên gia đánh giá, trong trường hợp nhu cầu mặt hàng urê đứng ở mức cao cả năm, năm nay không nghi ngờ sẽ là năm của DCM.

Điểm sáng còn đến từ Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE) khi ghi nhận 913 tỉ đồng doanh thu thuần trong nửa đầu năm 2017, tăng 83,4% so với cùng kỳ 2016 và lợi nhuận sau thuế đạt 15,8 tỉ đồng, gấp 2,45 lần và hoàn thành 48,6% kế hoạch cả năm 2017.

Có thể thấy, trong tình hình giá dầu sụt giảm và duy trì ở mức thấp một thời gian dài, giá cổ phiếu dầu khí đã có sự sụt giảm đáng kể trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Hiện nay đa phần các cổ phiếu trong ngành Dầu khí đang tích lũy đi ngang ở mức thấp, nhiều mã được đánh giá đang ở vùng giá đáng để canh mua. Các chuyên gia đánh giá, cổ phiếu nhóm Dầu khí sẽ mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn.

Triển vọng giá dầu cuối năm 2017

Giá dầu cuối năm 2017 được đánh giá sẽ tiếp tục khó đoán. Vừa qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng Nga và các quốc gia xuất khẩu dầu khác đã nhất trí kéo dài thêm thời gian cắt giảm sản lượng khai thác dầu đến tháng 3-2018 để giải quyết tình trạng cung vượt cầu trên thị trường. Tuy vậy, nguồn cung dầu vẫn chịu áp lực bởi các quốc gia Mỹ, Iran, Nigeria và Lybia, đều gia tăng sản lượng khai thác.

Theo Cơ quan Quản lý thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã liên tục tăng, đạt mức 5,5 triệu thùng/ngày trong tháng 7, tăng 22% so với mức khai thác hồi đầu năm. Mỹ cùng với các quốc gia không tham gia vào chương trình cắt giảm sản lượng sẽ trung hòa những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC.

Giá dầu là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của PVN và các đơn vị thành viên trong ngành. PVN dự báo giá dầu trung bình 6 tháng cuối năm dao động ở mức 46-50USD/thùng và giá dầu trung bình cả năm 2017 có thể đạt 50USD/thùng, nên PVN có khả năng hoàn thành bằng hoặc vượt các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của năm 2017.