Cô gái dân tộc Tày bỏ phố về quê khởi nghiệp: Chơi lớn, đầu tư 3 tỷ đồng
(Dân trí) - Sau một thời gian kinh doanh tại Hà Nội nhưng không có điểm sáng, Khánh Ly quyết định về Cao Bằng, quê hương của cô, để khởi nghiệp và làm lại với số vốn không nhỏ.
Thua lỗ vì thiếu kinh nghiệm
La Khánh Ly (27 tuổi) tốt nghiệp Đại học Thương mại vào năm 2018. Sau đó, cô cùng chồng mở quán ăn trên phố Kim Mã (Hà Nội). Lần mở quán này được coi là lần khởi nghiệp chính thức đầu tiên của Khánh Ly dù trước đó, cô đã có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh thời trang online.
Nhớ lại những ngày đầu mở quán ăn, Khánh Ly cho rằng kinh doanh, đặc biệt ở thành phố lớn là điều không dễ dàng. Cửa hàng của cô rộng khoảng hơn 30m2 có giá thuê lên tới 25 triệu đồng mỗi tháng. Mức giá này không rẻ so với thời điểm năm 2018.
Vì chưa có kinh nghiệm, vợ chồng Ly khá chật vật trong việc quản lý ngân sách thu chi, tiền nguyên vật liệu đầu vào và đầu ra, quản lý nhân sự. Nhìn thấy vấn đề rõ ràng sau vài tháng kinh doanh, Ly và chồng quyết định đóng cửa hàng để tránh "lỗ chồng lỗ".
Sau khi nghiên cứu thị trường, Khánh Ly ngỏ ý muốn hai vợ chồng chuyển về Cao Bằng, nơi cô sinh ra và lớn lên, để bắt đầu lại. Ly cho rằng việc trở về quê giúp cô có nhiều động lực, tự tin bởi cô đã rất hiểu mảnh đất này. Ngoài ra, giá thuê nhà, nhân viên và các chi phí đi kèm ở Cao Bằng thấp hơn khá nhiều so với Hà Nội.
Trở về Cao Bằng, Khánh Ly mở quán cà phê sân vườn nhỏ, một tầng, chủ yếu phục vụ đồ uống và đồ ăn nhanh. Những ngày đầu dù chỉ đón lượng khách tương đối nhỏ, Ly cũng cảm thấy vui và có thêm nhiều động lực.
Học theo các thương hiệu lớn để áp dụng vào mô hình nhỏ
Theo Ly, làm quảng cáo, chạy các chương trình giảm giá ở tỉnh cũng đơn giản và đỡ tốn kém hơn khá nhiều so với thành phố. Với hầu hết chương trình, Ly chỉ cần đăng tải lên mạng xã hội, sau đó đều được khách hàng "marketing truyền miệng".
Nhớ lại những ngày tháng mới bỏ phố về quê, Khánh Ly tâm sự: "Không thể không có những giây phút nhớ Hà Nội. Chồng tôi là người Hà Nội gốc nên việc xa quê để lập nghiệp ở một nơi cách xa cả 300km là không dễ dàng".
Để quán cà phê của mình có sức hút, Khánh Ly thường xuyên học hỏi các đồ uống mới, cách trang trí ly nước đẹp mắt, các chương trình khuyến mại từ các thương hiệu lớn để áp dụng vào cửa hàng nhỏ của mình.
Sau 2 năm kinh doanh, đầu năm 2022, Ly quyết định "chơi lớn" lùi một bước, tiến ba bước. Cô chuyển quán cà phê của mình sang một địa điểm với diện tích nhỏ hơn để phá dỡ cửa hàng cũ và xây thành tòa nhà 6 tầng. Trong đó, tầng 1, 2 và tầng 6 cô dùng để kinh doanh cà phê. Tầng 3, 4, 5 cô dùng để kinh doanh homestay cho khách du lịch Cao Bằng. Tổng số vốn cho lần thay đổi này của cô khoảng 3 tỷ đồng.
Khánh Ly muốn phát triển hệ sinh thái, phục vụ các dịch vụ trọn vẹn cho những vị khách du lịch, bao gồm cả thuê phương tiện xe máy để di chuyển, khám phá Cao Bằng.
"Cao Bằng ngày càng phát triển về du lịch nên tôi quyết định đầu tư lớn. Tôi cho rằng đây là mô hình ổn ở thời điểm này, để phát triển được thì cần duy trì chất lượng dịch vụ", Ly chia sẻ.
Quan trọng nhất là nhân sự
Chia sẻ về các sai lầm, bài học nhận ra trên hành trình khởi nghiệp, Khánh Ly cho biết cô tốn khá nhiều tiền trong việc xây sửa quán. Mỗi lần thay đổi thiết kế, chọn vật liệu mới, Ly lại tốn số tiền gấp đôi với dự định ban đầu. Ngoài ra, khi sắm trang thiết bị pha chế đồ uống, cô cũng nhiều lần mua vì nổi hứng, sau đó không dùng đến, gây lãng phí nhiều tiền.
Theo cô, điểm khó nhất trong kinh doanh lĩnh vực F&B là quản lý nhân sự. Nhân viên là những người tiếp xúc gần với khách hàng, có những điểm chạm, mang lại trải nghiệm cho khách.
Do vậy, việc đào tạo nhân sự là điểm quan trọng nhất. Chỉ cần một nhân viên không có kinh nghiệm, giao tiếp không tốt hoặc có thái độ không đúng mực thì hình ảnh thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng.
"Làm nghề dịch vụ, mọi chi tiết dù là nhỏ nhất đều phải cố gắng, tận tâm và chỉn chu. Tôi muốn quảng bá hình ảnh du lịch Cao Bằng đến bạn bè cả nước và cả quốc tế, do vậy, tôi càng đề cao mục tiêu kinh doanh của mình", Khánh Ly nói.
Hiện tại, sau gần 4 năm "bỏ phố về quê", Khánh Ly hài lòng với cuộc sống và công việc kinh doanh của mình. Cô đặt mục tiêu về thời điểm hòa vốn nhưng không quá áp lực. Bởi, công việc kinh doanh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm cả khách quan, chủ quan, nên đôi khi có những khi đi lệch kế hoạch.
Theo Ly, người làm chủ là người cảm nhận rõ nhất về tình hình kinh doanh, mức độ khả thi. Khi chính mình đã cảm thấy không ổn thì chắc chắn công việc đang có vấn đề. Còn nếu không, hãy cố gắng, chỉn chu từ những điều nhỏ nhất.