Có hay không việc ông Mai Tuấn Anh và “Út trọc” “thâu tóm” trạm dừng nghỉ trên cao tốc?
Để công ty Thái Sơn của Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) sớm được triển khai dự án trạm dừng nghỉ, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC đã đề nghị HĐTV VEC chấp thuận giao chính mình thực hiện ký kết hợp đồng nguyên tắc với phía nhà đầu tư để thực hiện các công việc khảo sát, nhanh chóng triển khai dự án.
VEC “ưu ái” cho “Út trọc”?
Năm 2015, thời điểm ông Mai Tuấn Anh là Tổng giám đốc tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), hiện nay là Chủ tịch HĐTV VEC, đã có văn bản 1065/VEC-KHĐT kiến nghị HĐTV VEC “rút ngắn tiến độ” ký hợp đồng nguyên tắc với nhà đầu tư Thái Sơn cho trạm dừng nghỉ tại km41+100 thuộc dự án đường cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Tại văn bản số 1065 gửi HĐTV VEC do ông Mai Tuấn Anh ký khẳng định: "VEC nhận được văn bản số 65 ngày 31.3.2015 của công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc phòng (gọi tắt công ty Thái Sơn, công ty của Đinh Ngọc Hệ, tức “Út trọc”) về việc đề xuất ký hợp đồng nguyên tắc cho trạm dừng nghỉ tại km 41+100 dự án đường cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Cụ thể, hạng mục xây dựng trạm dừng nghỉ dịch vụ kỹ thuật tại km 41+100 dự án đường cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đã được bộ GTVT chấp thuận tại quyết định phê duyệt dự án đầu tư số 334/QĐ-BGTVT ngày 13/2/2017.
Văn bản do ông Mai Tuấn Anh ký nêu rõ: Ngày 4/11/2014, công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn bộ Quốc phòng đã có văn bản số 236/2014/CV-TS xin đầu tư xây dựng trạm dừng chân, tiếp nạp nhiên liệu và dịch vụ ăn uống trên cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây.
Nhận được văn bản xin đầu tư của công ty Thái Sơn, VEC đã có văn bản số 4621/VEC-QLKT đồng ý về nguyên tắc việc nhà đầu tư Thái Sơn tham gia nghiên cứu đầu tư trạm dừng nghỉ tại Km41+100, và đề nghị xây dựng phương án đầu tư bao gồm thiết kế tổng thế và phương án tài chính để VEC xem xét.
Ông Mai Tuấn Anh - Chủ tịch VEC.
Khi được VEC đồng ý cho phép đầu tư, công ty Thái Sơn đã có công văn số 03/2015/CV-TS trình phương án đầu tư trạm dừng nghỉ với tổng mức đầu tư 225 tỷ đồng (bao gồm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là 135 tỷ, giai đoạn 2 là 90 tỷ).
Sau khi xem xét, VEC đã có văn bản số 858/VEC-KTCMNT ngày 25/3/2015 yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thiện hồ sơ thiết kế và cập nhật tổng mức đầu tư, phương án tài chính theo các ý kiến của phòng KTCNMT và ban HLD…
Thúc "rút ngắn tiến độ"?
Mặc dù VEC đã chấp thuận chủ trương cho nhà đầu tư thực hiện nghiên cứu đầu tư dự án, nhưng theo quy định, công ty Thái Sơn vẫn cần một khoảng thời gian để hoàn hiện phương án đầu tư và các hồ sơ dự án liên quan.
Thế nhưng, để rút ngắn tiến độ, ông Mai Tuấn Anh đã đề nghị HĐTV VEC chấp thuận giao chính mình thực hiện ký kết hợp đồng nguyên tắc với phía Thái Sơn để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện các công việc khảo sát, nhanh chóng triển khai dự án.
Từ động thái này, dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Tại sao ông Mai Tuấn Anh lại muốn "rút ngắn tiến độ", đẩy nhanh việc ký hợp đồng nguyên tắc với công ty Thái Sơn?
Theo báo cáo 1260/BC-VEC-QLKT về tình hình thực hiện đầu tư các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường do VEC quản lý, khai thác, Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám cho biết sau một thời gian dài triển khai thực hiện dự án, công ty Thái Sơn đã không đáp ứng được tiến độ, chậm trễ trong việc thi công xây dựng (giai đoạn 1 chậm tới 17 tháng, giai đoạn 2 chưa triển khai…). Mặc khác, công ty Thái Sơn không có động thái tích cực triển khai các hạng mục chính như tổ hợp nhà hàng dịch vụ, văn phòng quản lý, cứu hộ giao thông, khu vui chơi...
Đáng chú nhất, Tổng giám đốc VEC Trần Văn Tám còn chỉ ra, nghi án ban lãnh đạo VEC nhiệm kỳ 2011-2016 ký kết trao các “miếng bánh” trạm dừng nghỉ cho nhà đầu tư mà chưa được bộ GTVT uỷ quyền.
Ông Tám đưa ra căn cứ: “Trên cơ sở xem xét hợp đồng các trạm dừng nghỉ đã ký kết và căn cứ vào các quy định của pháp luật về hợp đồng, có thể thấy các hợp đồng ký kết giữa VEC và nhà đầu tư không xác định rõ hình thức BOT hoặc BCC. Các hợp đồng đều không có bảo lãnh thực hiện hợp đồng và không có điều khoản để VEC can thiệp, yêu cầu nhà đầu tư thực hiện khi không có bảo lãnh ngân hàng”.
Trước thực tế đó, VEC đã có văn bản số 388/VEC-KHKD ngày 2.2.2018 thông báo chấm dứt hợp đồng gửi Nhà đầu tư để chuẩn bị các tài liệu làm cơ sở đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng theo quy định.
Ngày 9/3/2018, VEC một lần nữa đã tiến hành kiểm tra hiện trường xác nhận các hạng mục công việc công ty Thái Sơn đã thực hiện và tổ chức làm việc với công ty Thái Sơn để có cơ sở thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng theo quy định.
Theo Minh Hiếu
Dân Việt