1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cổ phiếu bầu Đức “sốt” trở lại sau tin liên quan con trai ông Trần Bắc Hà

(Dân trí) - Tin tiêu cực liên quan tới vụ án tại Công ty Bình Hà của con trai ông Trần Bắc Hà, cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai giảm về đáy lịch sử. Song, HAG hiện đã tăng giá trở lại.

Cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai hồi phục

Cặp cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai trong sáng nay (6/4) đạt được đà hồi phục đáng kể. HNG tăng 500 đồng tương ứng 4,07% lên 12.800 đồng và đang dần thoát khỏi vùng giá đáy thiết lập hồi cuối tháng 3.

Cổ phiếu bầu Đức “sốt” trở lại sau tin liên quan con trai ông Trần Bắc Hà - 1

Cổ phiếu các công ty bầu Đức đã hồi phục từ đáy

HAG tăng trần lên 3.000 đồng và đạt được mức tăng giá 12,8% trong vòng 1 tuần dù vẫn ghi nhận đánh mất khoảng 14% trong vòng 1 tháng qua.

Thời gian vừa qua, khi vụ án tại công ty Bình Hà của con trai ông Trần Bắc Hà bị vỡ lở, doanh nghiệp của ông bầu Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) được cho là có liên quan. Làm việc với cơ quan điều tra, bầu Đức cho biết, đầu năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai được mời tham gia đầu tư chăn nuôi dự án nuôi bò tại Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai thấy địa bàn các huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh - nơi tỉnh Hà Tĩnh kêu gọi đầu tư, Hoàng Anh Gia Lai nhận thấy khu vực này không đủ điều kiện để chăn nuôi bò.

Được ông Trần Bắc Hà đề nghị, bầu Đức đã giới thiệu một nhân viên cũ là ông Đinh Văn Dũng gặp Trần Duy Tùng (con trai ông Hà) đã hỗ trợ dự án.

Trong giai đoạn đầu, Hoàng Anh Gia Lai thông qua hai công ty con của tập đoàn là Công ty cổ phần Bò sữa Tây Nguyên và Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai đã đứng ra nhập khẩu bò giúp công ty Bình Hà. Sau này, Bình Hà nhập khẩu trực tiếp.

Đến khi một số lò mổ của Việt Nam vi phạm tiêu chuẩn Escas về giết mổ bò và bị cấm nhập khẩu bò (trong đó có công ty Bình Hà) thì công ty Bình Hà ký hợp đồng mua bò với hai công ty trên của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Việc mua bán như thế nào thì ông Đức khẳng định không biết và không tham gia.

Những thông tin này đã ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu HAG trong giai đoạn cuối tháng 3. Với nhiều phiên tục giảm giá, HAG đã về mức đáy lịch sử với mức giá 2.550 đồng/cổ phiếu vào ngày 30/3/2020.

Cổ phiếu Vingroup dẫn dắt thị trường

Thị trường chứng khoán sáng đầu tuần giao dịch bùng nổ với mức tăng mạnh mẽ trên cả 3 sàn HSX, HNX và UPCoM.

Cụ thể, VN-Index tăng 25,11 điểm tương ứng 3,58% lên 726,91 điểm; HNX-Index tăng 2,89 điểm tương ứng 2,95% lên 100,73 và UPCoM-Index cũng tăng 0,76 điểm tương ứng 1,54% lên 49,89 điểm.

Thanh khoản đạt 200,44 triệu cổ phiếu tương ứng 2.722,78 tỷ đồng trên HSX và đạt 33,74 triệu cổ phiếu tương ứng 338,91 tỷ đồng trên HNX. Con số này trên thị trường UPCoM là 7,81 triệu cổ phiếu tương ứng 76,63 tỷ đồng.

Trên quy mô toàn thị trường, số lượng mã tăng giá hoàn toàn áp đảo với 472 mã, có 89 mã tăng trần, trong khi phía giảm có 162 mã và có 38 mã giảm sàn.

Nhóm cổ phiếu họ Vingroup tiếp tục đóng vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt đà tăng của chỉ số: VIC tăng 5.400 đồng; VHM tăng 3.500 đồng lên 61.200 đồng. Trong mức tăng chung của VN-Index, VIC đóng góp tới 5,2 điểm, VHM đóng góp 3,34 điểm.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng tăng mạnh. BID tăng 1.800 đồng lên 36.100 đồng; VCB tăng 1.500 đồng lên 67.000 đồng; CTG tăng 900 đồng lên 19.700 đồng; TCB tăng 700 đồng lên 16.550 đồng. Theo đó, BID đóng góp 2,06 điểm cho VN-Index; VCB đóng góp 1,58 điểm; CTG đóng góp 0,95 điểm; TCB đóng góp 0,7 điểm.

Các mã cổ phiếu khác như GAS, SAB, MSN cũng tăng giá mạnh: SAB tăng 6.200 đồng lên 131.200 đồng; GAS tăng 2.200 đồng lên 61.400 đồng; MSN tăng 2.700 đồng lên 55.000 đồng.

Đáng chú ý, trong phiên sáng, thị trường cũng chứng kiến nhiều mã tăng trần. HVN tăng trần 1.350 đồng lên 20.650 đồng, khớp lệnh 1,19 triệu cổ phiếu và không có dư bán. CTD tăng trần 3.350 đồng lên 51.600 đồng, khớp lệnh gần 82 nghìn cổ phiếu và cũng không có dư bán. MWG tăng trần 4.500 đồng lên 69.900 đồng, khớp lệnh 469 nghìn đơn vị, không có dư bán.

Mặc dù vẫn còn những nghi ngại nhất định về triển vọng thị trường, tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tại BVSC vẫn kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến khởi sắc trong tuần này. BVSC cũng lưu ý thị trường có thể xuất hiện các phiên biến động mạnh đan xen trong quá trình hướng đến vùng kháng cự trên, đặc biệt là trong những phiên đầu tuần tới.

VN-Index dự báo sẽ thử thách vùng kháng cự 710-730 điểm. Đây là vùng kháng cự ngắn hạn của chỉ số. Do đó, nhiều khả năng thị trường sẽ gặp phải áp lực bán và quay đầu điều chỉnh tại vùng kháng cự này.

Điểm tiêu cực hiện tại vẫn là những diễn biến bất ngờ của dịch Covid19 và hoạt động bán ròng trở lại của khối ngoại. Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới có thể sẽ còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ dần được công bố trong tháng 04. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.

BVSC khuyến nghị, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức thấp 10-20% cổ phiếu, ưu tiên nắm giữ các mã với tầm nhìn trung - dài hạn. Nhà đầu tư đã thực hiện giải ngân tại vùng quanh 653 điểm có thể xem xét thực hiện bán chốt lời một phần tỷ trọng tại vùng kháng cự 710-730 điểm.

Đối với các nhà đầu tư còn vị thế tiền mặt lớn và có mức độ chịu đựng rủi ro cao có thể tiếp tục xem xét giải ngân một phần nhỏ tỷ trọng khi thị trường xuất hiện các phiên điều chỉnh mạnh.

Mai Chi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm